MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ chế đặc thù cho TP HCM là quá hợp lý!

Các đại biểu Quốc hội ủng hộ việc cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách đặc thù mới để TP HCM phát triển đột phá.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, ngày 30-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Dự thảo nghị quyết với 7 nhóm cơ chế, chính sách đã được Chính phủ trình QH vào ngày 26-5.

Cơ chế đặc thù cho TP HCM là quá hợp lý! - Ảnh 1.

Sẽ thu hút hàng trăm ngàn tỉ đồng

Tại tổ TP HCM, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh hàng chục năm qua, đóng góp của TP HCM vào tốc độ tăng trưởng và ngân sách quốc gia luôn cao nhất cả nước. Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng khẳng định vai trò, tầm quan trọng, động lực lan tỏa của TP HCM với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, TP HCM xuất hiện điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là việc huy động nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Nếu không tháo gỡ được vướng mắc, vai trò đầu tàu kinh tế của TP HCM trong vùng và cả nước sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, việc ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM là cần thiết trong thời điểm này. Trong đó, các cơ chế, chính sách phải thực sự đột phá và vượt trội, như Nghị quyết 31/2022 đã nêu.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đặt vấn đề hiện nay có 2 đô thị đặc biệt là TP Hà Nội và TP HCM. Trong khi đã có Luật Thủ đô thì chưa có Luật Đô thị đặc biệt cho TP HCM để có hành lang pháp lý cho giai đoạn trung và dài hạn.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, dự thảo nghị quyết với hệ thống cơ chế, chính sách mới sẽ tháo gỡ vướng mắc, phát huy tiềm năng sẵn có của TP HCM, từ đó thành phố phát triển đúng với vị trí, vai trò của mình và đóng góp cho cả nước. Đồng thời, nếu việc thực hiện thí điểm thành công sẽ là bài học kinh nghiệm cho các địa phương, nhất là một số nội dung về sau sẽ được luật hóa. "Cơ chế, chính sách mới sẽ giúp TP HCM khơi thông nguồn lực, huy động được nguồn vốn đầu tư thông qua phương thức đối tác công - tư, phát hành trái phiếu hoặc thông qua Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM. Nếu làm tốt, tôi tin rằng trong 5 năm nữa, TP HCM sẽ huy động được hàng trăm ngàn tỉ đồng cho đầu tư phát triển" - ông Phan Văn Mãi tự tin.

Về tổ chức thực hiện, Chủ tịch UBND TP HCM cho hay thành phố đã tham mưu xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 và phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các thông tư.

Chủ tịch UBND TP HCM thông tin: Không phải chờ đến khi QH thông qua dự thảo nghị quyết, ngày 19-5, UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch phân công chuẩn bị triển khai nghị quyết. Trong 11 đầu việc phải hoàn thành trong quý II/2023 và trình HĐND tại kỳ họp vào tháng 7-2023, có 3 đầu việc trước mắt là chuẩn bị dự thảo nghị định hướng dẫn của Chính phủ, chuẩn bị chỉ thị của Thành ủy TP HCM và chuẩn bị kế hoạch toàn diện của UBND TP HCM. Sau khi QH thông qua dự thảo nghị quyết, dự kiến ngay cuối tháng 6-2023, TP HCM sẽ tổ chức hội nghị triển khai.

Cơ chế đặc thù cho TP HCM là quá hợp lý! - Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội tán đồng việc cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM phát triển để tạo động lực lan tỏa cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Ảnh: MINH CHIẾN - HUY THANH

Cần cơ chế tổ chức bộ máy phù hợp

ĐB Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP HCM) đánh giá cao nội dung dự thảo nghị quyết cho TP HCM được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ, chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn. Bởi thực tế thời gian qua, TP HCM có chi thu nhập tăng thêm với cán bộ, công chức nhưng vẫn xảy ra tình trạng cán bộ nghỉ việc vì khối lượng công việc quá lớn đi kèm trách nhiệm nặng nề. Bên cạnh đó, ĐB Sang cũng đề nghị đưa tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức thành một điều riêng trong dự thảo nghị quyết.

Cơ bản tán thành với dự thảo nghị quyết, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nhấn mạnh đây là những cơ chế, chính sách xứng đáng và nên có cho TP HCM. Tuy nhiên, ĐB Vân lưu ý dù cho phép TP HCM thí điểm cơ chế về đầu tư, tài chính, đất đai mà bộ máy nhân sự không đủ năng lực thực hiện thì không có ý nghĩa. "Cần trao quyền cho TP HCM tự tổ chức bộ máy phù hợp với điều kiện của thành phố trên cơ sở quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương" - ĐB Vân góp ý.

Gợi ý thêm, ĐB Lê Thanh Vân cho rằng đối với những sở, ngành liên quan lĩnh vực văn hóa, kinh tế thì nên trao cho TP HCM quyền quyết định tổng số biên chế một cách linh hoạt, phù hợp. Tương tự, về thu hút nhân tài, đặc biệt là lĩnh vực khoa học - công nghệ, TP HCM cần cơ chế nổi trội, thậm chí khác với quy định hiện hành.

ĐB Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội) chỉ rõ trong các cơ chế thí điểm thì tổ chức bộ máy là phức tạp nhất vì liên quan đến con người. Yêu cầu quan trọng là bảo đảm sự kế thừa, tiếp nối khi kết thúc giai đoạn thí điểm, bộ máy chính quyền vẫn hoạt động. Cùng với đó là việc quản lý cán bộ, công chức khi dự thảo nghị quyết cho phép tăng số lượng nhiều hơn mức phân bổ trước đây. "Sau 5 năm thí điểm, quyền lợi của những cán bộ, công chức này sẽ ra sao. Cần tránh việc quay lại cơ chế cũ gây ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy chính quyền cũng như quyền lợi của cán bộ, công chức" - ĐB Thủy góp ý.

Theo ĐB Hà Thị Nga (đoàn Đồng Tháp), với phạm vi cơ chế, chính sách đề xuất khá rộng, nhiều lĩnh vực, trong đó có một số cơ chế, chính sách mới ảnh hưởng nhiều đến đời sống, xã hội, để có thêm căn cứ vững chắc cho việc triển khai nghị quyết, cần tiếp tục đánh giá bổ sung sâu sắc hơn tác động của các cơ chế, chính sách về kinh tế - xã hội đối với đời sống người dân, nhất là những cơ chế, chính sách kế thừa Nghị quyết 54/2017.

Cũng bày tỏ quan tâm cơ chế tạo cú hích cho TP HCM phát triển, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nêu: Về nội dung thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông, việc phát triển giao thông song song với xây dựng các khu đô thị đi kèm khi giải phóng mặt bằng sẽ giúp thành phố xây dựng được những khu đô thị hiện đại, văn minh... 

. ĐB HOÀNG VĂN CƯỜNG (đoàn TP Hà Nội):

Cú hích đối với cán bộ, công chức

TP HCM rất cần một cơ chế đột phá theo đúng tinh thần Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung". Chúng ta đã có Nghị quyết 30/2021/QH15 về các chính sách phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần trao quyền cho người điều hành được làm những gì chưa có luật định. Bây giờ, chúng ta cũng cần trao cho TP HCM một cơ chế thí điểm đúng với tinh thần này, trên cơ sở công khai, minh bạch để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo vì lợi ích chung.

. ĐB NGUYỄN QUỐC HẬN (đoàn Cà Mau):

Đầu tàu mạnh mới kéo các toa chạy nhanh, xa hơn

Một trong những nguyên nhân khiến TP HCM tăng trưởng chậm lại là do cơ chế, chính sách. Dù TP HCM đã được thí điểm cơ chế đặc thù nhưng chưa tháo gỡ hết vướng mắc để phát triển tốt hơn. Mong rằng trung ương rà soát kỹ để có cơ chế phù hợp, thông thoáng hơn nữa, tạo điều kiện để TP HCM có điều kiện phát triển. TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, đầu tàu có mạnh, có khỏe thì mới kéo được các toa tàu đi xa và nhanh hơn.

Lưu ý khi áp dụng hợp đồng BOT

ĐB Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết và nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, ĐB Phúc đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, có quy định cụ thể việc áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phải tránh xảy ra xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư với người dân sử dụng tuyến BOT để không phát sinh điểm nóng.

Theo CAO MINH CHIẾN - BẠCH HUY THANH

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên