Cơ chế đặc thù đem lại gì cho hai “đầu tàu” kinh tế của cả nước?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Với các chính sách, cơ chế đặc thù đã tạo cú hích, dư địa để huy động các nguồn lực cũng như tạo động lực phát triển cho hai "đầu tàu" kinh tế của cả nước.
- 10-10-2022Quy mô GDP Việt Nam năm 2022 đạt bao nhiêu tỷ USD theo dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế?
- 07-10-2022Một tỉnh lần đầu tiên lọt top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước trong 9 tháng đầu năm
- 06-10-2022Xuất khẩu Việt Nam cao hơn Malaysia, Thái Lan, Indonesia
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 16, sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh ; báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội .
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, Thường trực Ủy ban Tài Chính, Ngân sách cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những nỗ lực của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng nhân dân và toàn thể hệ thống chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết số 54.
"Qua đối chiếu với kết quả thực hiện 04 nhóm chính sách được thí điểm tại Nghị quyết số 54, cho thấy, việc triển khai đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững trong tương lai" - bà Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
Với 5 năm triển khai, trong đó có 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện, song nổi lên một số kết quả đáng trân trọng: Thành phố đã thể hiện quyết tâm thực hiện với kế hoạch triển khai kịp thời; kết quả tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh có sự đóng góp của việc thực hiện Nghị quyết 54.
Bên cạnh đó, chính sách đặc thù về quản lý đất đai đã góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; các quy định về quản lý đầu tư; về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước đã góp phần tạo cơ chế chủ động, linh hoạt, bổ sung thêm nguồn lực trong thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhận thấy còn một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 54; đặc biệt là một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai; có chính sách sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện.
Mặc dù vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết 31/12/2023.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội, bà Vũ Thị Lưu Mai cho hay Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao tinh thần quyết tâm, khẩn trương, những cố gắng và kết quả đạt được của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và cả người dân Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết.
Với vai trò là thủ đô của cả nước, qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết, Thành phố đã hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính, ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển, trình độ quản lý; huy động và chủ động sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội; tăng cường quan hệ hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước; chia sẻ khó khăn, tăng cường gắn kết nguồn lực giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Tuy nhiên, bà Vũ Thị Lưu Mai cũng chỉ ra, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tiến độ thực hiện một số quy định trong Nghị quyết 115 còn chậm, trong đó có chính sách về phí thuộc thẩm quyền, đến nay, UBND Thành phố mới báo cáo HĐND thông qua 1/6 Đề án phí; việc sắp xếp lại các cơ sở nhà đất còn khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, làm hạn chế việc bổ sung nguồn lực cho Thành phố; một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù của Nghị quyết khi triển khai còn phụ thuộc vào sự phối hợp, tiến độ thực hiện của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan; việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình chưa kịp thời…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ, trong thời gian qua, dù hai thành phố đã tích cực thực hiện hai Nghị quyết của Quốc hội, triển khai các chính sách, cơ chế đặc thù về đất đai, về phí, lệ phí, đầu tư, tài chính, ngân sách… tuy nhiên do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh, tiến độ triển khai còn chậm, hiệu quả của các chính sách này còn chưa rõ ràng như kỳ vọng của Quốc hội.
"Hai Nghị quyết này được ban hành nhằm tạo cú hích, dư địa để huy động các nguồn lực, tạo động lực phát triển cho hai đầu tàu kinh tế của cả nước" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định, đồng thời cho rằng, cần tổng kết quá trình thực hiện để nhìn nhận rõ những bài học kinh nghiệm rút ra, đề xuất thêm những cơ chế chính sách cần thiết phải tiếp tục áp dụng trong thời gian tới.
Các thành phố phải thực sự quyết tâm, nghiên cứu đưa ra những thay đổi, những chính sách mang tính đột phá hơn, đồng thời xem xét chính sách nào chưa đạt được hiệu quả để phân tích kỹ, có giải pháp, rút ra kinh nghiệm cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và ghi nhận các địa phương gồm TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chủ động có sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Việc triển khai nghị quyết là cần thiết và quá trình thực hiện đã cho thấy tính đúng đắn hỗ trợ thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội cho 2 trung tâm lớn của đất nước.
Qua xem xét báo cáo, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 và đã kéo dài phải có thời hạn, ít nhất khoảng một năm. Trong thời gian đó các cơ quan có quỹ thời gian và có điều kiện để nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo hơn để đề xuất, một số chính sách có thể thể chế hoa bằng luật pháp chung, một số chính sách mới phải thí điểm thêm. Tương tự, Hà Nội nghiên cứu kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh để tổng kết, đánh giá sớm hơn.
Công Thương