Cơ chế, chính sách đặc thù - thêm nguồn lực để Hải Phòng bứt phá
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội hóa XV, Thành phố Hải Phòng cùng với 3 địa phương khác đã được Quốc hội đồng ý cho thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù về ngân sách, cơ chế thu phí, lệ phí, tiền lương...
Ông Lã Thanh Tân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách Hải Phòng cho biết, đối với Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự nhất trí rất cao. Bởi Hải Phòng từ lâu đã được khẳng định là địa phương có lợi thế vị trí chiến lược là cửa ngõ chính ra biển của miền Bắc, đóng vai trò quan trọng trong tam giác tăng trưởng Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh. Thành phố hiện đang phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tự chủ tài chính, còn nhiều dư địa phát triển. Việc ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng sự mong mỏi, tin tưởng của nhân dân thành phố, sẽ tạo thời cơ, nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhanh, tạo sự lan tỏa vùng.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương cũng đã nhận định: Hải Phòng đã có một thời gian dài phát triển chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn của mình. Quy mô kinh tế của Hải Phòng năm 2020 tuy đã tăng gấp 3 lần so với năm 2010, nhưng mới chỉ chiếm 3,66% tỷ trọng GDP của cả nước.
Một trong những nguyên nhân được ông Cung đưa ra là do Hải Phòng chưa huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội. Hải Phòng cần phải mở rộng không gian phát triển, phá bỏ giới hạn địa giới hành chính, mở ra toàn vùng và toàn cầu để đón cơ hội từ những xu thế thay đổi của thời đại. Trong đó nhấn mạnh yếu tố đô thị hóa, cơ cấu lại đầu tư và bố trí lại lực lượng sản xuất, phát triển khoa học – công nghệ… Hải Phòng cũng phải tính đến việc thử nghiệm các thể chế mới của quốc gia, một thể chế vượt trội, khác biệt để mở đường cho sự phát triển.
Liên quan đến vấn đề thể chế mới, việc xây dựng khu thương mại tự do tại Thành phố Hải Phòng được nêu ra. Hiện theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu thương mại tự do là vấn đề mới, chưa được triển khai thực hiện tại nước ta, tuy nhiên, trên thế giới, đã có nhiều mô hình thành công như tại Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Singapore, Mỹ.
Để thực hiện từng bước một cách thận trọng, nghiên cứu một cách thấu đáo, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Thành phố Hải Phòng xây dựng đề án riêng để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến và trình Quốc hội tại thời điểm thích hợp.
Trước mắt, Hải Phòng đã được Quốc hội hóa XV, đồng ý cho điểm một số chính sách đặc thù về ngân sách, cơ chế thu phí, lệ phí, tiền lương..
Về chính sách quản lý tài chính, ngân sách, Thành Phố Hải Phòng được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay trong nước (cả tổ chức tài chính lẫn bên ngoài) và từ nguồn Chính phủ vay từ nước ngoài về cho thành phố vay lại. Tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách hằng năm do Quốc hội quyết định theo Luật Ngân sách nhà nước. Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn.
Với chính sách phí, lệ phí, HĐND thành phố Hải Phòng được quyết áp dụng phí, lệ phí ngoài Danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí; được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu với các loại phí, lệ phí trong Danh mục trên đã được cấp thẩm quyền quyết định. Chính sách đặc thù này không áp dụng với phí, lệ phí Tòa án.
Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng từ việc điều chỉnh phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội và các nhiệm vụ chi khác. Việc thí điểm chính sách phí, lệ phí này phải có lộ trình, phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp...
Về quản lý đất đai, HĐND Thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hai vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Về quản lý quy hoạch, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị thành phố đã được Thủ tướng duyệt, Thủ tướng quyết định phân cấp cho UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng quyết định và báo cáo kết quả…
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hải An (Hải Phòng) giữa tháng 11/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định cơ chế chính sách đặc thù vừa được thông qua sẽ giúp cho Hải Phòng phát triển có "tầm vóc", trở thành động lực cho khu vực và cả nước.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ cho rằng: Những cơ chế, chính sách mang tính đặc thù có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố, tháo gỡ nhiều rào cản. Trong đó, tăng quyền chủ động cho thành phố được quyết định một số vấn đề về đất đai, quy hoạch. Điều mà trước đây phải chờ, xin ý kiến của Trung ương với rất nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian, có thể làm lỡ thời điểm thu hút đầu tư vàng. Việc áp dụng cơ chế này sẽ giúp tăng sức hấp dẫn cho Hải Phòng trong thu hút đầu tư và thực hiện các dự án lớn, đón "đại bàng". Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN như Tập đoàn Sao Đỏ rất hưởng ứng, ông Phương khẳng định.
Giai đoạn 2 KCN Nam Đình Vũ đang thu hút đầu tư
Hiện Tập đoàn Sao Đỏ đang đẩy mạnh triển khai hoàn thiện hạ tầng giai đoạn II của KCN Nam Đình Vũ để phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư thứ cấp. Việc các thủ tục liên quan đến đất đai, quy hoạch được phân cấp cho chính quyền Thành phố sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện đầu tư các dự án mới. Hơn nữa, Hải Phòng sẽ có thêm nguồn lực về tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng của thành phố, qua đó sẽ giúp tăng sức hút của thành phố này với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.