Cổ đông e ngại về việc đầu tư dàn trải 5 ngành trong lúc kinh tế gặp khó, Chủ tịch Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam tự tin: Đa ngành nhưng có trọng tâm
"Tại sao không tập trung nguồn lực vào các mảng Tập đoàn làm tốt nhất để tránh lãng phí cho Tập đoàn?", cổ đông hỏi.
- 02-05-2024Trong khi HBC đã hoán đổi nợ cho SMC bằng cổ phiếu, Novaland vẫn chây ỳ 'nợ xấu' hơn 700 tỷ: Công ty thép khẳng định sẽ quyết liệt xử lý trước 30/6
- 02-05-2024TGĐ Mekong Capital Chad Ovel: Tập hồ sơ dán nhãn “Việt Nam” tại Hoa Kỳ, sự mê hoặc của châu Á và thương vụ lãi hàng chục lần tại Thế giới di động, Golden Gate
Hơn 10 năm trở lại đây, CTCP Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG) mở rộng ngành nghề và trở thành Tập đoàn đa ngành thông qua con đường M&A. Năm 2024, bất chấp thị trường còn khó khăn, BCG vẫn tiếp tục mở rộng thêm lĩnh vực điện rác.
Đây là điều băn khoăn của cổ đông tại ĐHCĐ vừa qua, bởi lẽ trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp đều cố gắng tinh gọn trong khi Bamboo Capital dàn trải, đầu tư nhiều ngành. "Liệu việc phân bổ nguồn lực có bao quát các mảng? Tại sao không tập trung nguồn lực vào các mảng Tập đoàn làm tốt nhất để tránh lãng phí cho Tập đoàn?" - cổ đông hỏi.
Ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT không phủ nhận đây luôn là câu hỏi được đặt ra trong nhiều năm qua. Theo ông, những ai đã học về Quản trị kinh doanh, đặc biệt có cơ hội du học thì một trong những kiến thức được học, nhấn mạnh nhiều nhất là "focus" nghĩa là lúc nào cũng "rất tập trung". Ông bà ta cũng có câu "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", nghĩa là dồn nguồn lực, hàm lực, công nghệ bí quyết để phát triển cho một việc.
Song theo ông, thực tế trên thế giới, khi sự tăng trưởng đã chững lại thì để tiếp tục phát triển cần tạo ra đột phá lớn mang tính hệ thống. Để làm được điều này cần sự tập trung rất cao độ về trí tuệ, nguồn lực để tìm ra điểm đột phá đó. Tính ổn định của hành lang pháp lý, ít rủi ro về ngành, rủi ro về nền kinh tế cũng giảm đáng kể tạo điều kiện để doanh nghiệp đơn ngành tập trung phát triển. Đa phần ở các nền kinh tế phát triển, các Tập đoàn lớn tồn tại lâu năm, có sự phát triển rực rỡ, đơn ngành.
Còn đối với nền kinh tế châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam thì cơ hội phát triển ở các ngành nghề đang rất lớn, tạo nhiều cơ hội.
"Nếu chúng ta siêng năng, cần mẫn, quyết tâm, nhiệt huyết, chúng ta sẽ có thể phát triển nhanh chóng, tạo ra đột phá lớn để phá vỡ rào cản. Việc phát triển đa ngành thì cơ hội phát triển sẽ dễ dàng và nhẹ nhàng hơn" - Ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, một điều quan trọng nữa là tính ổn định ngành và thời gian ổn định một chu kỳ kinh tế ở các nước phát triển ngắn hơn rất nhiều so với nền kinh tế phát triển. Do vậy, ở châu Á, các Tập đoàn chọn đa ngành để khi một ngành công nghiệp này đi xuống sẽ có ngành công nghiệp khác hỗ trợ, các mảng hoạt động đa ngành bù trừ cho nhau.
"Trong thời gian vừa qua, BCG đã chứng minh việc chọn đa ngành là đúng. Chúng tôi đã vượt qua những giai đoạn khó khăn: có những lúc mảng xây dựng khó khăn thì mảng bất động sản sẽ bù đắp, có lúc mảng năng lượng khó khăn thì mảng bất động sản bù đắp hoặc ngược lại... Như vậy, đã chứng minh sự thành công, tạo lợi thế về quy mô, đa ngành, hỗ trợ Tập đoàn phát triển tồn tại, vượt qua giai đoạn khó khăn", ông Nam nói.
Hiện tại, Tập đoàn này có 5 ngành kinh doanh chính bao gồm:
+ Mảng Năng lượng: Công ty lõi là BCG Energy với vốn điều lệ là 7.300 tỷ đồng với vốn tự có gần 10.000 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 20.000 tỷ đồng, đang vận hành khoảng 600 MW điện. Hoạt động của mảng này gồm điện mặt trời, điện gió, điệp áp mái (rooftop) và điện rác. Sau này sẽ có mảng năng lượng mới do điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển và cơ hội phát sinh.
Dự kiến trong vòng 3 năm tới, tổng tài sản của mảng năng lượng tăng thêm khoảng 60.000 tỷ đồng với qui mô phát điện từ 500-600 MW lên hơn 1 GW.
"Chúng ta hãy thử tưởng tượng, với quy mô hiện tại, mỗi năm thu tiền điện khoảng 2.000 tỷ đồng, nếu tăng trưởng quy mô lên gấp đôi thì thu tiền điện khoảng 4.000 tỷ đồng. Sẽ mất khoảng thời gian là từ 8 đến 9 năm khấu hao tài trợ, trả lại nguồn tài trợ và sau thời gian này thì nguồn tiền (free cash flow) rất ổn định, thu lại khoản dòng tiền khổng lồ cho bất cứ Tập đoàn nào" - Chủ tịch BCG cho biết.
+ Mảng Xây dựng: Công ty TRACODI là một đơn vị xây dựng chủ lực hạ tầng, dân dụng. Bên cạnh triển khai công tác xây lắp, dự án của Tập đoàn, TRACODI cũng triển khai các dự án lớn về hạ tầng.
+ Mảng Bất động sản: Đơn vị phát triển dự án là Công ty cổ phần BCG Land. Theo ông Nam, mảng bất động sản vốn dĩ rất thành công vì đã được thừa hưởng thành quả trong quá khứ nhưng hiện nay bị chững lại do giai đoạn khó khăn. Các mảng hoạt động khác trong Tập đoàn đã và đang bù đắp để hoạt động bất động sản vượt qua khó khăn và đi vào chu kỳ phát triển của bất động sản.
+ Mảng Tài chính: Tổng CTCP Bảo hiểm AAA, trong đó BCG nắm giữ khoảng 80% cổ phần. Sau khi Tập đoàn Bamboo Capital mua lại AAA từ Tập đoàn IAG của Úc thì doanh số từ hơn 100 tỷ đồng dự kiến tăng trưởng năm nay là 1.500 tỷ đồng, trở thành một trong 15 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn của Việt Nam.
BCG cho biết phát triển ngành bảo hiểm xuyên suốt không những cho thị trường bên ngoài mà còn bảo hiểm cho các dự án lớn của Tập đoàn.
+ Mảng Dược: Sự phát triển của quốc gia cần có chiến lược rõ ràng đó là an ninh về quốc phòng, năng lượng, thực phẩm, kinh tế, y tế… BCG tham gia vào ngành dược để gắn liền với nhu cầu phát triển của nền kinh tế với thương hiệu Dược phẩm Tipharco.
"Tập đoàn chọn 5 ngành nghề mang tính cốt lõi cần có của nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi đa ngành có kiểm soát và có trọng tâm" - Ông Nam khẳng định.
An ninh Tiền tệ