Co-Founder Amanotes giải thích nguyên do startup này không gọi vốn vẫn sống tốt và tiết lộ về framework ‘ma thuật’ mà họ đang theo đuổi
Có rất nhiều nguyên do khiến Amanotes không vội vàng gọi vốn mà vẫn sống tốt; ví dụ mô hình phát triển kinh doanh mà họ theo đuổi chưa đến giai đoạn gọi vốn, thị trường game không giống gọi xe công nghệ nếu Grab không gọi được vốn sẽ bị đối thủ ‘ăn’ mất… Tuy nhiên, sắp tới Amanotes sẽ chính thức gia nhập cuộc chơi gọi vốn, vì điều gì đến sẽ đến.
Trong tình cảnh “xám xịt” của giới khởi nghiệp năm 2020 với rất nhiều “cái chết tức tưởi”, Amanotes là một điểm sáng hiếm hoi được nhiều người nhắc đến. Amanotes hiện có 1,3 tỷ download trên các nền tảng khác nhau, đồng thời lọt vào top 20 nhà sản xuất app được tải về nhiều nhất trên cả iOS lẫn Android; song chưa một lần tiến hành gọi vốn.
Chia sẻ trong một buổi hội thảo về khởi nghiệp gần đây, anh Nguyễn Tuấn Cường - Co-Founder kiêm CPO Amanotes cho rằng, sở dĩ Amanotes chưa kêu gọi vốn song vẫn sống tốt – sống khỏe kể từ khi thành lập, là bởi đặc thù ngành nghề, mục tiêu cuối cùng của các founder là đi đường xa chứ không làm ra startup để bán và cuối cùng mô hình ‘Sự phát triển khách hàng – Customer Development’ của Steve Blank mà họ đang theo đuổi sắp tới mới đến giai đoạn gọi vốn.
Vì sao Amanotes vẫn sống tốt dù chưa gọi bất cứ đồng vốn nào?
"Điều kiện tiên quyết để mô hình kinh doanh như Grab thành công là phải nhanh. Phương Trang có thể scale-up nhưng ưu tiên của họ khác Grab, bởi họ là vận tải đường dài, thời gian cố định và địa điểm nhất định, không phụ thuộc vào việc tốc độ là phải mở rộng thật nhanh. Với mô hình kinh doanh như của Grab, nếu không mở rộng và phát triển nhanh hơn người khác, sẽ bị đối thủ ‘ăn’ mất. Thế nên, Grab cần gọi vốn để scale thật nhanh.
Với Amanotes, trong 5 năm đầu tiên, thị trường âm nhạc chưa có kẻ chiến thắng, bởi hầu hết người dùng sử dụng dạng game này một thời gian nhất định sẽ ngừng dùng, khi họ cảm thấy chán hoặc có game khác hấp dẫn hơn. Chưa có ai là kẻ chiến thắng cuối cùng. Amanotes không cần phải gấp", Nguyễn Tuấn Cường phân tích.
Bên cạnh đó, chúng ta cần xác định rõ founder xây dựng công ty để bán hay đi đường xa? Nếu để bán, chúng ta cần chạy theo giá trị, tối ưu hóa giá trị bằng cách đi càng nhanh càng tốt. Nếu chúng ta có mục tiêu lớn cần đi đường xa, lúc đó, giá trị doanh nghiệp quan trọng nhưng không cần phải tăng giá trị bằng mọi giá. Founder có thể cân nhắc nhiều thứ bên cạnh giá trị như sự bền vững, cân đối dòng tiền…
Ở Amanotes, động lực hay mục tiêu của các founder là muốn mang âm nhạc tới tất cả mọi người thông qua công nghệ, nên họ không cần phụ thuộc vào chuyện gọi vốn. Trong một lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi, Co-Founder Võ Tuấn Bình có chia sẻ, Amanotes muốn tạo ra một platform âm nhạc tương tác đầu tiên trên thế giới.
Vậy làm sao để làm mọi thứ thật hiệu quả?
Mô hình Customer Development mà Amanotes đang theo đuổi.
"Chúng ta cần làm đúng việc, đúng thời gian và đúng cách. Hầu hết startup không có kinh nghiệm để nhận định cái gì là đúng. Họ sẽ nhận được nhiều lời khuyên, thậm chí bây giờ lên Google tìm kiếm, cũng ra sẽ những bài kiểu như startup nên làm gì và không làm gì. Chưa nói, startup còn có rất nhiều việc cần phải giải quyết. Do đó, nếu không cẩn thận, các founder dễ lạc vào ma trận những công việc cần và phải làm
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, thì quyết định không nên làm cái gì cũng quan trọng không kém. Chúng ta nên có bảng mô tả những công việc – framework cụ thể, để định vị xem mình cần và không cần làm gì trong những giai đoạn cụ thể trong tiến trình phát triển của một startup", anh Nguyễn Tuấn Cường tiếp.
Amanotes chọn mô hình Customer Development của Steve Blank, như kim chỉ nam cho chiến lược phát triển của bản thân họ. Ví dụ: trong thời gian đầu, Amanotes sẽ không xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì nó không cần thiết. Lúc đó, ưu tiên của startup là giữ cho doanh nghiệp tồn tại, vì nếu doanh nghiệp chết đi rồi thì xây dựng văn hóa làm gì?!
"Có thể nói, dựa vào bảng này, chúng tôi sẽ biết mình nên làm cái gì trước và cái gì sau. Lúc nào chúng tôi cần gọi vốn, những bước nào cần tiền như thế nào, nhiều hay ít. Trong 3 bước đầu tiên, Amanotes không cần gọi vốn, đến giai đoạn cuối cùng mới cần làm điều đó. Bảng framework này giúp chúng tôi ra quyết định đúng, hiểu mình cần và nên làm gì ở mỗi giai đoạn phát triển", anh Võ Tuấn Cường khẳng định.
Thế nên, sắp tới, Amanotes có kế hoạch gọi vốn vòng đầu tiên, cũng như kế hoạch bảo trợ các startup khác trong hệ sinh thái của mình và sẽ go-global nhanh hơn trước đây. Tuy nhiên, hiện tại họ chưa suy nghĩ đến chuyện IPO, do không có các quỹ đầu tư đầu tư vào doanh nghiệp nên không ai cần exit, họ không có áp lực lên sàn.
Ở khía cạnh khác, Covid-19, với Amanotes chỉ là một khó khăn như rất nhiều khó khăn khác trong bước đường khởi nghiệp.
"Khi Covid-19 đến, các startup nên có khả năng phân tích chúng sẽ ảnh hưởng đến mình như thế nào? Những khó khăn và thuận lợi? Khủng hoảng có thể mang lại nhiều điều tốt, nếu chúng ta biết phát huy và tận dụng cơ hội mà thị trường mang lại. Ngoài ra, startup phải biết thích nghi, phải thay đổi, nếu không sẽ bị thị trường đào thải.
Startup chính là những chiến binh, nếu thị trường có nhiều thay đổi và thiếu thông tin, chúng ta hãy cố gắng phân tích và thích nghi theo tinh thần chiến binh.
Startup hãy biết nắm lấy cơ hội, xem nhân sự nào muốn gắn bó với công ty, người nào đang nhấp nhổm muốn ra đi, chúng ta sẽ test được lòng trung thành. Founder cần có khả năng quy tụ, hiểu mỗi nhân sự cần gì, muốn gì. Nếu một người làm việc chỉ vì tiền, đó không phải là những nhân sự mà các founder nên tìm kiếm", Nguyễn Tuấn Cường kết luận.
Trí thức trẻ