Có 2.248 chuyến bay chậm giờ trong tháng 11
Trong tháng 11, lần đầu tiên trong năm nay, tỉ lệ chuyến bay chậm giờ của các hãng hàng không Việt Nam giảm xuống mức 1 con số.
- 08-11-2018Vietjet khai trương đường bay thẳng đầu tiên đến Nhật Bản
- 10-10-2018Vietjet khai trương 3 đường bay kết nối Việt Nam - Nhật Bản
- 18-07-2018Vietjet Air hủy 4 chuyến đi và đến sân bay Vinh do ảnh hưởng của bão
Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố tình hình hoạt động khai thác chuyến bay đúng giờ, chậm, huỷ chuyến của các hãng hàng không Việt Nam tháng 11-2018.
Hành khách chờ chuyến bay - Ảnh: Tấn Thạnh
Trong tháng 11, các hãng hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco) đã khai thác 22.832 chuyến bay, tuy có giảm nhẹ so với tháng trước song tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó số chuyến bay chậm chuyến là 2.248, chiếm tỉ lệ 9,8%, giảm 3,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2017 và giảm 1,2 điểm phần trăm so với tháng trước.
Cụ thể, đứng đầu về tình trạng chậm chuyến là Vietjet. Tổng số chuyến chậm trong tháng 11 của hãng Vietjet là 1.203 chuyến, chiếm tỉ lệ 12,9% số chuyến khai thác.
Jetstar Pacific có 242 chuyến chậm, chiếm 8,8% chuyến khai thác.
Vietnam Airlines có 780 chuyến bị chậm, chiếm 8,0% số chuyến khai thác. Vasco có 23 chuyến chậm, chiếm tỉ lệ 2,3%.
Đây là động thái khá tích cực sau 2 tháng liên tiếp tỉ lệ chuyến bay chậm giờ đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, chỉ số chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP) tháng 11 đạt tới 90,2%, lần đầu tiên trong năm 2018 chỉ số OTP vượt mức 90%.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên trong năm 2018, tỉ lệ chuyến bay chậm chuyến giảm xuống còn 1 chữ số. Từ đầu năm tới nay, tháng nào tỉ lệ chậm chuyến cũng trên 10%. Cụ thể, tính chung 8 tháng đầu năm, tỉ lệ số chuyến bay chậm chuyến là 14,6%, trong đó, mức "đỉnh" là tháng 7 với 19% số chuyến bay bị chậm. Các tháng 9, 10, tỉ lệ chậm chuyến cũng đều trên 10%
Theo Cục Hàng không Việt Nam, có rất nhiều lý do khiến tình trạng chậm chuyến diễn ra, song chủ yếu do máy bay về muộn và do các hãng hàng không. Các nguyên nhân khác có thể kể ra là: Quản lý điều hành bay, trang thiết bị và dịch vụ tại sân bay, thời tiết…
Trong tháng 11 có 36 chuyến bay bị hủy, trong đó Vietjet có 14 chuyến, Vietnam Airlines 13 chuyến, VASCO 6 chuyến và Jetstar Pacific 3 chuyến. Lý do chuyến bay bị hủy chủ yếu bởi nguyên nhân kỹ thuật (14 chuyến), thời tiết (12 chuyến), khai thác (8 chuyến), và lý do khác (2 chuyến)
Tại cuộc họp vào tháng 8 về tình hình quản lý, xét duyệt giờ hạ, cất cánh (slot) tại các cảng hàng không, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể chỉ đạo: "Người dân phản ánh nhiều về tình trạng chậm, hủy chuyến. Tình trạng này không thể kéo dài, các đơn vị cần có giải pháp mạnh, nhanh để giảm đến mức tối đa, đặc biệt để phục vụ 2-9, Tết dương lịch, âm lịch sắp tới...".
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng giao Cục Hàng không Việt Nam, Hội đồng điều phối slot nghiên cứu, tham mưu Bộ đề xuất các giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề trên, đảm bảo công bằng giữa các hãng với người dân. Cố gắng giảm đến mức tối đa các chuyến bay chậm, hủy chuyến, ghép chuyến. Giảm tối đa thời gian chờ đợi trên sân bay để đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Người lao động