Cổ đông lớn nhất của Vinaconex tiếp tục bán ra hàng chục triệu cổ phiếu VCG
Sau khi bán ra tổng cộng 32,6 triệu đơn vị chỉ trong khoảng nửa tháng kể từ ngày 20/3, Pacific Holdings tiếp tục đăng ký bán 19,9 triệu cổ phiếu VCG.
CTCP Đầu tư Pacific Holdings vừa thông báo đã bán thành công 19,6 của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã VCG) trong thời gian từ 31/3-6/4/2023. Như vậy, chỉ trong khoảng nửa tháng kể từ ngày 20/3 đến nay, Pacific Holdings đã bán tổng cộng 32,6 triệu cổ phiếu VCG qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinaconex xuống còn 56,19%.
Ngay sau đó, Pacific Holdings đã tiếp tục đăng ký bán 19,9 triệu cổ phiếu VCG cũng với mục đích cơ cấu lại khoản đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận trong khoảng thời gian từ 12/4-11/5/2023. Nếu bán thành công, tổ chức này sẽ giảm sở hữu tại Vinaconex xuống còn 253,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 52,1% vốn.
Trên thị trường, cổ phiếu VCG vừa có phiên đảo chiều giảm nhẹ với khớp lệnh kỷ lục hơn 22,5 triệu đơn vị. Cổ phiếu này hiện đang dừng ở mức 21.000/cp, tăng gần 78% so với đáy hồi giữa tháng 11 nhưng vẫn thấp hơn khoảng 57% so với đỉnh đạt được đầu năm ngoái. Tạm tính tại mức thị giá này, Pacific Holdings có thể thu về thêm 418 tỷ đồng từ thương vụ trên.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023, Vinaconex sẽ trình cổ đông thông qua mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.340 tỷ đồng, tăng đến 70% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất lại giảm 8% so với thực hiện năm 2022, xuống còn 860 tỷ đồng.
Năm 2022 trước đó, Vinaconex ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 9.597 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 931 tỷ đồng, đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty mới thực hiện được 63% kế hoạch doanh thu và 66% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Theo giải trình từ phía Vinaconex, doanh thu năm 2022 không đạt kế hoạch chủ yếu do hoạt động xây lắp không hoàn thành kế hoạch bởi những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu khan hiếm và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Lợi nhuận năm 2022 không đạt kế hoạch do công ty chủ động điều chỉnh phương án đầu tư một số dự án bất động sản để phù hợp với tình hình thị trường, trên quan điểm đảm bảo an toàn vốn và phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có nhiều yếu tố bất lợi. Ngoài ra, chi phí vật liệu xây dựng, chi phí lãi vay ngân hàng trong năm 2022 tăng mạnh so với dự đoán cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của một số dự án đang được triển khai.
Với kết quả đạt được, Vinaconex dự kiến trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu. Trương ứng, công ty sẽ phát hành hơn 48,58 triệu cổ phiếu trả cổ tức qua đó tăng vốn lên 5.344,6 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện được trích từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và sau khi trích lập các Quỹ đầy đủ theo quy định của pháp luật theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 và phù hợp quy định của pháp luật.
Nhịp Sống Thị Trường