MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có 3 thứ quan trọng để phát triển ngành bán dẫn, chuyên gia ĐH Stanford chỉ ra cơ hội lớn của Việt Nam

18-12-2023 - 16:38 PM | Kinh tế số

“Việt Nam sẽ là nơi tuyệt vời cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn. Tuy nhiên, chúng ta cần chọn lọc kỹ”, GS Albert Pisano, chia sẻ.’

Theo Gartner, công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ hàng đầu thế giới, bán dẫn là ngành được dự báo có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỷ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Đây cũng là ngành được xem là cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.

Công nghệ bán dẫn cũng chính là chủ đề của tọa đàm "Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại" được tổ chức vào ngày 18/12 tại Hà Nội. Đây là phiên tọa đàm mở màn cho Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023.

Có 3 thứ quan trọng để phát triển ngành bán dẫn, chuyên gia ĐH Stanford chỉ ra cơ hội lớn của Việt Nam - Ảnh 1.

GS Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, nguyên Giám đốc Chương trình Winton về Vật lý Bền vững của Trung tâm Maxwell thuộc ĐH Cambridge (Anh), cho biết công nghệ bán dẫn là công nghệ nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện đại, mọi thứ từ hệ thống năng lượng, viễn thông và điện toán đều cần tới bán dẫn. Điều thú vị là xu thế đang diễn ra tại mọi khía cạnh để ta có thể làm những hệ thống thiết bị mới với điện áp cao hoặc các thiết bị có hiệu quả năng lượng tốt hơn. Đặc biệt, bán dẫn có vai trò quan trọng nên lĩnh vực này sẽ tiêu điểm mở ra nhiều cơ hội và thu hút nhiều ngành công nghiệp.

Đồng quan điểm với GS Friend, GS Albert Pisano chia sẻ thêm về một cuộc cách mạng khác trong ngành bán dẫn đang diễn ra. Đó là cuộc cách mạng trong viễn thông không dây.

"Cuộc cách mạng trong viễn thông không dây thúc đẩy nhu cầu về hệ thống thông tin liên lạc của con người, y tế, thiết bị đo lường sức khỏe. Những câu hỏi cần giải quyết đầu tiên đó là thay đổi sản xuất bán dẫn", GS Pisano nhấn mạnh.

Có 3 thứ quan trọng để phát triển ngành bán dẫn, chuyên gia ĐH Stanford chỉ ra cơ hội lớn của Việt Nam - Ảnh 2.

Theo vị GS này, trên thế giới có nhiều cơ sở sản xuất về bán dẫn. Mỗi cơ sở lại có tối ưu riêng trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn. Mỗi hệ thống này sẽ có những quy trình chứng nhận riêng và chúng ta có trao đổi những hệ thống riêng đó thành cái chung. Trên thực tế, nhiều công nghệ bán dẫn hiện phân tán và không sản xuất được trên cùng một nhà máy. Do đó, chúng ta cần phải sử dụng và kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để có thể thúc đẩy các ý tưởng sản xuất chung, kết nối toàn bộ hệ thống sản xuất nhỏ lẻ để tạo ra hệ thống chuẩn mực chung nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Theo GS Friend, để có thể sản xuất lĩnh vực bán dẫn hiệu quả, Việt Nam có thể nhìn sang Singapore để tham khảo chỉ dẫn cho mình phát triển.

Có 3 thứ quan trọng để phát triển ngành bán dẫn, chuyên gia ĐH Stanford chỉ ra cơ hội lớn của Việt Nam - Ảnh 3.

Về vấn đề này, GS Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS), cho hay, có hàng chục triệu USD đầu tư vào ngành bán dẫn ở Singapore và các quốc gia như Việt Nam hoàn toàn có thể tiến hành khởi động với chi phí hợp lý ban đầu thông qua việc hợp tác với doanh nghiệp hoặc mô hình khởi nghiệp vi mô.

"Chúng tôi may mắn khi có hỗ trợ tài chính dồi dào từ chính phủ, đặc biệt là vấn đề đầu tư vào con người cũng như việc hợp tác với các trường ĐH hàng đầu trên thế giới", GS Teck-Seng Low chia sẻ.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, trong thời gian đầu, việc phát triển ngành bán dẫn ở Singapore cũng không thành công lắm. Tuy nhiên may mắn là Singapore có chính sách để thu hút các nhà đầu tư nên tình hình đã được cải thiện.

Trên thực tế, ngành bán dẫn hiện đang đóng góp 9% GDP của Singapore. Quốc gia này cũng duy trì đóng góp của ngành sản xuất 20% vì tạo ra được việc làm tốt cho nhiều người. Hiện nay, Singapore đang tiến hành đầu tư đi sâu hơn hơn vào việc thu nhỏ kích thước chip xuống 2nm, đồng thời hỗ trợ cho các nhà máy bán dẫn hàng đầu để có được công nghệ hỗ trợ khoa học ở cấp độ dưới 2nm.

"Để phát triển ngành bán dẫn, tôi nghĩ cần phải thu hút được nhà đầu tư nước ngoài và phát triển các công ty bán dẫn trong nước. Điều quan trọng là cần phải kết hợp được sức mạnh nội tại với bên ngoài. Trong tương lai, chúng ta cần phải phát triển các thế hệ doanh nghiệp mới", GS Teck nhấn mạnh.

Đâu là cơ hội phát triển ngành bán dẫn cho Việt Nam?

Có 3 thứ quan trọng để phát triển ngành bán dẫn, chuyên gia ĐH Stanford chỉ ra cơ hội lớn của Việt Nam - Ảnh 4.

Về vấn đề này, GS Teck-Seung Low cho biết có 3 thứ để phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam, bao gồm tài chính, nguồn lực và con người.

"Việt Nam có thể nhìn thấy Singapore để bắt đầu phòng Lab cần cả triệu USD, thậm chí là hàng chục triệu USD. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể khởi động phát triển ngành bán dẫn với chi phí ban đầu thích hợp khi hợp tác với các mô hình khởi nghiệp. Singapore may mắn khi có nhiều nguồn tài chính. Nhưng tôi nghĩ trong kỷ nguyên mới, Việt Nam có thể bắt đầu bước vào cơ hội đầu tư nhỏ nhưng vẫn mang lại hiệu quả. Có cơ hội, chúng ta phải nắm bắt ngay, đừng chần chừ hay đắn đo", GS Teck chia sẻ.

Đồng quan điểm với GS Teck, GS Nguyễn Thục Quyên, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS, cho rằng các trường ĐH cũng cần phải chú trọng tới việc đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. Việt Nam hiện đang thiếu nguồn nhân lực này. Do đó, các trường ĐH cần tạo điều kiện cho các sinh viên vừa học vừa thực hành tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên cần cơ sở hạ tầng dùng chung. Đây cũng là một cách quan trọng để thúc đẩy thu hút nhà đầu tư.

Có 3 thứ quan trọng để phát triển ngành bán dẫn, chuyên gia ĐH Stanford chỉ ra cơ hội lớn của Việt Nam - Ảnh 5.

TS Sadasivan Shankar, Quản lý Nghiên cứu – Phát triển Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Đại học Stanford (Mỹ), cho biết, khi mới tham gia vào ngành chip bán dẫn, Trung Quốc cũng không phải là nước hàng đầu, thay vào đó họ chỉ cung ứng linh kiện. Tuy nhiên, từ việc sản xuất quốc gia này đã tiến lên trong chuỗi cung ứng. "Việt Nam hoàn toàn có thể bắt đầu với việc đóng gói chip. Đây là phần đang phức tạp nhưng mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam", TS Sadasivan Shankar cho hay.

GS Albert Pisano chia sẻ: "Các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều có thể tham gia vào công nghiệp bán dẫn. Việt Nam sẽ là nơi tuyệt vời cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn. Tuy nhiên, chúng ta cần chọn lọc kỹ để phù hợp nhất. Chúng ta không nhất thiết phải bắt đầu phát triển ngành bán dẫn với các dự án lớn ngay từ đầu. Thay vào đó, Việt Nam nên bắt đầu với thế mạnh của mình, chẳng hạn từ việc làm tốt tai nghe không dây".

Ảnh: MH/VFP

Tọa đàm "Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại" có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu như GS Sir Richard Henry Friend – ĐH Cambridge (Anh); GS Nguyễn Thục Quyên, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS) và Giáo sư Khoa Hóa học & Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ; GS Albert Pisano, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Jacobs thuộc Đại học California, San Diego, Hoa Kỳ; TS Sadasivan Shankar, Quản lý Nghiên cứu – Phát triển Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ; GS Vivian Yam, Thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture và Giáo sư Philip Wong Wilson Wong về Hóa học và Năng lượng, Giáo sư Chủ nhiệm Hóa học tại Đại học Hồng Kông, Trung Quốc.

Theo Minh Hằng

Đời sống & Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên