Cơ cấu nguồn điện nào phù hợp nhất với Việt Nam?
Theo đánh giá cửa Cục Điện lực – Bộ Công Thương, từ 2016 đến nay, Ngành điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện, Công tác đảm bảo môi trường ngày càng tiến bộ, không xảy ra sự cố nào về môi trường do các dự án điện gây nên. Tuy nhiên một số nguồn cung cấp điện như thủy điện, điện khí hay năng lượng tái tạo cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu điện của cả nước.
Một số nguồn cung cấp điện đã bị cạn
Tính đến cuối tháng 9.2018, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 47.900 MW, trong đó cơ cấu các các nguồn sản xuất điện: nhiệt điện than 36%, nhiệt điện khí 25%, thủy điện chiếm 36%, dầu 1%, điện nhập khẩu từ Lào, Trung Quốc (2%).
Trong giai đoạn 2016-2030, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân 7,0%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và 2026 -2030 là 10,6%, 8,5% và 7,5%.
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển cần phát triển nguồn điện hài hòa nhất là trong bối cảnh các thuỷ điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, các nguồn điện khác còn hạn chế. Điện năng sản xuất từ thuỷ điện năm 2030 chỉ chiếm khoảng 12,4%. Đơn cử như nguồn khí, hiện tổng công xuất nhiệt điện khí (dùng khí đốt trong nước) đưa vào cân đối dài hạn chỉ dừng ở mức trên 12.000 MW với sản lượng điện khoảng 63 tỷ kWh/năm.
Điện hạt nhân đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31 về việc đừng đầu tư thực hiện. Đối với nguồn điện nhập khẩu hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 1.000 MW từ Trung Quốc và Lào. Con số dự kiến sẽ tăng từ 3 đến 5 lần trong thời gian tới. Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng Chính phủ khung giá điện để làm cơ sở đàm phán mua điện nhập khẩu. Tuy nhiên tiềm năng mua cũng hạn chế và giá điện khả năng phải tương đương giá khu vực. Đối với nhiệt điện khí trong nước trữ lượng các mỏ bắt đầu suy giảm, chi phí sản xuất điện cao do giá khí cao, sơ bộ giá điện khoảng 2.700-2.800 đ/kWh.
Nguồn nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu phụ thuộc vào giá thị trường thế giới. Nguồn năng lượng tái tạo thì giá điện cao, vận hành không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết và cần có nguồn dự phòng. Nguồn nhiệt điện than có giá hợp lý, có vai trò quan trọng trong việc cung ứng điện, lượng điện năng sản xuất năm 2030 của Nhiệt điện than chiếm trên 53% tổng sản lượng điện của hệ thống.
Do đó trong giai đoạn sắp tới, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tính kinh tế ở thời điểm hiện tại chưa đáp ứng
Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hiệu chỉnh tại Quyết định 428 năm 2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) có đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 điện thương phẩm đạt 235 tỷ kWh, con số này tăng lên 506 tỷ kWh trong năm 2030. Cùng với đó, điện sản xuất và nhập khẩu là 265 tỷ kWh trong năm 2020 và 572 tỷ kWh trong 2030.
Hiện nay một số nguồn nhiệt điện than trong quy hoạch không có khả năng thực hiện như Long An 1,2; Bạc Liêu 1 do không được địa phương ủng hộ. Trong trường hợp đó cần có nguồn thay thế để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống. Ông Lê Văn Lực phân tích, nếu thay 100 MW nhiệt điện than tương đương 7 tỷ kWh/ năm (giá điện 1.600 đ/kWh) bằng nhiệt điện khí LNG (giá điện 2.100 đ/kWh) sẽ tăng chi phí phát điện thêm khoảng 3.500 tỷ đồng/ năm.
Điện hạt nhân đóng vai trò quan trọng dần nhưng chưa phù hợp với Việt Nam.
Theo ông Lê Văn Lực để đảm bảo cung cấp điện trong thời gian tới cần thực hiện các dự án nguồn điện trong quy hoạch đã được phê duyệt đảm bảo tiến độ, có cơ chế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đảm bảo cung cấp đủ than, khí để vận hành phát điện. Bổ dung quy hoạch và thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời đồng bộ với hệ thống lưới điện. Tăng cường nhập khẩu điện từ nước ngoài. Đồng thời thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện. “ Đến năm 2030 và nhiều năm tiếp theo nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện mới đảm bảo cung cấp đủ điện với giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế xã hội đất nước” ông Lê Văn Lực khẳng định.