MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Co-founder Do Ventures: Những người sáng lập bỏ cuộc là rủi ro lớn nhất trong đầu tư sớm

06-03-2021 - 09:00 AM | Doanh nghiệp

Co-founder Do Ventures: Những người sáng lập bỏ cuộc là rủi ro lớn nhất trong đầu tư sớm

“Ai cũng muốn tìm được công ty chắc chắn để đầu tư vào. Nhưng nếu như tất cả mọi người cùng tìm đến giai đoạn chắc chắn thì sẽ không có ai đầu tư giai đoạn khởi điểm cả, điều đó rất đáng tiếc”, Lê Hoàng Uyên Vy – đồng sáng lập của Do Ventures nói về khởi nguồn ý tưởng thành lập quỹ.

Quen biết nhau 10 năm, ông Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dũng) và bà Lê Hoàng Uyên Vy, hai nhân vật tiếng tăm trong giới startup Việt Nam đã cùng lên ý tưởng lập nên một quỹ đầu tư mới.

Họ sáng lập ra Do Ventures năm 2020, quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) tập trung rót vốn vào giai đoạn hạt giống.

Trong bối cảnh lĩnh vực VC tại Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ nhưng hầu hết các quỹ đến từ nước ngoài, họ không muốn đầu tư vào các startup quá sớm vì hạn chế về thông tin và nguồn nhân lực. Cả hai cùng nhìn thấy khoảng trống trong chuỗi giá trị đầu tư, chính là vai trò của một quỹ địa phương.

Ông Dũng nói rằng mình cần vượt ra khỏi vùng an toàn của CyberAgent, còn với Uyên Vy, bà được thỏa đam mê với lĩnh vực đầu tư. 

Giữa những khó khăn của năm COVID-19, Do Ventures vẫn được những người sáng lập quyết tâm cho ra mắt.

Co-founder Do Ventures: Những người sáng lập bỏ cuộc là rủi ro lớn nhất trong đầu tư sớm - Ảnh 1.

Thách thức lớn nhất với một quỹ đầu tư mới như Do Ventures trong giai đoạn này là gì?

Chúng tôi gặp rào cản trong việc gặp gỡ và tương tác với các nhà đầu tư trên thế giới. Rõ ràng, ảnh hưởng của COVID-19 là rất lớn, nhưng đó cũng là cơ hội.

Trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp cần đến vốn, điều chưa chắc xảy ra nếu trong điều kiện bình thường. Chúng tôi có cơ hội hỗ trợ các công ty khi mà họ khó khăn nhất.

Nhiều công ty ở Việt Nam đã không thể tiếp xúc được với các quỹ đầu tư nước ngoài, đó là điều kiện cho quỹ nội có thể thêm giá trị. Đây là lý do khiến tôi và anh Dũng quyết tâm phải làm bằng được trong năm 2020.

Do đầu tư sớm, chúng tôi không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các thương vụ. COVID-19 tạo điều kiện cho sự ra đời của nhiều startup nhìn thấy cơ hội tốt để phát triển các mô hình online.

Co-founder Do Ventures: Những người sáng lập bỏ cuộc là rủi ro lớn nhất trong đầu tư sớm - Ảnh 2.

Do Ventures đã có cho mình những thương vụ đầu tiên, như là Palexy và F99. Với quỹ, yếu tố quan trọng nhất để đầu tư là gì?

Trong đầu tư mạo hiểm, vùng đầu tư lý tưởng của Do Ventures, nơi chúng tôi mong muốn được đầu tư nhất là từ vòng Seed đến vòng A và có thể theo tiếp đến vòng B. Giai đoạn từ vòng Seed đến vòng A, những thông tin về tài chính còn rất ít.

Để đầu tư, chúng tôi sẽ nhìn từ thị trường trước. Do Ventures chọn những ngành thế mạnh của Việt Nam, có xu hướng tăng trưởng rất tốt. Cũng có thể đó là ngành có dung lượng thị trường lớn nhưng còn nhiều vấn đề cần giải pháp công nghệ để giải quyết.

Sau đó, chúng tôi đánh giá công ty với product/market fit (sự phù hợp của sản phẩm với thị trường) mà mình đang hình dung xem có giống nhau không.

Cuối cùng, chúng tôi dành thời gian đánh giá rất nhiều về team. Trong đầu tư sớm, bạn hỏi 10 quỹ thì ai cũng sẽ nói đội ngũ quan trọng nhất.

Nhưng team cũng có nhiều yếu tố, chúng tôi xem trọng việc họ cam kết như thế nào. Nếu như đầu tư vào một công ty và họ không làm vì một đam mê đủ lớn thì nản họ sẽ bỏ, đó là rủi ro lớn trong đầu tư sớm, chứ không hẳn chỉ là vấn đề kinh nghiệm.

Chúng tôi cũng quan tâm đến việc họ có chân thành không. Do Ventures rất xem trọng sự thẳng thắn, trung thực của người sáng lập.

Co-founder Do Ventures: Những người sáng lập bỏ cuộc là rủi ro lớn nhất trong đầu tư sớm - Ảnh 3.

Những startup trong giai đoạn hạt giống, vấn đề họ hay gặp phải là gì?

Đầu tiên, nhiều công ty gặp vấn đề với việc phát triển định hướng, chiến lược, tầm nhìn của các founder.

Thứ hai, ai cũng nói dùng công nghệ sẽ tốt hơn, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Tôi nghĩ quan trọng nhất với các công ty mới, các giả thuyết về xây dựng sản phẩm, họ phải xem lại số liệu.

Chúng tôi đang muốn tiếp cận đầu tư theo hướng Data driven investment approach, tức là lấy dữ liệu dẫn dắt. Khi làm công nghệ, bạn phải hiểu số liệu của mình như thế nào để có thể ra các quyết định cải thiện sản phẩm. Nhiều startup làm rất cực khổ mà không có số, và họ cũng không biết hướng mình đang làm có thực sự giải quyết được vấn đề của khách hàng không. Họ không biết bao nhiêu khách hàng dùng sản phẩm của họ, bao nhiêu trong số đó bỏ đi.

Thứ ba, các startup luôn gặp phải vấn đề vận hành, có nhiều điểm yếu. Khi số giao dịch tăng lên, chất lượng dịch vụ của các công ty đi xuống.

Cuối cùng, startup yếu trong quản trị. Các công ty ban đầu dựng lên chỉ để chạy, họ không có quy trình quy chế. Khi lượng nhân sự tăng lên 30, rồi 100, công ty sẽ bắt đầu có khủng hoảng. Khi đó mọi thứ khó kiểm soát và công ty trở nên không hiệu quả. Nhiều CEO thấy không quản trị được sẽ bắt đầu thêm luật, nhưng khi đó nhân viên sẽ nản.

Co-founder Do Ventures: Những người sáng lập bỏ cuộc là rủi ro lớn nhất trong đầu tư sớm - Ảnh 4.

Đâu là điểm mạnh của Do Ventures khi đầu tư vào các startup?

Chúng tôi xây dựng đội ngũ trong quỹ theo từng lĩnh vực để hỗ trợ startup.

Ví dụ anh Dũng có kinh nghiệm đầu tư VC 13 năm, điểm mạnh nhất của anh là hiểu về định hướng kinh doanh. Như tại Tiki, anh Dũng biết họ phát triển những bước đầu tiên thành công ra sao, vượt qua khó khăn thế nào. Anh Dũng cũng là người am hiểu lĩnh vực bất động sản, còn tôi thì nghiên cứu lâu năm trong ngành bán lẻ.

Chúng tôi làm rất kỹ từ những bước đầu tiên, làm sao để khi đầu tư vào một công ty thì cả Do Ventures và đội ngũ sáng lập cùng nhìn về một hướng giống nhau, và có chung niềm tin.

Tiếp theo về sản phẩm, chúng tôi sử dụng rất nhiều nhân lực cho mảng này. Bản thân tôi làm về sản phẩm, app, nhưng cũng có những điểm yếu. Chúng tôi mời về chuyên gia AI, anh Thức Vũ, người có thể đóng góp thêm nhiều giá trị cho các công ty muốn ứng dụng công nghệ mới.

Vận hành là mảng tôi rất tự tin, vì từng trải qua nhiều, đương nhiên anh Dũng cũng vậy. Trong vận hành, chúng tôi có thêm nguồn lực bên ngoài, mối quan hệ với các chuyên gia để hỗ trợ startup.

Cuối cùng, về quản trị công ty, đội ngũ của Tiki từng phát triển từ 10 người lên 4.000 người như hiện nay, họ đã trải qua nhiều thăng trầm về quản trị. Đó là câu chuyện chúng tôi có thể chia sẻ cho nhiều founder.

Co-founder Do Ventures: Những người sáng lập bỏ cuộc là rủi ro lớn nhất trong đầu tư sớm - Ảnh 5.

Đội ngũ sáng lập của Manabie, edtech mới được Do Ventures tham gia đầu tư

Chị vừa nhắc đến Data driven investment approach, cách tiếp cận này của Do Ventures có gì đặc biệt?

Chúng tôi đang xây dựng triết lý đầu tư. Khi nhìn vào một công ty, chúng tôi sẽ không nói rằng app của họ hay quá, hay tệ quá. Trước khi xem được dữ liệu, chúng tôi sẽ hỏi một câu đơn giản thôi: "Hành trình của khách hàng là gì?"

Chúng tôi sẽ vẽ ra một hành trình, rồi lắp số liệu vào.

Ví dụ một app có 10.000 lượt tải về, sẽ có bao nhiêu người dùng thật sự, bao nhiêu bỏ đi. Chúng tôi tìm ra đâu là điểm khách hàng bỏ đi nhiều nhất, và giải quyết câu hỏi vì sao.

Khi làm quỹ đầu tư, cái may mắn là có rất nhiều tiêu chuẩn để mình nhìn sản phẩm. Chúng tôi sẽ cho các startup biết một chỉ số là cao hay thấp, điểm mất khách hàng ở đâu, cần cải thiện chỗ nào.

Bản thân các nhà đầu tư cũng không thể phán được một công ty tốt hay xấu cho đến khi xem được số liệu của công ty đó, cũng như giúp họ hoàn thiện sản phẩm.

Co-founder Do Ventures: Những người sáng lập bỏ cuộc là rủi ro lớn nhất trong đầu tư sớm - Ảnh 6.

Đầu tư vào startup trong giai đoạn hạt giống rủi ro cao, nhiều ý kiến cho rằng đầu tư 100 công ty, thành công một vài thương vụ đã là tốt lắm rồi. Theo góc nhìn của chị và cách Do Ventures thực hiện, làm sao để giảm thiểu được tối đa rủi ro thất bại?

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam cần những công ty đột phá, làm nên cách mạng. Đương nhiên ai cũng muốn tìm được công ty chắc chắn để đầu tư vào. Nhưng nếu như tất cả mọi người cùng tìm đến giai đoạn chắc chắn thì sẽ không có ai đầu tư giai đoạn khởi điểm cả. Điều đó rất đáng tiếc.

Tôi nói một ví dụ rất điển hình trong ngành e-commerce là giữa Tiki (Việt Nam) và Tokopedia (Indonesia).

Tokopedia đã gọi được   tổng số vốn gần 3 tỷ USD, trong khi Tiki mới trên dưới 200 triệu USD, hai công ty đó có xuất phát điểm như nhau, tại sao lại cách biệt như vậy?

Câu chuyện gọi vốn trong những vòng đầu của Tiki rất vất vả. Nếu các nhà đầu tư vào cuộc sớm hơn, có lẽ Tiki bây giờ đã có thể lớn hơn. Nguồn vốn tại Việt Nam luôn bị hạn chế so với các nước, đặc biệt là so với Indonesia.

Tôi tin rằng, đầu tư sớm có thể giúp những startup tiềm năng được thêm cơ hội phát triển.

Đương nhiên, đầu tư VC thì phải chấp nhận rủi ro, lúc đó phải dùng phương pháp đánh giá để quyết định có đầu tư hay không. Không ai nói trước được thành bại, thậm chí những công ty huy động cả tỷ đô cũng có thể thất bại mà. Hoặc có những công ty huy động một vòng vài triệu đô đã thành công rồi.

Nên chuyện đầu tư VC sẽ không có công thức, chúng ta phải chấp nhận mức độ rủi ro nhất định để có kỳ vọng xây được các công ty thành công.

Co-founder Do Ventures: Những người sáng lập bỏ cuộc là rủi ro lớn nhất trong đầu tư sớm - Ảnh 7.

Số lượng các quỹ VC tại Việt Nam tăng mạnh trong vòng 3 năm qua. Trong kinh doanh, cạnh tranh là chuyện bình thường, nhưng với các quỹ đầu tư mạo hiểm, cạnh tranh sẽ diễn ra như thế nào?

Mỹ là thị trường phát triển, các nhà đầu tư địa phương rất nhiều. Họ sẽ muốn là người đầu tiên đầu tư vào các công ty tiềm năng. Ở Việt Nam sẽ hơi khác một chút.

Thị trường có vẻ tăng nhanh trong 2 – 3 năm nay, nhưng số lượng các quỹ trong nước vẫn còn ít, nhất là trong vùng đầu tư của chúng tôi.

Với một số quỹ nước ngoài vào Việt Nam, vùng đầu tư mong muốn của họ sẽ từ vòng A+ tới B. Họ gặp phải tình trạng không có người tại địa phương, trong khi giá trị các khoản đầu tư từ 0,5 - 1 triệu USD thì bé quá.

Giải pháp của họ là co-invest hoặc chờ các quỹ nội đầu tư trước, sau đó họ có thể cùng theo dõi và đầu tư vòng sau, đây là câu chuyện thường tình.

Hiện tại, Việt Nam đang có khoảng hơn 100 quỹ đầu tư, nhưng nếu xem xét kỹ, phần lớn là quỹ nước ngoài, chỉ có một vài đại diện trong nước.

Quỹ nước ngoài thực ra rất thích hợp tác với các quỹ nội, vì có đủ nhân lực, cơ sở thẩm định, và hiểu văn hóa.

Nhìn chung, môi trường ở Việt Nam hiện nay vẫn là hợp tác chứ không phải cạnh tranh. Năm năm tới khi có nhiều quỹ nội hơn, có thể điều này sẽ thay đổi.

Điều gì khiến cho số lượng các quỹ VC Việt Nam không có nhiều, có phải do thị trường vẫn còn quá mới?

Ở nước ngoài, số lượng quỹ đầu tư đại chúng nhiều, sau đó đến quỹ PE và VC, Việt Nam cũng tương tự vậy.

Cơ hội trong các công ty đại chúng nhiều, tỷ suất lợi nhuận không hề thấp, nên các quỹ bước đầu sẽ quan tâm đến thị trường cổ phiếu đại chúng.

Cách đây 20 năm là giai đoạn đầu của thị trường chứng khoán Việt Nam, cách đây 10 năm chứng kiến sự lên ngôi của đầu tư PE, còn với VC mới nổi lên từ giai đoạn 2017 - 2018. Đây cũng là giai đoạn mà Việt Nam vượt qua được ngưỡng 50 triệu người dùng internet, lúc đó các quỹ VC mới thấy được quy mô thị trường đủ lớn.

Đúng là các quỹ VC nội trên thị trường vẫn chưa có nhiều, số lượng chưa tới 10. Nếu bạn tìm quỹ nội năng động, còn thấp hơn nữa.

Co-founder Do Ventures: Những người sáng lập bỏ cuộc là rủi ro lớn nhất trong đầu tư sớm - Ảnh 8.

Ông Thông Đỗ - sáng lập Palexy (trái) và ông Takuya Homma - sáng lập Manabie (phải)


Co-founder Do Ventures: Những người sáng lập bỏ cuộc là rủi ro lớn nhất trong đầu tư sớm - Ảnh 9.

Tôi được biết về một trong những cách thức mà Do Ventures thực hiện là liên kết các founder ngồi lại cùng nhau, trong tương lai họ có thể giải quyết các bài toán mà người tiêu dùng cần. Điều này đang được triển khai như thế nào?

Chúng tôi tin vào cái gọi là trí tuệ của nhân loại – collective learning, và tâm đắc với điều đó.

Trên thực tế, có những vấn đề mà rất nhiều founder đã trải qua rồi, họ có góc nhìn sâu. Khi đầu tư vào các founder mới, cách hay nhất là collective learning, họ chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Chưa chắc bên nào đúng, nhưng có thể có những góc nhìn mới mẻ.

Hiện tại Do Ventures đã triển khai ba thương vụ, nhưng trước khi đầu tư chúng tôi đã tìm kiếm rất nhiều chuyên gia trong mối quan hệ của mình để tham khảo. Sau khi đầu tư, chúng tôi tổ chức nhiều buổi networking để họ có thể trao đổi.

Việc hợp tác giữa các công ty trong danh mục, hay các công ty trong mối quan hệ, tôi nghĩ cũng là điều bình thường.

Co-founder Do Ventures: Những người sáng lập bỏ cuộc là rủi ro lớn nhất trong đầu tư sớm - Ảnh 10.

Có nhiều quỹ đầu tư với phong cách khác nhau. Có những quỹ chọn cách đồng hành, số khác đầu tư xong là xong nghĩa vụ. Do Ventures nằm ở khoảng nào?

Chúng tôi định vị mình là một VC founder – friendly.

Với Do Ventures, khi đầu tư chúng tôi xác định phải thêm được giá trị nào đó, nếu không thì đầu tư cũng giống như đánh bài (cười).

Đối với đầu tư càng sớm, mình càng phải thêm giá trị nhiều, nhưng không có nghĩa là kiểm soát. Chúng tôi cùng các founder ngồi lại với nhau để thấy được tầm nhìn, cái đích đến.

Nếu cứ ngồi mà không làm gì hết, tôi tin rằng mối quan hệ hai bên sẽ rất kém phát triển và công ty đó chưa chắc sẽ thành công.

Bạch Mộc
Hương Xuân
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Bạch Mộc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Từ Khóa:
Trở lên trên