MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có 4 chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán, bạn thuộc loại nào?

14-10-2019 - 09:38 AM | Tài chính quốc tế

Rất khó để có thể dự đoán chính xác thị trường sẽ diễn biến như thế nào. Kết quả là những người tìm cách tối đa hóa lợi nhuận của họ mà không muốn chịu rủi ro thường liên tục tìm kiếm chiến lược hoàn hảo. Nhưng cho đến nay, chưa một ai phát hiện hoặc phát triển một triết lý hoặc chiến lược đầu tư có đúng 100% theo thời gian.

Ngày nay, trên TTCK "đầu tư" là từ được sử dụng rộng rãi để nói về hành động mua và bán chứng khoán. Tuy nhiên, những nhà kinh tế học điển hình là John Maynard Keynes lại áp dụng từ này với nghĩa hẹp hơn rất nhiều. Trong cuốn "The General Theory of Employment, Interest, and Money", ông đã phân biệt rõ ràng giữa đầu tư và đầu cơ. Theo đó, đầu tư là dự đoán lợi nhuận của doanh nghiệp trong khi đầu cơ là cố gắng hiểu về tâm lý nhà đầu tư và những tác động của tâm lý đến giá cổ phiếu.

Benjamin Graham – người được coi là cha đẻ của việc phân tích chứng khoán - cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng ranh giới giữa đầu tư và đầu cơ đang ngày càng trở nên mong manh.

1. Đầu tư

Có 4 chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán, bạn thuộc loại nào? - Ảnh 1.

Các nhà đầu tư dự định là chủ sở hữu lâu dài của các công ty mà họ mua cổ phiếu. Khi đã chọn được một công ty với các sản phẩm hoặc dịch vụ mong muốn, hệ thống sản xuất và phân phối hiệu quả và một đội ngũ quản lý sắc sảo, họ hy vọng sẽ thu được lợi nhuận khi công ty tăng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai. Nói cách khác, mục tiêu của họ là mua dòng thu nhập tốt nhất trong tương lai với giá thấp nhất có thể.

Các nhà đầu tư sử dụng một kỹ thuật định giá được gọi là phân tích cơ bản hoặc phân tích giá trị. Benjamin Graham được biết đến với những cải tiến đột phá trong phân tích cơ bản, và các kỹ thuật được sử dụng trong đó gần như vẫn giữ nguyên trong gần một thế kỷ. Graham chủ yếu quan tâm đến các số liệu báo cáo của các công ty.

Từ năm 1954 đến 1956, Warren Buffett, một học trò và là nhân viên của công ty Graham, đã tiến hành tinh chỉnh các phương pháp của Graham. Trong một lá thư gửi các cổ đông của Berkshire Hathaway vào năm 1982, ông cảnh báo các nhà quản lý và nhà đầu tư rằng sự thông hiểu số sách kế toán của doanh nghiệp chỉ là "sự khởi đầu, chứ không phải là sự hoàn thành của quá trình định giá doanh nghiệp."

Buffett tìm kiếm các công ty có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ để có thể kiếm lợi nhuận hàng năm, bất kể môi trường chính trị hay kinh tế. Quan điểm của ông luôn là đầu tư mang tính dài hạn. Như ông đã giải thích trong một lá thư gửi cổ đông khác, "thời gian nắm giữ yêu thích của chúng tôi là mãi mãi."

Một số người tham gia thị trường có thể coi triết lý đầu tư dựa trên các cổ phiếu bảo thủ với thời gian nắm giữ dài hạn là lỗi thời và nhàm chán. Họ sẽ nên ghi nhớ những lời của Paul Samuelson, người đoạt giải Nobel về Khoa học kinh tế: " Đầu tư nên giống như xem sơn khô hoặc cỏ mọc. Nếu bạn mong muốn sự kích thích, hãy cầm 800 USD và đi đến Las Vegas."

2. Đầu cơ

Có 4 chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán, bạn thuộc loại nào? - Ảnh 2.

Milton Friedman, viết trong cuốn "In Defense of Destabilizing Speculation" ra đời năm 1960, đã nhấn mạnh rằng phần lớn công chúng đánh đồng sự đầu cơ với trò cờ bạc may rủi bởi nó thiếu đi giá trị như một triết lý đầu tư. Tuy nhiên, Friedman cho rằng các nhà đầu cơ thường có lợi thế về thông tin so với những người khác, cho phép họ kiếm được lợi nhuận khi những người khác ít hiểu biết hơn bị thua lỗ. Nói cách khác, đầu cơ có thể được định nghĩa là việc mua và bán chứng khoán dựa trên lợi thế nhận thức về thông tin.

Paul Mladjenovic, một nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận (CFP) và là tác giả của bốn phiên bản "Stock Investing for Dummies", đã giải thích điểm mấu chốt của đầu cơ: "Bạn đang đặt tiền của mình vào nơi mà bạn nghĩ phần còn lại của thị trường sẽ đặt tiền - nhưng trước khi họ làm điều đó."

Jesse Lauriston Livermore, được mệnh danh là "nhà giao dịch chứng khoán tuyệt vời nhất nước Mỹ" trong một bài báo đăng trên tờ TIME vào năm 1940, đã phát triển kỹ năng mua và bán cổ phiếu của mình trong các cửa hàng cá cược, nơi khách hàng đặt cược diễn biến giá của cổ phiếu. Không có chứng khoán nào được trao đổi, và các giao dịch không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán. Khả năng phát hiện và giải thích các mô hình về sự biến động của giá cổ phiếu của Livermore đã nhanh chóng khiến ông bị cấm xuất hiện trong các cửa hàng cá cược, giống như những người đếm bài bị cấm cửa khỏi các sòng bạc ở Las Vegas và Thành phố Atlantic.

Nhưng sự tập trung của Livermore vào giá cổ phiếu và mô hình thay đổi giá cho phép ông xác định các điểm giá đổi chiều - mà ngày nay được gọi là mức hỗ trợ và kháng cự, những điểm giúp định hướng việc thực hiện mua bán của ông. Ông đã mua cổ phiếu khi chúng tăng trở lại từ mức hỗ trợ, và bán đi khi chúng tiến đến mức kháng cự. Livermore hiểu rằng cổ phiếu di chuyển theo xu hướng, nhưng có thể nhanh chóng thay đổi hướng tùy thuộc vào tâm trạng của những người tham gia thị trường chứng khoán.

Các quy tắc giao dịch chứng khoán khác của Livermore bao gồm:

Mua cổ phiếu tăng giá và bán cổ phiếu giảm giá.

Chỉ giao dịch khi thị trường tăng hoặc giảm rõ ràng; sau đó giao dịch theo xu hướng chung.

Không bao giờ giảm tỷ lệ thua lỗ bằng cách mua thêm một cổ phiếu đã giảm giá.

Không bao giờ ký quỹ.

Nắm giữ dài khi cổ phiếu đạt đỉnh mới; bán nhanh khi nó tìm đến đáy mới.

Livermore cũng lưu ý rằng thị trường không bao giờ sai, mặc dù các ý kiến thì có. Do đó, ông cảnh báo rằng không có chiến lược giao dịch nào có thể mang lại lợi nhuận 100% theo thời gian. Livermore và những người khác theo một triết lý tương tự sẵn sàng rời khỏi cuộc chơi cho đến khi một cơ hội lợi nhuận trở nên rõ ràng hơn.

3. Giao dịch trong ngày

Có 4 chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán, bạn thuộc loại nào? - Ảnh 3.

Những tiến bộ trong công nghệ, tỷ lệ hoa hồng thấp hơn và sự xuất hiện của các công ty môi giới trực tuyến đã cho phép các cá nhân sử dụng các công cụ và hệ thống phức tạp tinh vi để theo dõi và giải thích thị trường. Các cá nhân và các công ty Phố Wall cũng đã chấp nhận một triết lý giao dịch mới, với nhiều chương trình sử dụng trí tuệ nhân tạo và các thuật toán phức tạp để mua và bán các vị thế khổng lồ trong vài giây.

Day trader là người mua và bán chứng khoán trong một khoảng thời gian ngắn, thường giữ một vị thế ít hơn một ngày giao dịch. Trên thực tế, họ chính là những nhà đầu cơ cực kỳ hăng hái, liên tục tìm kiếm sự biến động giá cho phép gia tăng lợi nhuận nhanh chóng và khả năng chuyển sang cơ hội tiếp theo. Không giống như một nhà đầu cơ cố gắng dự báo giá trong tương lai, các nhà giao dịch tập trung vào các xu hướng hiện có - với mục đích kiếm lợi nhuận nhỏ trước khi xu hướng kết thúc.

Giao dịch trong ngày không dễ dàng, và không dành cho tất cả mọi người. Theo Chad Miller, đối tác quản lý của Maverick Trading chia sẻ: Mọi người đều ca ngợi điều này, nhưng thật vất vả, bạn không thể bật máy tính, mua bừa một cổ phiếu rồi hy vọng sẽ kiếm được tiền. Giao dịch theo ngày đòi hỏi hàng chục các giao dịch khác kèm theo, với mong muốn từng giao dịch nhỏ đó đều có thể sinh lời, và giao dịch ký quỹ - tiền vay từ công ty môi giới.

Ngoài ra, các nhà giao dịch ký quỹ mua và bán một cổ phiếu nhiều hơn 4 lần một ngày trong khoảng thời gian năm ngày được coi là "nhà giao dịch theo ngày", và tuân theo các quy tắc ký quỹ đặc biệt với số dư vốn yêu cầu ít nhất là 25.000 USD.

Motley Fool tuyên bố rằng: "Giao dịch trong ngày không giống như đánh bạc đơn thuần. Nó giống như đánh bạc với cỗ bài xếp chồng lên nhau và nhà cái sẽ "ăn" phần tốt của bất kỳ khoản lợi nhuận nào ngay từ đầu."

4. Bogleheads (Đầu tư theo chỉ số quỹ) - Một triết lý mới

Có 4 chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán, bạn thuộc loại nào? - Ảnh 4.

Thất vọng bởi lợi nhuận không nhất quán và yêu cầu về mặt thời gian để thực hiện hiệu quả chiến lược cơ bản hoặc đầu cơ, nhiều người mua chứng khoán đã chuyển sang quản lý danh mục đầu tư chuyên nghiệp thông qua các quỹ tương hỗ. Theo thống kê, ở Mỹ gần 91 triệu cá nhân sở hữu một hoặc nhiều quỹ tương hỗ vào giữa năm 2015, đại diện cho khoảng một phần năm số hộ gia đình có tài sản tài chính. Thật không may, kết quả cũng cho thấy rất ít nhà quản lý quỹ có thể liên tục đánh bại thị trường trong thời gian dài. Theo tờ New York Times, sự thật là rất ít nhà đầu tư chuyên nghiệp thực sự đã có thể đánh bại thị trường trong những năm 2010 - 2015.

Bị ảnh hưởng bởi các nghiên cứu của Fama và Samuelson, John Bogle, cựu chủ tịch của Tập đoàn quản lý Wellington, đã thành lập Tập đoàn Vanguard và tạo ra quỹ chỉ số được quản lý thụ động đầu tiên vào năm 1975. Hiện nay nó được biết đến với cái tên Vanguard 500 Index Fund Investor Shares với mức đầu tư tối thiểu là 3.000 USD, là tiền thân của nhiều quỹ chỉ số tương tự do Vanguard quản lý - bao gồm quỹ tương hỗ chỉ số lớn nhất thế giới, Vanguard 500 Index Fund Admiral Shares, với tài sản 146,3 tỷ USD và yêu cầu đầu tư tối thiểu là 10.000 USD.

Ban đầu, quỹ này đã bị nhiều người chế giễu là "sự điên rồ của Bogle", bao gồm cả Forbes trong một bài viết tháng 5 năm 1975 với tựa đề là "A Plague on Both Houses"(Tạp chí đã chính thức rút lại bài báo này trong một bài viết ngày 26 tháng 8 năm 2010). Chủ tịch của Fidelity Investments, Edward C. Johnson III, đã nghi ngờ về sự thành công của quỹ chỉ số mới: "Tôi không thể tin rằng khối lượng lớn các nhà đầu tư sẽ hài lòng với lợi nhuận trung bình". Sau đó, chính Fidelity đã mở quỹ chỉ số đầu tiên của mình - Quỹ chỉ số Spartan 500 - vào năm 1988 và đến nay có hơn 35 quỹ chỉ số.

Với sự thành công của các quỹ tương hỗ chỉ số, không có gì đáng ngạc nhiên khi các quỹ ETF xuất hiện 18 năm sau đó. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng, việc đánh bại thị trường là gần như không thể. Tiến sĩ Russell Wermers, giáo sư tài chính tại Đại học Maryland và là đồng tác giả của cuốn sách: "False Discoveries in Mutual Fund Performance: Measuring Luck in Estimating Alphas" đã tuyên bố trong một bài viết trên Thời báo The New York Times rằng số lượng quỹ đã đánh bại thị trường trên toàn bộ lịch sử quá nhỏ đến nỗi số ít người đã làm được chỉ được coi là "may mắn". Ông tin rằng việc cố gắng chọn một quỹ tốt hơn thị trường là "gần như vô vọng".

Một số nhà đầu tư lớn nhất của Mỹ đồng tình với quan điểm này:

● Warren Buffett. Nhà hiền triết xứ Omaha, trong lá thư gửi cổ đông Berkshire Hathaway năm 1996 của mình, đã viết: "Hầu hết các nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức sẽ tìm ra cách tốt nhất để sở hữu cổ phiếu phổ thông là thông qua một quỹ chỉ số mà tính phí thấp nhất."

● Peter Lynch. Được mô tả như một huyền thoại của giới truyền thông tài chính bởi hiệu suất ông đạt được khi điều hành Quỹ Magellan tại Fidelity Investments từ năm 1977 đến 1980, Lynch đã đưa ra khuyên trong một bài báo trên Barron, ngày 2 tháng 4 năm 1990 rằng" hầu hết các nhà đầu tư đều làm tốt hơn nếu rót tiền vào một quỹ chỉ số."

Rất khó để có thể dự đoán chính xác thị trường sẽ diễn biến như thế nào. Kết quả là những người tìm cách tối đa hóa lợi nhuận của họ mà không muốn chịu rủi ro thường liên tục tìm kiếm chiến lược hoàn hảo. Nhưng cho đến nay, chưa một ai phát hiện hoặc phát triển một triết lý hoặc chiến lược đầu tư có đúng 100% theo thời gian. Các chuyên gia đầu tư đến và đi, ca ngợi sự nhạy bén của họ cho đến khi điều không thể tránh khỏi xảy ra và rồi cuối cùng họ sẽ lại gia nhập nhóm "những chuyên gia khiêm tốn trước đây". Tuy nhiên, việc tìm kiếm một triết lý đầu tư hoàn hảo sẽ tiếp tục mãi mãi.

Mỹ Linh

Moneycrashers

Trở lên trên