Cơ cấu lại nguồn vốn an toàn
Nhìn về tổng thể, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang khá ổn định và nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định trong những tháng cuối năm do cơ quan quản lý đang có chủ trương siết chặt tốc độ và chất lượng tín dụng.
- 14-08-2018Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh dù NHNN trở lại bơm ròng 14.400 tỷ đồng
- 13-08-2018Chênh lệch lãi suất trở lại "chia lửa" cho tỷ giá
- 13-08-2018Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng trở lại
Trong vòng vài tuần gần đây nhiều NHTM thực hiện tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài. Theo đó, Techcombank điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn 12-36 tháng từ mức 6,4%/năm lên mức 6,5%/năm; VietCapitalBank nâng lãi suất tiết kiệm 24 tháng từ mức 7,2%/năm lên mức 8,6%/năm; MB và Eximbank áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất cho kỳ hạn tiết kiệm 24 - 36 tháng lần lượt là 7,5%/năm và 8%/năm. Trong khi đó, ACB áp dụng biểu lãi suất mới cho tiền gửi các kỳ hạn trên 18 tháng, khách hàng gửi càng nhiều tiền sẽ được ngân hàng tính lãi càng cao hơn (dao động từ 7%/năm đến 7,2%/năm, cao hơn 0,1-0,3% so với tháng 5/2018)…
Ảnh minh họa |
Sở dĩ các nhà băng đang tích cực huy động nguồn vốn dài hạn là bởi mấy lý do như sau. Thứ nhất là để đáp ứng nhu cầu tín dụng thường tăng cao trong dịp cuối năm. Đối với các ngân hàng còn dư dả room tín dụng, thời điểm này chính là cơ hội để họ mở rộng khách hàng khi mà không ít ngân hàng khác đã cạn room, trong khi NHNN tuyên bố sẽ không nới room tín dụng.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh huy động vốn còn để đảm bảo thanh khoản khi mùa căng thẳng thanh khoản đã đến gần. Thực tế, tính đến cuối tháng 7/2018, mặc dù thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng vẫn khá đảm bảo nhưng ở khu vực TP.HCM, tình trạng cho vay nhiều hơn huy động đã bắt đầu nhen nhóm cục bộ một số ngân hàng. Biểu hiện rõ nhất tỷ lệ cho vay trên vốn huy động của các TCTD trên địa bàn TP.HCM đến cuối tháng 7/2018 đã tăng lên mức 89% trong khi tỷ lệ này đầu năm nay của các TCTD ở TP.HCM ở mức dưới 80%.
Khi hệ số sử dụng vốn cho vay trên vốn huy động tăng cao sát mức 90%, các NHTM đứng trước rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn khi mà hiện nguồn vốn tại các ngân hàng đa phần là ngắn hạn, song kỳ hạn tín dụng lại lớn hơn khá nhiều. Chính vì vậy việc hàng loạt NHTM nâng mức lãi suất huy động các kỳ hạn trung dài hạn là biểu hiện phù hợp.
Lý do cuối cùng để các ngân hàng đẩy mạnh huy động nguồn vốn dài hạn chính là để đáp ứng quy định về tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được giảm về còn 40% từ 1/1/2019 thay vì mức 45% như hiện nay.
Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang khá ổn định và nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định trong những tháng cuối năm do cơ quan quản lý đang có chủ trương siết chặt tốc độ và chất lượng tín dụng. Trong buổi làm việc với hệ thống TCTD tại TP.HCM vào cuối tháng 7/2018, mặc dù nhìn nhận mức tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm ở khu vực TP.HCM có sự chậm lại so với các năm trước, nhưng đại diện lãnh đạo NHNN Việt Nam cho rằng đó là xu hướng phù hợp với diễn biến thị trường.
Thực tế từ đầu năm 2018, với nhiều biến động bất thường của tỷ giá từ thị trường quốc tế và diễn biến lạm phát. Trong lúc đó, để đảm bảo chỉ tiêu lạm phát 4% trong cả năm 2018 và không dồn áp lực quá lớn sang năm 2019, NHNN đã kiên định mục tiêu kiểm soát chặt tín dụng. Đến thời điểm hiện nay, rõ ràng mục tiêu này định hình khá rõ ràng và được toàn hệ thống đồng thuận thực hiện. Với hạn mức tín dụng không còn nhiều ở một số NHTM, các tháng cuối năm 2018 những NHTM nếu muốn mở rộng cho vay sẽ phải tăng cường hiệu quả xử lý nợ xấu, đồng thời đẩy mạnh huy động vốn và phát hành trái phiếu cấp 2.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục nắn dòng tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, trong khi kiểm soát chặt tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán, cho vay tiêu dùng. Do lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với những lĩnh vực ưu tiên, thường thấp hơn khá nhiều lãi suất cho vay tiêu dùng nên việc “nắn” dòng tín dụng này cũng mang hàm ý của nhà điều hành muốn duy trì ổn định mặt bằng lãi suất trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tiếp tục cơ cấu lại để nâng cao chất lượng tín dụng nhằm ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh.
Thời báo ngân hàng