Có cần phạt nguội lấn chiếm vỉa hè?
Đề xuất phạt nguội hành vi lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến phản đối vì cho rằng không cần thiết, thậm chí phản tác dụng
- 12-12-2017Chờ thanh tra, vỉa hè Hà Nội ngổn ngang gạch, đá
- 03-12-2017Hành tung bí ẩn của hàng vạn m2 gạch vỉa hè Hà Nội: Mỗi viên gạch giá bao nhiêu?
- 21-09-2017Vỉa hè Hà Nội bị tái chiếm như chưa bao giờ được dẹp
Đề xuất biện pháp phạt nguội hành vi lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn TP Hà Nội của ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tại hội nghị giao ban trực tuyến quý IV/2017 của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với các quận, huyện vào ngày 13-12 thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Sẽ phát huy hiệu quả
Theo đề xuất của ông Viện, cần trang bị camera ghi hình cho cảnh sát trật tự quận, công an phường để xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Nói rõ lý do đưa ra đề xuất này, ông Viện cho rằng tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hiện nay như "đá ném ao bèo", khi lực lượng chức năng ra quân thì ngăn nắp nhưng vừa đi khỏi thì đâu lại vào đấy. Việc xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè trái phép như "bắt cóc bỏ dĩa", nên cần biện pháp xử lý triệt để hơn.
Ông Viện khẳng định việc phạt nguội lấn chiếm vỉa hè bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý. Cụ thể, Nghị định số 165/2013/NĐ-CP của Chính phủ có quy định cho phép sử dụng các phương tiện ghi hình để xử lý vi phạm giao thông. "Thực tế xử lý vi phạm này tại các nút giao thông cho thấy hệ thống camera phát huy hiệu quả. Do đó, chúng tôi kiến nghị UBND TP ban hành quy định cho phép cảnh sát trật tự quận, công an phường sử dụng camera ghi lại hình ảnh nhà hàng, cửa hàng để xử lý vi phạm mà không phải tổ chức "truy đuổi" như trong thời gian qua. Nếu chúng ta xử lý nghiêm theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP với khung xử phạt là 25 triệu đồng sẽ xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè thời gian tới" - ông Viện quả quyết.
Còn nhiều băn khoăn
Theo ghi nhận, tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè của Hà Nội khá phổ biến, chủ yếu là để phương tiện bừa bãi, buôn bán kinh doanh, bán hàng rong… Thậm chí có nơi, chính quyền địa phương tự ý lấy vỉa hè làm bãi đỗ xe, gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Trên địa bàn quận Thanh Xuân, theo trung tá Nguyễn Anh Sơn, Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự - Cơ động Công an quận Thanh Xuân, việc chiếm dụng, tái chiếm vỉa hè diễn ra hằng ngày. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của quận đã ra quân xử lý hàng ngàn trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt lên tới khoảng 1,6 tỉ đồng.
Trung tá Sơn nhìn nhận tuy vi phạm có giảm nhưng việc xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Đó là vì việc kinh doanh, bán hàng rong trên vỉa hè đã trở thành nguồn thu nhập chính của rất nhiều hộ gia đình nên dù biết là vi phạm họ vẫn làm. Nhiều trường hợp lấn chiếm vỉa hè bị lập biên bản tiền phạt còn cao hơn cả giá trị vật dụng bị thu giữ nên người vi phạm bỏ luôn không lấy về. Cũng có không ít chủ hộ kinh doanh khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì dọn vào bên trong nhưng khi lực lượng đi khỏi thì bày bán trở lại nên rất khó xử lý… Do vậy, theo ông Sơn, việc sử dụng camera để phạt nguội là hợp lý.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ xử lý của Đội CSGT số 1 Công an TP Hà Nội, cho biết ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên. "Trang bị camera cầm tay cho lực lượng chức năng ghi lại hình ảnh vi phạm cũng là tạo hành lang pháp lý để minh bạch trong thực thi công vụ và giúp xử lý thuận lợi hơn" - ông Quỹ nêu quan điểm.
Bao giờ cũng vậy, một khi chính sách, quy định mới của nhà nước "đụng chạm" đến lợi ích của những người thụ hưởng thì khó tránh bị phản ứng. Vì thế, chắc chắn những người vốn lấy vỉa hè làm kế sinh nhai không ủng hộ đề xuất này.
Vậy còn số đông người dân Hà Nội thì sao? Qua khảo sát nhanh của chúng tôi, hầu hết những người được hỏi đồng tình với việc áp dụng xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, trả lại lối đi bộ cho người dân cũng như mỹ quan đô thị cho TP Hà Nội. Dù vậy, vẫn có khá nhiều ý kiến băn khoăn biện pháp phạt nguội vì cho rằng không thực sự cần thiết, nhất là khi lấn chiếm vỉa hè đang diễn ra tràn lan, công khai, kiểm tra là thấy ngay.
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông:
Lãng phí và không cần thiết
Việc sử dụng camera cầm tay có thể hiệu quả cho công tác xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, tình trạng vi phạm lấn chiếm tràn lan chỉ bằng mắt thường cũng đã có thể phát hiện thì trang bị camera là điều chưa cần thiết. Nếu cần tìm một vật chứng khó tìm thì mới cần camera ghi lại. Ở đây, người dân chỉ cần ra đầu phố cũng thấy nhưng không lực lượng nào kiểm tra, xử lý.
Muốn hạn chế người dân chiếm vỉa hè, cơ quan chức năng phải làm thực chất, không máy móc, thiếu hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần phải tìm hiểu có hay không lợi ích nhóm ở trên các vỉa hè. Trang bị camera sẽ vừa lãng phí và không cần thiết.
Bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng (TP Hà Nội):
Phải hài hòa lợi ích
Về lâu dài, muốn thành phố trở nên văn minh, hiện đại, dứt khoát phải dẹp tình trạng lấn chiếm vỉa hè. TP Hà Nội cần phải có đánh giá, khảo sát về điều kiện sống của những người dân thực sự sống nhờ vỉa hè. Sau đó, giao chính quyền cấp phường làm việc chặt chẽ với người dân, để làm sao dẹp được vi phạm mà người dân vẫn có thể kinh doanh sinh sống được. "Việc này phải tính toán kỹ, bởi hiện nay, nhiều người dân rời vỉa hè ra là họ không sống được. Do vậy, việc đề ra biện pháp quản lý vừa phải phát huy tác dụng vừa phải hài hòa lợi ích của người dân.
Hiện nay, TP HCM đã có những phố hàng rong, tạo không gian buôn bán cho những người dân nghèo và bị thu phí rất thấp hoặc miễn phí. Hà Nội cũng có thể áp dụng mô hình đó.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Đoàn Luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Nên quy trách nhiệm cá nhân cán bộ quản lý
Việc áp dụng biện pháp phạt nguội vi phạm lấn chiếm vỉa hè là không thật sự cần thiết vì bằng mắt thường cũng hoàn toàn xử phạt. Ngoài ra, nếu như ô tô hay các hộ kinh doanh cố định còn có thể phạt nguội được nhưng những người bán hàng rong bằng xe đạp, xích lô, xe 3 gác…thì phạt như thế nào? Những người này di chuyển thường xuyên nên rất khó để cơ quan chức năng mời người ta lên để xử phạt được.
Nếu muốn xử lý hiệu quả tình trạng lấn chiếm vỉa hè, chính quyền nên quy trách nhiệm cá nhân cán bộ quản lý trong khu vực. Yêu cầu lực lượng có trách nhiệm thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nếu để tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra ở nơi mình quản lý có thể bị phạt thật nặng, như người đứng đầu phải bị giáng chức, mất việc… Ngoài ra, phải có chế tài đủ mạnh để xử lý những người kinh doanh lấn chiếm lòng đường. Ví dụ vi phạm lần đầu có thể phạt bình thường nhưng tái phạm thì tăng lên gấp 3-4 lần ban đầu, nếu cố tình thì rút giấy phép kinh doanh.
Theo tôi, muốn xử lý triệt để thì vẫn phải tuyên truyền giáo dục ý thức cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho người dân nghèo kinh doanh, kiếm sống ở một khu vực nhất định mà không vi phạm lấn chiếm vỉa hè.
MỘT CHỦ TỊCH UBND PHƯỜNG ở quận Thủ Đức, TP HCM:
Ghi phạt dễ nhưng khó thi hành
Ý tưởng phạt nguội có thể áp dụng được để xử phạt trường hợp lấn chiếm vỉa hè nhưng cái khó hiện nay là thi hành quyết định xử phạt sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu ghi hình thì người bán hàng rong, buôn bán lấn chiếm vỉa hè cũng sẽ chấp nhận ký biên bản và nhận quyết định xử phạt nhưng họ có đóng phạt hay không mới là điều quan trọng. Nguyên tắc của quyết định xử phạt là phải được thi hành, nếu không được thi hành sẽ dẫn đến "lờn luật".
Cái khó của cưỡng chế quyết định phạt tiền ở chỗ phải xác định được tài khoản ngân hàng để thi hành, còn không thì phải thu giữ tang vật để buộc họ phải đóng phạt, hoàn toàn khác với vi phạm xây dựng là tháo dỡ bức tường, mái tôn. Phạt nguội sẽ không thể tạm giữ được tang vật vi phạm như bàn ghế, bảng hiệu hay vật dụng… để chế tài người vi phạm buộc phải đóng tiền phạt. Như phường chúng tôi hiện nay, ngoài biện pháp tuyên truyền, vận động thì khi xử phạt cũng phải xác định những người vi phạm có thể đóng phạt mới lập biên bản. Nếu phạt nguội cả dãy phố, con đường mà người dân không đóng phạt thì sẽ làm mất sự nghiêm minh của pháp luật.
N.Hưởng - S.Đông ghi
Người lao động