Có 3 tỷ đồng, chọn căn hộ cao cấp vị trí trung tâm hay ngoại ô có không gian sống xanh?
Trong bài toán “cân não” đó, rất nhiều người trẻ chấp nhận di chuyển xa ra ngoại ô, bỏ một mức tiền lớn cho một căn hộ có không gian sống chất lượng.
Chọn không gian sống hơn chọn vị trí
2,9 tỷ cho một căn hộ 3 phòng ngủ, diện tích hơn 80m2, nằm tại khu đô thị cách trung tâm Hà Nội 12km, đó là "chốn an cư" mới mà chị Trần Thiện cùng chồng quyết định chuyển tới ở vào đầu năm 2021.
Thực tế nếu với 2,9 tỷ gia đình chị Thiện hoàn toàn có thể lựa chọn được một căn hộ ở gần trung tâm Hà Nội, nơi những đứa trẻ có thể tiếp cận được nhiều trường học tốt hơn. Tuy nhiên, chị Thiện cho rằng, bản thân gia đình chị từng trải nghiệm sống căn chung cư ở nội thành. Nhưng rồi, cuộc sống bí bách trong bốn bức tường, một bước chân xuống đường phố bụi bặm khiến chị cảm thấy ngột ngạt. Những đứa trẻ muốn chơi ở công viên sẽ phải di chuyển xe mát đi xa hơn.
"Tôi quan niệm, sống trước hết phải mạnh khoẻ. Chung cư ở nội thành có thể ở trung tâm nhưng lại thiếu đi không gian sống. Bước một bước lại va vào người khác. Xung quanh cả tòa nhà đều là điều hoà. Những đứa trẻ không có cơ hội được tiếp xúc với khí trời, thiên nhiên. Đấy là lý do chúng tôi chấp nhận đi xa, ở ngoại ô, sẵn sàng chi trả tiền cho môi trường sống tốt. Có khi tiền mua tiện ích còn đắt hơn tiền mua nhà" – chị Thiện chia sẻ.
Nhiều người trẻ chọn căn hộ xa trung tâm, với nhiều tiện ích.
Trường hợp của chị Thiện không phải là phổ biến song không thể phủ nhận, xu hướng tìm kiếm, lựa chọn không gian sống chất lượng đã và đang ngày càng gia tăng. Người mua nhà quan tâm nhiều hơn đến các tiện ích đính kèm căn hộ, là siêu thị, công viên nội khu, bể bơi, sân chơi dành cho trẻ. Họ sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho căn hộ với hệ thống không gian sống thoáng đãng.
Tương tự như chị Thiện, chị Hoàng Anh, một người từng sống trong căn hộ chung cư Hoài Đức hơn 5 năm nhưng dù có khoản tiền lớn, chị vẫn lựa chọn ở ngoại ô. Trong khi, những người hàng xóm lần lượt chuyển nhà vào trung tâm Hà Nội, chị Hoàng Anh lại mua căn hộ chung cư, nơi dự án sở hữu nhiều công viên nội khu, nằm ngay ngoại thành Hà Nội với mức giá tiền tương đương với căn nhà đất trong ngõ trong trung tâm. Tuy nhiên, người phụ nữ này cho rằng, chị muốn mua một nơi có không gian xanh để tập thể dục, hít thở bầu không khí trong lạnh.
"Chung cư nội thành đa phần đều là dự án đã cũ. Trước đây, chủ đầu tư rất ít quan tâm đến thiết kế các tiện ích như khuôn viên xanh, sân tập thể dục, hay đường chạy bộ. Muốn tập thể dục buộc phải đi xuống lòng đường khá bụi bặm" – chị Hoàng Anh nói.
Sẵn sàng trả chi phí cao cho không gian sống
Theo giới chuyên gia, nhu cầu tìm kiếm không gian sống chất lượng là xu hướng tất yếu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Một chuyên gia quy hoạch cho rằng, quỹ đất chật chội giữa trung tâm Hà Nội rất khó để triển khai, thiết kế không gian sống tốt. Nhiều chủ đầu tư sở hữu đất vàng đều muốn biến thành các tòa chung cư cao tầng. Họ muốn càng nhiều nhà chồng lên nhau càng tốt.
Vị chuyên gia quy hoạch này nhấn mạnh, dù quy hoạch nén là điều tất yếu khi dân số tăng nhanh. Nhưng ngay trong khâu quy hoạch, thiết kế dự án, nhiều chủ đầu tư không tính toán, xây dựng chỉn chu nên biến không gian sống thành những "lồng" bê tông.
Thêm nữa, nguồn cung các dự án mới tại nội đô Hà Nội ngày càng trở nên khan hiếm. Sự lựa chọn của người dân cho không gian sống tiện ích càng co hẹp. Thế nên, không ít người dân chấp nhận di chuyển ra ngoại thành để ở.
Tại một tọa đàm diễn ra ở Hà Nội trước đó, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, nhiều người dân sẵn sàng đi xa hơn để được hít thở không khí trong lành, sẵn sàng trả thêm chi phí để được sống trong những quần thể xanh hơn.
"Điều ấy thật quan trọng bởi khởi nguồn của tất cả những sự thay đổi phải là từ nhận thức. Mà muốn nhận thức thay đổi thì không gì quý giá và hữu ích hơn việc trực tiếp trải nghiệm" – ông Chiến nói.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, bàn luận về chủ đề này, ông Tô Như Toàn, Chủ tịch Văn Phú - Invest cho biết: "Trước đó, chúng ta nói đến nhu cầu về không gian sống còn bây giờ là môi trường sống, có nghĩa là các tiện ích xung quanh. Không gian sống thì những người có nhu cầu tài chính cao hơn sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn, còn môi trường sống xung quanh là các tiện ích, tiện nghi đáp ứng cuộc sống của cư dân".
Ông Tô Như Toàn cũng nhấn mạnh, quan trọng bây giờ còn là người sống cạnh mình là ai. Môi trường sống tốt mấy, không gian sống tốt mấy thì người bên cạnh mình như thế nào, có hài hòa hay không cũng vô cùng quan trọng. Vị lãnh đạo Văn Phú Invest đặt ra vấn đề, các chủ đầu tư, nhà nghiên cứu, KTS phải làm sao có cách thức nào đó để tạo được môi trường sống xung quanh tốt nhất ngoài việc bán được căn nhà để sinh sống.