Cô gái dốc hết tiền dành dụm 10 năm, bất chấp nợ nần, về quê xây nhà báo hiếu bố mẹ
Sau khi căn nhà hoàn thiện xong phần thô, vì 'không còn tiền' nên cô gái này phải đợi đến 5 năm sau mới hoàn thiện được ngôi nhà là món quà tặng bố mẹ.
- 05-06-2023Nhận nuôi đứa trẻ bị bỏ rơi, 25 năm sau người phụ nữ lượm rác được báo hiếu bằng một căn nhà và cuộc sống sung túc
- 07-05-2023Mẹ chồng miền Tây làm nông nuôi 5 con ăn học thành thạc sĩ, tiến sĩ, được con dâu báo hiếu tặng vàng trĩu cổ
- 25-04-2023Tuổi 20 của Phương Mỹ Chi: Nhiều năm làm trụ cột gia đình, mong muốn mua nhà to đẹp hơn báo hiếu bố mẹ
Sau 10 năm lập nghiệp với công việc thiết kế thời trang, Tử Ngọc sống ở Vân Nam, Trung Quốc đã quyết định dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm được để xây một ngôi nhà mới ở quê cho bố mẹ. Ngay ở thời điểm xây dựng ngôi nhà, cô dành toàn bộ số tiền kiếm được để mua vật liệu, chi trả các chi phí xây dựng. Nhưng khi đó dịch Covid-19 ập đến, cô phải hoãn lại việc xây nhà để "cứu" công việc kinh doanh của mình. Trong 3 năm, Tử Ngọc chỉ có thể dựa vào việc bán hàng online để trả nợ và giải quyết hàng tồn.
Cuối năm ngoái, việc xây dựng ngôi nhà đã hoàn tất, không gian được kết nối với thiên nhiên. Lúc này, Tử Ngọc cũng quyết định đóng cửa công ty ở thành phố và về quê sống với bố mẹ. Tử Ngọc chia sẻ rằng, bố của cô cả đời đã làm việc vất vả và ngôi nhà này sẽ là một món quà cho ông.
Dành toàn bộ tiền tiết kiệm 10 năm để xây nhà ở quê tặng bố mẹ
Nhà của Tử Ngọc nằm cách thành phố Côn Minh (Vân Nam) khoảng nửa tiếng lái xe. Cô chia sẻ: "Toàn bộ mặt phía Nam của nhà tôi hướng ra cánh đồng. Ngôi nhà này thực sự rất giống tính cách của tôi, luôn hướng về ánh mặt trời và có sức sống mãnh liệt".
Ngôi nhà gạch đỏ của Tử Ngọc được xây dựng trên sườn dốc gần 45 độ. Tầng 1 là khu vực phòng khách và phòng của bố mẹ cô. Hiện tại, bố mẹ chồng cô đang ở tầng 2. Tầng 3 là không gian dành cho vợ chồng Tử Ngọc.
Thiết kế kiến trúc của ngôi nhà này do một kiến trúc sư ở Côn Minh đảm nhận. Khi Tử Ngọc tìm đến, anh đang mở một hiệu sách và gần như từ bỏ việc thiết kế kiến trúc vì không tìm được việc làm.
Điểm nhấn đặc biệt mà ai cũng phải chú ý khi bước vào căn nhà này có lẽ là cây cổ thụ ở giữa sân. Tử Ngọc cho biết, khi xây nhà mới, điều đầu tiên mà cô nghĩ đến đó là phải giữ lại bằng được cây cổ thụ này. “Cây cổ thụ này rất giống bố tôi, che chắn cho cả ngôi nhà cũng như cách bố tôi đã bảo vệ gia đình”.
Ý tưởng xây nhà cho bố đến với Tử Ngọc khi cô còn trẻ. Khi học tiểu học, cô thấy các bạn sống trong những ngôi nhà đã được cải tạo, cô cảm thấy rất ngưỡng mộ.
Tử Ngọc chia sẻ: “Bố mẹ tôi đều là nông dân. Ông từng dạy tôi rằng một cô bé dù đi đâu cũng phải là người nhanh nhạy, có khả năng nhìn nhận sự việc và biết cách làm, hãy dũng cảm thử sức. Khi tôi ở độ tuổi 20, tôi đã một mình đến thành phố”.
"Năm 2016, sau 10 năm làm việc và mới tích lũy được một số tiền nhỏ, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là xây một ngôi nhà tặng bố", Tử Ngọc chia sẻ.
Đến lúc thực sự xây nhà, Tử Ngọc chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình thi công, chủ thầu thấy móng nhà không ổn định, độ dốc quá cao nên đưa ra chi phí vì phải có biện pháp hỗ trợ. Việc này đã khiến Tử Ngọc phải tiêu tốn một khoản tiền lớn, thậm chí vượt quá ngân sách dự kiến cho phần nền móng.
Không chỉ gặp vấn đề về tiền bạc mà việc xây nhà của Tử Ngọc còn tốn nhiều thời gian và công sức, thậm chí là phải giải quyết những xích mích với hàng xóm.
Toàn bộ mặt tiền, nội thất và sàn sân của ngôi nhà được lát bằng gạch đỏ. Tuy nhiên, khi xây nhà, Tử Ngọc phát hiện ra các nhà máy gạch đỏ ở thành phố không còn sản xuất gạch đỏ nguyên chất kiểu cũ nữa mà thay thế bằng gạch nung, loại gạch này cháy rất cứng và có những đốm đen trên gạch.
Cô phải tốn rất nhiều thời gian cũng như phải chi 300.000 tệ (gần 1 tỷ đồng) để mua gạch đỏ. “Vào thời điểm đó, tôi đã tìm kiếm tất cả các xưởng gạch xung quanh và cuối cùng quyết định chọn những viên gạch đỏ mà tôi muốn tại một nhà máy sản xuất gạch đốt củi cách chúng tôi khoảng 60 km”, Tử Ngọc nói.
Quyết định bỏ phố, trở về quê hương sống cùng bố mẹ
Ngôi nhà cũ bị phá bỏ vào năm 2016, đến năm 2017 mới xây dựng xong phần thô. Sau đó, ngôi nhà bị bỏ trống trong 5 năm cho đến năm 2022 mới được xây dựng lại. Do thời điểm đó, việc kinh doanh của Tử Ngọc gặp khó khăn, cô không còn tiền, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần nên phải làm việc, tích lũy thêm tiền làm nhà.
“Tôi bắt đầu bán quần áo qua livestream được hơn 3 năm, một mặt dọn hàng, mặt khác trả hết nợ xây nhà, nợ kinh doanh. Lúc đó tôi livestream bán hàng cách ngày, có khi từ 8 giờ tối đến 6, 7 giờ sáng, kéo dài hơn chục tiếng, giọng tôi khàn đặc”, Tử Ngọc chia sẻ.
“Cha mẹ tôi đều đã ngoài bảy mươi, an ủi tôi rằng họ vẫn có thể làm việc và trồng một ít rau để bán, đồng thời bảo tôi đừng quá lo lắng về tiền bạc. Lúc đó, một niềm tin đã thôi thúc tôi không gục ngã mà tiếp tục việc này, vì nhà vẫn chưa được sửa sang, và tôi cũng phải thực hiện tâm nguyện cho bố mẹ được sống trong một ngôi nhà mới”, Tử Ngọc chia sẻ.
Năm 2021, sau lời nói của bố, Tử Ngọc quyết định trở về quê hương. Cô vay mượn thêm tiền để sửa sang lại căn nhà còn dở dang.
Tử Ngọc chia sẻ: “Khi bố nói với tôi câu này, tôi chợt cảm thấy cuộc sống thực ra có rất nhiều mục đích theo đuổi, và chúng ta có thể có những hoài bão cao cả, giống như tôi trước đây, muốn làm những điều lớn lao hơn và đi đến nhiều nơi hơn. Nhưng cả gia đình hạnh phúc bên nhau, đây là niềm hạnh phúc giản đơn nhất và cũng là hạnh phúc đắt giá nhất”.
“Tôi nghĩ những gì ngôi nhà này mang lại là sự thoải mái. Ở mọi ngóc ngách của ngôi nhà này, bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được sự kết nối với thiên nhiên. Nhiều bạn đến nhà chơi và ngồi đó cả ngày, họ thấy nó rất có tác dụng chữa lành”, cô nói.
Tử Ngọc cho biết, cô cũng từng lo lắng sợ ngôi nhà này quá hiện đại, những người ở độ tuổi của bố mẹ cô sẽ không thích nghi được, nhưng sau khi họ chuyển đến, cô thấy họ thích nghi rất nhanh.
Một số đồ nội thất và đồ trang trí trong nhà do gia đình Tử Ngọc tự làm. “Bố của tôi rất giỏi nghề thủ công, tôi vẽ tranh cho ông và ông đã làm rất nhiều chiếc đèn lồng bằng tre”, Tử Ngọc nói.
Khi về quê, công việc làm thời trang của cô vẫn tiếp diễn. Tử Ngọc chia sẻ: “Sau khi về làng, tôi vẫn làm công việc thiết kế thời trang và làm việc từ xa với khách hàng cũ. Trước đây tôi từng vội vã tung ra sản phẩm mới mỗi quý nhưng giờ tôi không còn phải vội vàng nữa và tôi có nhiều thời gian hơn để vẽ những gì mình muốn vẽ".
Phụ nữ Việt Nam