Có 500 triệu đồng, nên gửi tiết kiệm hay mua cổ phiếu?
Lãi suất huy động giảm nhanh khiến nhiều người có tiền nhàn rỗi băn khoăn nên tiếp tục gửi tiết kiệm hay đầu tư chứng khoán.
Chỉ trong vòng 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, kéo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đi xuống. Trong bối cảnh này, nhiều người băn khoăn rằng nếu có 500 triệu đồng thì nên gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm hay đầu tư chứng khoán vì gần đây, tỉ suất sinh lời của kênh đầu tư này khá cao, thị trường cũng sôi động hơn trước rất nhiều.
Ông Nguyễn Nhật Khánh, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chi nhánh Hội sở - Công ty Chứng khoán Mirae Asset, trả lời: Đối với kênh gửi tiết kiệm, hiện lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại sụt giảm khá nhanh, tính đến ngày 19-6 đã có 4 đợt giảm lãi suất điều hành. Kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tối đa người gửi tiết kiệm được nhận là 5%/năm, khá thấp so với các kênh khác.
Đối với kỳ hạn 1 năm, lãi suất tối đa người gửi tiết kiệm nhận được cũng chỉ hơn 7% với hầu hết các ngân hàng, vì cá biệt một vài ngân hàng nhỏ, năng lực cạnh tranh và thương hiệu thấp, có thể huy động ở mức 8%.
Đầu tư chứng khoán phải là cả một hành trình dài, nhà đầu tư cần trang bị kiến thức cơ bản...
Về kênh chứng khoán, đây là loại hình đầu tư có tính chất khá khác biệt so với các kênh còn lại, nên nếu so sánh với gửi tiết kiệm thì khá khập khiễng.
Thứ nhất, đây là loại hình đầu tư có mức độ rủi ro cao, khả năng mất vốn lớn trong các giai đoạn thị trường biến động mạnh, như nửa cuối năm 2022, do đó sẽ không phù hợp với phần lớn số đông, đặc biệt là những người ở độ tuổi cao, gần về hưu hoặc đã về hưu cần dòng tiền ổn định với khả năng chấp nhận rủi ro thấp.
Thứ hai, đây là kênh hầu như tạo ra dòng tiền rất thấp (từ cổ tức) và không đều. Đầu tư vào kênh này ở Việt Nam chủ yếu cho mục tiêu kiếm lời từ chênh lệch giá, có thể nói là nhiều người tham gia vì muốn làm giàu nhanh.
Với bài toán đặt ra, nếu chưa từng tham gia thị trường mà muốn đầu tư toàn bộ số tiền 500 triệu đồng từ đáo hạn sổ tiết kiệm sang kênh chứng khoán thì phải hết sức cân nhắc. Đầu tư chứng khoán phải là cả một hành trình dài, tìm hiểu tiếp cận bài bản từ tác động của kinh tế vĩ mô, am hiểu ngành, lựa chọn doanh nghiệp, từ đó mới tìm ra được cho cổ phiếu tốt, những bước không hề đơn giản chút nào.
Cho dù là trường phái đầu tư nào cũng cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng chứ không thể đơn thuần là "mua mua bán bán" dựa theo bảng điện và niềm tin của số đông được. Khi thị trường biến động mạnh, nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kiến thức sẽ là nhóm thiệt hại nặng nhất.
Trong nửa cuối năm 2023, dòng tiền từ kênh lãi suất thấp, cả huy động lẫn cho vay có thể sẽ đổ vào chứng khoán nhiều sẽ giúp thị trường sôi động, thanh khoản tốt hơn, từ đó giúp cổ phiếu có nhiều động lực tăng giá, tạo ra nhiều cơ hội sinh lời tốt hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là những cái trước mắt thấy được. Người có tiền nhàn rỗi nếu thật sự quan tâm đến kênh này chỉ nên phân bổ một phần nhỏ để bắt đầu, khi nào thật sự thuần phục hãy gia tăng tỉ trọng. Nên nhớ, đừng bao giờ vì lợi nhuận ngắn hạn kiếm được mà gia tăng tỉ trọng tài sản cho kênh này chóng vánh, sẽ rất dễ rơi vào "bẫy" - tức là sa lầy trong thua lỗ sau những đợt giảm mạnh của thị trường, sau đó lại có cái nhìn thiếu thiện cảm về kênh đầu tư này.
Người Lao Động