MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có điên mới làm chủ nhà Olympic – Tiệc tùng xa hoa chỉ 3 tuần, gồng mình trả nợ suốt 30 năm

22-06-2019 - 22:31 PM | Tài chính quốc tế

Olympic 1976 tại Montreal đã xác lập kỷ lục… vỡ nợ với tổng chi phí lên đến 6 tỷ USD, gấp 72 lần so với dự tính. Thảm họa này buộc chính quyền Canada phải trở thành “con nợ” suốt 30 năm trước khi được xóa nợ.

Ngày hội "đốt tiền"?

Khi nhắc đến Olympic, hình ảnh những vận động viên hàng đầu tranh tài ở các sân vận động hiện đại bậc nhất và đặc biệt là những nụ cười tươi luôn hiện lên trong tâm trí người xem.

Nhưng đằng sau những giây phút huy hoàng đó là hàng loạt góc tối: Ngân sách bị "thủng nặng", phí phạm về tiền của, nhân lực và hàng loạt vấn đề tranh cãi mỗi mùa Thế vận hội.

Tuy những khó khăn vẫn chưa đủ sức "giết chết" sự kiện lâu đời bậc nhất thế giới, nhưng Olympic đang ngày càng ít được "tranh giành" tổ chức.

Điều đó cũng dễ hiểu vì rất ít quốc gia có thể đảm bảo được ngân sách tối thiểu, số tiền khổng lồ đã tăng liên tục hơn 50 năm qua. Không những thế, bao nhiêu kế hoạch chi tiêu còn liên tục bị "thủng đáy", tiêu biểu là Thế vận hội Mùa đông 2014 tại Sochi đã vượt kế hoạch đến 10 tỷ USD.

Có điên mới làm chủ nhà Olympic – Tiệc tùng xa hoa chỉ 3 tuần, gồng mình trả nợ suốt 30 năm - Ảnh 1.

Theo giáo sư Andrew Zimbalist, tác giả quyển sách "khủng hoảng" Rio 2016:

"Để tổ chức Thế vận hội, chủ nhà cần ít nhất 35 địa điểm thi đấu với một làng Olympic, tổng chi phí cho hạng mục này tầm 1,5 – 3 tỷ USD.

Tiếp theo là khu vực dành riêng cho truyền thông với phòng phim ảnh chuyên biệt, chi phí cho địa điểm này sẽ từ 0,5 đến 1 tỷ USD.

Ngoài ra thì còn yêu cầu về làng phóng viên, khu vực lễ đài, khuôn viên xanh, hệ thống giao thông đồng bộ với làn đường dành riêng cho quan chức Olympic …"

Olympic từng được nhiều quốc gia tranh nhau ứng cử vì số tiền đầu tư hoàn toàn có thể bù lại bằng chi phí quảng cáo và bản quyền truyền hình. Tuy nhiên, Ủy ban Olympic Quốc tế đã liên tục đòi tỷ lệ "chia chác" cao hơn, từ 4% từ những năm 1990 lên đến 70% tại Thế vận hội Rio 2016.

Nhưng đó mới chỉ là bài toán "lời – lỗ" tức thời, khi sự kiện kết thúc, những tổ hợp sân vận động hoành tráng mới được sử dụng trong vài tuần sẽ nhanh chóng trở thành gánh nặng ngân sách với chi phí duy trì hoạt động lên đến 30 triệu USD/năm.

Và trên thực tế là đa phần chủ nhà không thể nào sử dụng hết công suất những "đại công trình" kia, khiến không ít dự án nhanh chóng xuống cấp và gần như không thể sử dụng được nữa.

"Đó là chưa kể đến tổn thất về môi trường. Thế vận hội Mùa đông 2018 tại Pyeongchang Hàn Quốc đã san bằng cả một sườn núi chỉ để phục vụ sự kiện. Từ cây cối đến sinh vật, tất cả đều bị đảo lộn vì Olympic."

Đùn đẩy trách nhiệm

Có điên mới làm chủ nhà Olympic – Tiệc tùng xa hoa chỉ 3 tuần, gồng mình trả nợ suốt 30 năm - Ảnh 2.

Số ứng cử viên chủ nhà Thế vận hội ngày một giảm

Sau mỗi lần tổng kết "thảm hại", số lượng ứng cử trở thành chủ nhà Olympic lại sụt giảm. Đó là một kết quả tất yếu bởi vì tất cả ứng cử viên đều cần phải lên kế hoạch hơn 10 năm cùng một khoảng tiền lớn để vận động tranh cử, chẳng hạn như Chicago đã chi hơn 100 triệu USD để "chạy đua" tổ chức Olympic 2016, nhưng kết quả lại… công cốc.

Thành phố Boston cũng từng phải rút lại đơn tranh cử Thế vận hội Mùa hè năm 2024 vì vấp phải sự phản đối dữ dội của người dân trong khu vực.

Số lượng "ứng cử viên" vì thế cũng ngày một suy giảm: từ 11 thành phố vào năm 2004, xuống 5 thành phố vào 2020 và chỉ còn 2 – 3 thành phố vào năm 2022 và 2024.

"Mặt tối bắt đầu lộ ra khi chi phí tổ chức gia tăng vô tội vạ, rất nhiều thành phố không kiếm đủ tiền để ứng tuyển”, theo Robert Barney, giáo sư tại Đại học Western. Sau khi 6 thành phố liên tục rút đơn đăng cai, Thế vận hội Mùa đông 2022 chỉ còn một sự lựa chọn khả thi là Bắc Kinh.

Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford, chi phí tổ chức Thế vận hội gia tăng liên tục kể từ những năm 1960, Olympic London 2012 là Thế vận hội Mùa hè "đắt đỏ" nhất với tổng chi phí gần 15 tỷ USD. Trong khi đó, Olympic Sochi 2014 là Thế vận hội Mùa đông có chi phí "kỷ lục" 20 tỷ USD.

Và ai có thể quên được thảm họa Olympic Montreal 1976, thành phố này đã tiêu tốn hơn 6 tỷ USD cho sự kiện và chật vật "chạy nợ" trong suốt 30 năm sau đó. Mãi đến năm 2006, Montreal mới chính thức được hỗ trợ xóa nợ.

Ngày tàn của Olympic?

Có điên mới làm chủ nhà Olympic – Tiệc tùng xa hoa chỉ 3 tuần, gồng mình trả nợ suốt 30 năm - Ảnh 3.

Vào năm 2014, chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế - Thomas Bach đã đề ra một danh sách 40 hành động nhằm "thay đổi tương lai Olympic."

Danh sách trên gồm nhiều điểm mấu chốt như: Đánh giá các đơn ứng tuyển dựa trên cơ hội và rủi ro của từng thành phố, cắt giảm chi phí tổ chức và luôn xét đến những phương án phát triển bền vững.

Nhà kinh tế học nổi tiếng của Mỹ, ông Andrew Zimbalist còn đề xuất một ý tưởng "táo bạo": Hủy bỏ toàn bộ quy trình ứng tuyển, chỉ định một chủ nhà cố định và mãi mãi.

"Chúng ta đã có một địa điểm hoàn hảo cho Olympic: Los Angeles. Vì là thành phố lớn thứ 2 thế giới và đồng thời là thủ đô giải trí và thể thao toàn cầu, Los Angeles gần như không cần xây thêm bất kỳ trung tâm thể thao hay cơ sở vật chất nào cả."

Tất nhiên là Ủy ban Olympic Quốc tế hoàn toàn không tán thành ý kiến trên vì ít nhất thì họ đã xác định được nước chủ nhà đến năm 2028.

Và dù vấp phải nhiều chỉ trích, người dân một số thành phố lớn vẫn rất thích thú với việc trở thành chủ nhà Olympic, trong đó có 70% dân số Tokyo, 76% dân số Madrid và 83% dân số Istanbul.

Xét đến thời điểm hiện tại, Olympic vẫn chưa gặp nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, tương lai của sự kiện thể thao lâu đời bậc nhất thế giới sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào hành động tiếp theo của Ủy ban Olympic Quốc tế.

Theo Thanh Sang

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên