MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có đơn hàng lớn, ông chủ Đà Nẵng 6 lần chuyển 350 triệu đồng vào số tài khoản 225616868 để đặt cọc nhưng bị chặn zalo ngay lập tức: Công an cảnh bảo "bẫy lừa" tinh vi

21-12-2024 - 13:34 PM | Sống

Có đơn hàng lớn, ông chủ Đà Nẵng 6 lần chuyển 350 triệu đồng vào số tài khoản 225616868 để đặt cọc nhưng bị chặn zalo ngay lập tức: Công an cảnh bảo "bẫy lừa" tinh vi

Tưởng có đơn hàng lớn, ông chủ ở Đà Nẵng tự tin đặt hàng và chuyển khoản số tiền lớn để đặt cọc. Ông không ngờ đó là kịch bản lừa của đối tượng tội phạm.

Mới đây, lúc 15 giờ ngày 9/12 ông N.V.N (49 tuổi) – 1 chủ cơ sở kinh doanh ở phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng đến cơ quan Công an trình báo về việc bị lừa đảo số tiền tới hơn 300 triệu đồng. Theo lời kể của ông N, trong sáng cùng ngày, ông N bỗng dưng nhận được cuộc gọi qua mạng Zalo của một người lạ. Qua trò chuyện, trao đổi, người này cho biết muốn đặt mua gạo và thực phẩm với số lượng lớn. Tuy nhiên, do cơ sở kinh doanh của ông N không đủ khả năng đáp ứng nên đối tượng gợi ý, giới thiệu và nhờ ông N liên hệ với một "đại lý" khác để mua giúp, đổi lại, ông N sẽ nhận được hoa hồng cao hơn. 
Có đơn hàng lớn, ông chủ Đà Nẵng 6 lần chuyển 350 triệu đồng vào số tài khoản 225616868 để đặt cọc nhưng bị chặn zalo ngay lập tức: Công an cảnh bảo "bẫy lừa" tinh vi- Ảnh 1.

Tin tưởng vào miếng "bánh vẽ", ông N đã 6 lần chuyển tiền qua tài khoản 225616868, chủ tài khoản là "CT TNHH Dich Vu PTT Nhan Viet" với tổng số tiền 343,2 triệu đồng. Sau lần chuyển tiền cuối cùng, đối tượng đã chặn zalo của ông N. Sau khi bị cắt liên lạc, ông này phải đến cơ quan Công an trình báo.

Theo Công An Đà Nẵng, thời gian gần đây, tại thành phố Đà Nẵng và các địa phương trên cả nước liên tục ghi nhận hình thức lừa đảo đặt hàng sau đó chiếm đoạt tài sản. Đây không phải phương thức lừa đảo mới, nhưng với thủ đoạn tinh vi, có kịch bản, không ít người dân vẫn bị dẫn dắt và rơi vào bẫy lừa của bọn tội phạm...

Bằng thủ đoạn sử dụng các số điện thoại "rác" hoặc tài khoản mạng xã hội giả mạo các cơ quan, tổ chức, đối tượng liên hệ với các cơ sở kinh doanh để đặt hàng với số lượng lớn, đồng thời chuyển tiền cọc để tạo uy tín cho chủ cơ sở kinh doanh. Sau đó, đối tượng sẽ đưa ra yêu cầu đặt thêm một số mặt hàng khác mà cơ sở không có hoặc có nhưng đối tượng cho rằng không đạt yêu cầu. Lúc này, đối tượng sẽ giới thiệu cho chủ cơ sở một cơ sở khác và đề nghị chủ cơ sở liên hệ để đặt mua hàng rồi giao lại cho đối tượng với giá cao hơn. Sau đó, đối tượng (lúc này với tư cách là chủ cơ sở mới được giới thiệu) sẽ lừa để chiếm đoạt tiền đặt cọc của cơ sở kinh doanh nếu họ quyết định đặt hàng theo yêu cầu. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, chúng sẽ chặn liên lạc, chiếm đoạt tài sản.

Qua vụ việc trên, có thể thấy rằng các đối tượng đã thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có việc khai thác các thông tin công khai trên ứng dụng Google map (tên cửa hàng, địa chỉ, số điện thoại…). Dựa vào các thông tin này, các đối tượng lập kế hoạch, kịch bản, gọi điện "thao túng tâm lý", đánh vào lòng tham và sự mất cảnh giác khiến cho nạn nhân tin theo.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác với những đơn đặt hàng lớn từ các đối tượng không rõ nguồn gốc; không chuyển tiền cho bất kỳ ai không rõ lai lịch, đặc biệt là khi được yêu cầu mua thêm các loại hàng hóa ngoài danh sách đặt hàng ban đầu. Để xác minh thông tin, người dân cần liên hệ trực tiếp với đơn vị đặt hàng hoặc địa điểm nhận hàng để xác nhận đơn hàng trước khi tiến hành. Khi phát hiện cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan Công an địa phương giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Tổng hợp

Lưu Ly

ĐSPL

Trở lên trên