MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có 870 triệu khách hàng, thanh toán di động đạt 2.400 tỷ USD mỗi quý, cỗ máy tài chính của Jack Ma bị Chính phủ Trung Quốc để mắt vì quá bành trướng

08-05-2018 - 12:22 PM | Tài chính quốc tế

Lo ngại Ant và các công ty tài chính khác có thể gây ra rủi ro hệ thống cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các nhà hoạch định chính Trung Quốc đang tính đến những luật lệ mới nhằm kiểm soát chúng tốt hơn.

Có lẽ trên trái đất này không tồn tại công ty nào giống với Ant Financial.

Hoạt động rộng khắp trên các lĩnh vực thanh toán trực tuyến, bảo hiểm, cho vay, chấm điểm tín dụng, quản lý tài sản..., "cánh tay tài chính" khổng lồ của Jack Ma giống như sự kết hợp giữa PayPal, Geico, Wells Fargo và Equifax, pha trộn thêm một chút BlackRock. Nhờ các ứng dụng di động thông minh tiện dụng và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc, Ant hiện đang kiểm soát quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới Tianhong YuE Bao Money Market Fund và mỗi quý xử lý các giao dịch thanh toán di động có tổng giá trị hơn 2.400 tỷ USD mỗi quý. Rất nhiều trong số 870 triệu khách hàng của Ant Financial gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nó để thực hiện các hoạt động tài chính.

Tuy nhiên, chính sự bành trướng của Ant lại đang khiến công ty này rơi vào 1 thử thách lớn. Lo ngại Ant và các công ty tài chính khác có thể gây ra rủi ro hệ thống cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các nhà hoạch định chính Trung Quốc đang tính đến những luật lệ mới nhằm kiểm soát chúng tốt hơn. Điều này cũng đồng nghĩa Ant sẽ không còn có thể tự do tăng trưởng như trước.

Theo nguồn tin thân cận, lần đầu tiên Ant và một vài công ty tương tự sẽ bắt buộc phải xin giấy phép hoạt động từ NHTW Trung Quốc và đáp ứng những yêu cầu về vốn tối thiểu. Ngoài ra còn có những quy định giới hạn cấu trúc sở hữu và các giao dịch nội bộ trong tập đoàn.

Ant là một trong những công ty được hưởng lợi nhiều nhất từ thời kỳ Trung Quốc vẫn còn lỏng lẻo trong chuyện quản lý các dịch vụ tài chính do các công ty công nghệ cung cấp. Chính trong thời kỳ này các startup công nghệ đã thay đổi mạnh mẽ cách 1,4 tỷ người dân Trung Quốc chi tiêu, vay mượn và tiết kiệm.

Giờ đây Chính phủ đang chuyển sang tập trung vào quản lý rủi ro nhằm ngăn chặn kịch bản khối nợ khổng lồ (gồm cả nợ tiêu dùng và nợ của các doanh nghiệp) sẽ nhấn chìm nền kinh tế. Vị thế quá lớn của Ant Financial khiến nó trở thành mục tiêu đầu tiên mà giới chức nhắm tới trong nỗ lực kiềm chế hệ thống ngân hàng trong bóng tối đang bùng nổ mạnh mẽ. Tuy nhiên theo Dong Ximiao, chuyên gia nghiên cứu của ĐH Renmin, Ant đã trở thành 1 định chế "quá lớn để sụp đổ". Bất kỳ hành động không khéo léo nào cũng sẽ dẫn đến thị trường tài chính và thậm chí là cả xã hội bị xáo trộn.

Nguy cơ bị kiểm soát chặt hơn xảy đến với Ant Financial ngay vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm. Công ty này đang trong quá trình hoàn tất vòng gọi vốn 10 tỷ USD và được dự đoán sẽ sớm thực hiện vụ IPO được mong chờ nhất kể từ khi Jack Ma đưa cổ phiếu Alibaba lên sàn New York cách đây 4 năm.

Ant cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Tencent Holdings – tập đoàn sở hữu mạng xã hội nổi tiếng WeChat đang lấn sân sang lĩnh vực dịch vụ tài chính. Trong khi đó thương vụ với MoneyGram International đổ bể đã "phủ bóng đen" lên triển vọng mở rộng hoạt động ở nước ngoài của Ant.

Tách khỏi Alibaba từ năm 2011 và hiện có tên gọi chính thức là Zhejiang Ant Small & Micro Financial Services Group, đại diện của Ant trả lời Bloomberg rằng "quy tắc của chúng tôi luôn là phối hợp với các nhà quản lý và hỗ trợ khu vực tài chính của Trung Quốc phát triển khỏe mạnh".

Trong vòng gọi vốn lần này, Ant được định giá lên tới 150 tỷ USD. Nhìn vào con số này cho thấy dường như các nhà đầu tư của Ant rất nghiêm túc với triển vọng của nó. Trên thực tế họ càng có lý do để lạc quan sau khi báo cáo được công bố cuối tuần trước cho thấy lợi nhuận trước thuế của Ant đã tăng khoảng 65% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 vừa qua.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là công ty sẽ không bị tổn thương. Mặc dù một số bộ phận của Ant được giám sát bởi các cơ quan chức năng trong đó có NHTW, công ty này chưa bị quản lý theo cấp độ tập đoàn và cũng tiết lộ rất ít thông tin tài chính trước công chúng. Do đó những rắc rối có thể chưa được phát hiện và trong trường hợp xấu nhất hệ thống tài chính Trung Quốc sẽ bị đe dọa bởi các dịch vụ của Ant đã gắn bó rất sâu rộng với cuộc sống thường ngày của người dân Trung Quốc.

Zeng Jinping, sinh viên đại học ở Thượng Hải, là 1 ví dụ. Cậu sinh viên 23 tuổi đang theo học ngành dược sử dụng nền tảng thanh toán của Ant trong hầu hết các giao dịch mua hàng online, gửi tiền tiết kiệm trong quỹ của Ant và cũng vay tiền từ công ty cho vay tiêu dùng trực thuộc Ant Financial. Zeng cho biết các dịch vụ này rất tiện lợi và cậu có thể được ứng tiền trước với lãi suất 0% vì được chấm điểm tín dụng cao.

Trong mấy tháng gần đây một số hoạt động kinh doanh của Ant đã bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Quỹ Yu’E Bao – hiện đang có lượng khách hàng nhiều hơn cả dân số Mỹ - đã phải giới hạn số lượng khách hàng hàng ngày từ tháng hai sau khi NHTW Trung Quốc gây áp lực. Tháng 12 năm ngoái, hai công ty cho vay tiêu dùng của Ant đã tăng gấp 3 tỷ lệ an toàn vốn sau khi NHTW Trung Quốc áp dụng quy định mới chặt chẽ hơn.

Mảng cho vay tiêu dùng của Ant hiện có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức quá mỏng 2%, so với tỷ lệ yêu cầu tối thiểu 10,5% mà NHTW Trung Quốc đang áp dụng đối với các ngân hàng nhỏ và 11,5% đối với các nhà băng được xếp vào nhóm có ý nghĩa quan trọng đối với toàn hệ thống.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên