Cơ chế giá điện hai thành phần: Chưa áp dụng với điện sinh hoạt
Theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), biểu giá bán lẻ điện hiện mới chỉ được áp dụng một thành phần giá điện năng chưa phản ánh đúng chi phí, chưa khuyến khích khách hàng nâng cao hệ số phụ tải điện. Cơ chế mới sẽ giúp tiến gần đến xoá bù chéo trong giá điện. Trước mắt chỉ áp dụng thí điểm với khách hàng sản xuất, không áp dụng với điện sinh hoạt.
- 10-04-2024Đề xuất người dân được chọn giá điện như gói cước điện thoại
- 22-03-2024Đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần
- 18-03-2024Tranh luận nghịch lý giá vé máy bay, giá điện 'càng tăng, doanh nghiệp càng lỗ'
Không áp dụng cho điện sinh hoạt
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu khẩn trương xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần, gồm giá công suất (đồng/kVA) và giá điện năng (đồng/kWh). Cơ chế giá điện này có thể được thí điểm ngay trong năm nay, trước khi triển khai rộng từ năm 2025.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong xung quanh việc áp giá điện hai thành phần sẽ ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp, người dân cũng như có giúp xoá bù chéo trong giá điện?…, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới đều áp dụng giá điện hai thành phần.
Theo ông Hòa, do áp dụng giá hai thành phần nên về mặt kỹ thuật đo đếm sẽ không phân biệt đâu là khách hàng sản xuất và kinh doanh. Do đó, không còn chuyện áp giá theo đối tượng khách hàng nữa hay sẽ không còn bù chéo.
Riêng khách hàng sinh hoạt vẫn áp dụng giá bậc thang nên vẫn có thể duy trì bù chéo trong cùng nhóm sinh hoạt do nhóm này có nhiều người yếu thế như nghèo, sống ở vùng xa xôi hải đảo, đồng thời Nhà nước vẫn duy trì chính sách hỗ trợ bên ngoài biểu giá điện.
“Chúng ta đang áp giá vừa theo đối tượng (sản xuất, kinh doanh) và vừa áp giá theo mục đích sử dụng điện, khi giá hai thành phần được áp dụng, chỉ còn lại mục đích sử dụng điện nghĩa là trả tiền điện theo nguyên nhân gây ra chi phí cho hệ thống”, ông Hoà cho biết.
Theo đại diện Cục Điều tiết điện lực, biểu giá bán lẻ điện hiện mới chỉ áp dụng một thành phần giá điện năng (đồng/kWh) chưa tạo ra tín hiệu giá bán điện phản ánh đúng chi phí, bởi hành vi sử dụng điện gây ra cho hệ thống điện, đồng thời chưa khuyến khích khách hàng nâng cao hệ số phụ tải điện. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới đều đã áp dụng giá điện hai thành phần.
Tính đến năm 2019, toàn quốc đã lắp đặt hơn 523 nghìn công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng đối với hầu hết các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Như vậy, về hạ tầng ngành điện (công nghệ thông tin, hệ thống đo đếm) đã sẵn sàng cho phép việc áp dụng biểu giá 2 thành phần.
Sẽ thí điểm với khoảng 1.000 doanh nghiệp dùng điện 110kV
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện mỗi cấp điện áp có mức đầu tư, phân phối với chi phí khác nhau. Việc áp giá điện hai thành phần sẽ tính đúng và đủ các chi phí cho từng cấp điện áp. Theo đó, doanh nghiệp có thể cam kết mua ở một mức công suất nào đó như kiểu thuê bao. Việc này sẽ giúp tránh được tình trạng đăng ký mua vống lên lượng điện lớn nhưng không dùng hết công suất.
“Việc áp giá điện này bước đầu dự kiến áp dụng thử với doanh nghiệp, chưa áp dụng cho điện sinh hoạt. Hiện chưa có cơ chế bóc tách được các chi phí đầu tư, chi phí nhiên liệu và vận hành cho từng cấp điện áp. Khi doanh nghiệp áp dụng đăng ký chi phí mua điện năng theo kWh/sản lượng, sẽ tính cả chi phí nhiên liệu và chi phí phân phối, vận hành trong giá bán và từ đó sẽ so sánh chi phí sử dụng điện hiện tại”, ông Lâm cho hay.
Ông cũng cho biết, việc áp giá điện hai thành phần chỉ là bước đầu trong việc tiến dần đến minh bạch hơn giá điện chứ chưa thể giúp thanh lọc các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện.
“Khi giá điện đạt đến mức minh bạch nhất, chỉ còn 2 đối tượng sinh hoạt và ngoài sinh hoạt thay vì nhiều đối tượng (sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sự nghiệp, nông nghiệp…), thị trường sẽ không còn cảnh bù chéo trong giá điện như hiện nay”, ông Lâm nói.
Theo lãnh đạo EVN, việc thí điểm áp dụng giá điện hai thành phần dự kiến áp dụng khoảng dưới 1.000 doanh nghiệp sử dụng cấp điện áp 110kV. Các doanh nghiệp sẽ đăng ký và được tính toán trên giấy (chưa áp dụng thực tế) các chi phí để lượng hoá việc tính toán chi phí sử dụng điện thực tế theo biểu giá mới.
“Việc áp dụng thêm thành phần giá công suất (đồng/kWh hoặc đồng/kVA) sẽ khiến khách hàng phải luôn quan tâm đến chế độ sử dụng điện của mình để giảm hóa đơn tiền điện phải trả. Về phía ngành sẽ giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện (chi phí tránh được) để đáp ứng nhu cầu điện cho khách hàng và thu hồi được chi phí đầu tư đối với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng ít hơn so với mức công suất đã đăng ký”.
Cục Điều tiết Điện lực
Doanh nghiệp sẽ phải tiết kiệm điện hơn
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam khẳng định, giá điện 2 thành phần đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhưng chủ yếu áp cho khách hàng sản xuất kinh doanh, một số nước áp dụng cho điện sinh hoạt theo hình thức giá điện theo công suất và điện năng. Việc áp giá điện 2 thành phần sẽ góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện có hiệu quả, nâng cao hiệu số phụ tải, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ.
Theo ông Thỏa, biểu giá điện 1 thành phần hiện nay được tính theo điện năng, chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi về nguyên vật liệu và không phản ánh hết tác động gây ra đối với sản xuất điện. Còn giá điện 2 thành phần sẽ bao gồm chi phí cố định như chi phí khấu hao tài sản, chi phí sửa chữa, chi phí tiền lương...
Nói cách khác, giá điện 2 thành phần phản ánh đầy đủ hơn các chi phí đầu tư, vận hành, bảo đảm mức đầu tư của ngành điện. Trên cơ sở đó giúp khách biết, tính toán được lượng điện sử dụng để từ đó điều chỉnh hành vi sử dụng hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu số phụ tải, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ.
Tiền phong