“Có biểu hiện dư thừa thép, xi măng”
Nhiều ngành công nghiệp đang gặp khó khăn, trong đó có ngành thép, xi măng...
- 08-07-2017Dư thừa 26 triệu tấn xi măng!
- 20-03-2017Chi phí xuất khẩu tăng, xi măng giảm sức cạnh tranh
- 27-02-2017Tiêu thụ 1,8 triệu tấn xi măng nửa đầu tháng 2.2017
Ngành thép và xi măng, cung đã vượt quá cầu - đó là nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo đánh giá một số ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm và dự kiến cho nửa cuối năm 2017. Nhiều ngành công nghiệp đang gặp khó khăn, trong đó có ngành thép, xi măng.
Cụ thể, giá quặng sắt 62%Fe sau khi tăng lên mức 95 USD/tấn ở vào cuối tháng 2/2017 thì đã điều chỉnh giảm xuống 56 USD/tấn. Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp đã xin trả lại mỏ. Chẳng hạn, Tập đoàn Hoà Phát xin trả lại mỏ sắt Tùng Bá (Hà Giang), mỏ Làng Mị (Yên Bái) do quặng nghèo, chi phí vận tải cao.
Ngành chế biến từ quặng sắt cũng không khả quan như kỳ vọng, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, tăng trưởng thép xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2017 chỉ đạt 3,9%, thấp hơn nhiều mức kỳ vọng ban đầu của Hiệp hội thép là 10-12%.
“Trong nước cạnh tranh ngày càng gay gắt do cung vượt cầu, nhiều dự án mới đi vào hoạt động và thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam, đặc biệt nguồn thép Trung Quốc. Tiêu thụ khó khăn, các đơn vị phải liên tục giảm giá bán để giữ thị phần khiến hiệu quả sản xuất, kinh doanh giảm sút”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Trong khi đó, các dự án mới tiếp tục “bung hàng” vào cuối năm nay. Tập đoàn Hoà Phát dự kiến đưa nhà máy tôn mạ màu công suất 400.000 tấn/năm vào sản xuất, Công ty Ống thép Việt Đức cũng đưa vào hoạt động nhà máy thép cán dài 350.000 tấn/năm, dự án gang thép của Formosa đóng góp 1-1,3 triệu tấn năm 2017.
Để đảm bảo sự phát triển của ngành thép, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm thép dễ bị tổn thương do thép nhập ngoại.
Hiện nay, hàng rào về mặt kỹ thuật là Thông tư số 58 quy định về quản lý chất lượng thép trong nước và thép nhập khẩu có tác dụng nhưng chưa đủ mạnh để chống gian lận kỹ thuật và thương mại từ thép nhập khẩu Trung Quốc, do vậy, cần phải xây dựng thêm các hành lang pháp lý cao và mạnh hơn.
Tổng công suất các lò cao đã và sẽ hoạt động trong năm 2017 (gồm lò 1 của Formosa) là 6,5 triệu tấn gang/năm. Để có 1 triệu tấn thép sẽ phát sinh 350.000 tấn xỉ, trong khi nhu cầu sử dụng xỉ lò cao của các nhà máy xi măng ở Việt Nam không dùng hết thì việc xuất khẩu xỉ lò cao là một biện pháp tạm thời. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Tài chính có chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xỉ lò cao, đồng thời tăng cường dùng xỉ trong xây dựng.
Về ngành xi măng, theo báo cáo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện tổng công suất ngành xi măng đã lên tới 86 triệu tấn, trong khi khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa cả năm 2017 dự kiến chỉ khoảng 60 triệu tấn. Như vậy, 26 triệu tấn xi măng dư thừa phải tìm đường xuất khẩu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đều tìm phương án xuất khẩu để giải quyết việc dư thừa nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, với sự thay đổi trong chính sách thuế dẫn đến phí xuất khẩu xi măng, clinker có thể lên đến 4,5 USD/tấn clinke và 7,5 USD/tấn xi măng.
“Với việc tăng chi phí này xuất khẩu xi măng Việt Nam rất khó cạnh tranh với xi măng các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản… sẽ ảnh hưởng lớn đến cung cầu xi măng trong nước”, báo cáo nêu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh quy hoạch ngành xi măng, Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Quốc hội cho phép được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, thuế xuất khẩu đang áp dụng là 5% xuống mức thấp hơn để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xi măng.
Vneconomy