Cô gái Hải Dương làm dâu Thượng Hải: 6 năm không phải làm việc nhà, sinh con mẹ chồng thưởng 2 tỷ đồng
Sau khi kết hôn, mẹ chồng Thương chủ động đề nghị cho con trai, con dâu ra ở riêng. Bà yêu thương, chiều chuộng con dâu như con gái và luôn tự hào về cô.
- 08-11-2023Nàng dâu hào môn nhà bầu Hiển: Là hoa hậu ‘nghèo nhất’ VN, sau sinh con có vai trò mới tại công ty gia đình
- 07-11-2023Hành động của mẹ Văn Hậu với Doãn Hải My cho thấy quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trước đám cưới
- 06-11-2023Hai nàng dâu hot Dianka và Doãn Hải My: Ở phố sang chảnh, về quê chồng “hoà tan” nhanh chóng
Mẹ chồng tự hào về nàng dâu Việt Nam
6 năm kết hôn với ông xã người Thượng Hải, Lê Thị Thương (30 tuổi, quê ở Hải Dương) khiến nhiều người ngưỡng mộ về cuộc sống hôn nhân viên mãn. Không chỉ được chồng nâng niu, chiều chuộng, Thương còn may mắn được gia đình chồng yêu thương như con ruột. Những câu chuyện Thương kể về bố mẹ chồng, khiến nhiều cô gái ước ao.
Sau khi sang Thượng Hải du học, Thương yêu và nên duyên vợ chồng với giảng viên đại học Hạ Dĩ Dương.
Năm 2016, khi đó vẫn còn là sinh viên đại học, Thương được thầy Hạ dẫn về ra mắt gia đình. Bà Mao - mẹ chồng của Thương là người Thượng Hải gốc, năm nay 73 tuổi, đã về hưu.
Lần đầu gặp mẹ chồng, Thương cảm nhận bà Mao là người rất thời thượng và sang trọng. Tuy nhiên, cô cũng có phần lo sợ do trước đó từng nghe bạn bè nói mẹ chồng Thượng Hải rất khó với con dâu và mẹ chồng Thương có khuôn mặt hơi nghiêm nghị.
Về phía bà Mao, sau này cô được ông xã kể lại rằng, ngay buổi gặp hôm ấy, bà đã có ấn tượng khá tốt với Thương. Bà rất vui khi biết Thương và thầy Hạ có mối quan hệ nghiêm túc, có định hướng sẽ tiến tới hôn nhân.
“Sau khi ra mắt với bên nhà chồng thì mình hay lui tới nhà anh chơi, cũng rất thường xuyên đi chơi với gia đình. Quan hệ giữa mình với mẹ chồng trước, sau khi cưới đều rất tốt, nếu có thay đổi thì là mình cảm nhận mẹ ngày càng thương và chiều mình hơn.
Trước đây khi chưa cưới thì sự khách sáo sẽ nhiều hơn còn sau khi cưới mình cảm nhận được mẹ thực sự thương mình, thương nhiều như con ruột của mẹ vậy”, nàng dâu Việt bộc bạch.
Giống như đại đa số những cô dâu mới về nhà chồng khác, Thương cũng có chút lo lắng về việc sống chung với bố mẹ chồng. Cô gái Hải Dương lo sợ sự khác nhau về văn hóa cũng như nhịp sống sinh hoạt của hai thế hệ sẽ xảy ra những bất đồng, mâu thuẫn ngoài ý muốn. Nhưng rất may, khi sống chung với bố mẹ chồng được chưa đầy nửa tháng, mẹ chồng Thương đã chủ động đề nghị cho con trai, con dâu ra ở riêng. Bà mong rằng điều đó sẽ giúp hai con tự lập hơn.
Như Thương kể, 6 năm qua tình cảm của cô và mẹ chồng ngày càng khắng khít. Theo cảm nhận của nàng dâu Việt, có lẽ mẹ chồng đề cao Thương nhất ở việc cô chăm chỉ và có chí tiến thủ.
Từ khi học đại học cho tới khi học thạc sĩ, Thương đã cố gắng sắp xếp thời gian để vừa đi học, vừa đi làm và tự học hỏi để kinh doanh online. Nhờ vậy mà ngay cả khi đi học, Thương cũng đã có thu nhập khá ổn định. Cộng với việc có học bổng toàn phần nên mẹ chồng Thương luôn nói với bạn bè là rất tự hào khi có một người con dâu như cô.
Có một điều khá thú vị là thời điểm chưa kết hôn, khi đến nhà thầy Hạ chơi, Thương thấy mẹ chồng chẳng bao giờ làm việc nhà. Từ cơm nước, dọn dẹp nhà cửa đều do thầy Hạ và bố làm. Khi ấy, mẹ chồng cười và nói trêu: “Con chỉ cần cưới con trai bác, còn việc nhà cứ để nó lo”. Thương tưởng mẹ chỉ nói đùa, ai ngờ sau khi cưới, câu nói đó đúng theo nghĩa đen.
Ông xã của Thương là giảng viên đại học, thời gian làm việc không quá bận rộn nên chu đáo hơn trong việc nhà cửa. Tính chất công việc của Thương bận rộn hơn nên thời gian ở nhà ít hơn chồng.
Khi mới kết hôn, kinh tế còn chưa vững nên vợ chồng Thương không thuê giúp việc, việc nhà đều do thầy Hạ làm hết. Thỉnh thoảng cuối tuần, Thương sẽ giúp chồng tổng vệ sinh nhà cửa. Mỗi lần như vậy, bố chồng cô đều sang giúp đỡ hai con. Hiện tại, kinh tế đã ổn hơn nên gia đình Thương có thuê giúp việc, nhờ vậy việc dọn dẹp nhà cửa của thầy Hạ cũng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Mẹ chồng cho con dâu 100 triệu đồng tiền tiêu vặt
Kể thêm về bố mẹ chồng, Thương hạnh phúc: "Khi về làm dâu mình nhận được rất nhiều sự quan tâm chăm sóc từ bố mẹ chồng, ông bà rất bao dung. Vì lấy chồng xa nên có khá nhiều sự khác biệt trong văn hoá và lối sống, mẹ chồng luôn chỉ bảo mình tận tình. Cảm nhận được bố mẹ rất thương mình, nên mình cũng đối xử với bố mẹ chồng như bố mẹ ruột. Mình luôn cố gắng hết sức để cùng chồng báo hiếu bố mẹ và làm tròn trách nhiệm của người làm con".
Thầy Hạ là con một nên bao nhiêu yêu thương bố mẹ chồng đều dành hết cho vợ chồng Thương. Vì vậy, Thương cũng được bố mẹ vô cùng chiều chuộng. Mẹ chồng rất hay cho Thương tiền tiêu vặt, khoảng năm, bảy, mười triệu đồng, bà cho liên tục. Cũng có tháng, mẹ chồng cho Thương tới 100 triệu đồng, nhiều hơn lương của con dâu.
Thời điểm Thương sinh con, mẹ chồng cho cô tổng cộng khoảng 2 tỷ đồng. Mỗi lần mẹ chồng đi chơi, du lịch về đều mua quà cho con dâu. Rồi khi Thương về Việt Nam thăm gia đình, mẹ chồng cũng chuẩn bị rất nhiều quà để con dâu đem về tặng bố mẹ và người thân, họ hàng. Không chỉ vậy, bà còn cho Thương chi phí đi lại vì sợ con dâu về quê chi tiêu không thoải mái.
Bản thân Thương không chỉ biết nhận. Cô cũng biết chọn những dịp phù hợp để biếu lại bố mẹ, "có đi có lại mới toại lòng nhau".
Chuyện mẹ chồng nàng dâu xảy ra bất đồng hay những mâu thuẫn vụn vặt là điều khó có thể tránh khỏi, gia đình Thương cũng vậy. Nhưng mỗi lúc như thế thì cả Thương và mẹ chồng đều tự điều chế cảm xúc để không nói những lời làm tổn thương đối phương, đồng thời tự cho bản thân chút thời gian để bình tĩnh lại.
Suy cho cùng, là người một nhà có mâu thuẫn cũng không thể rời bỏ nhau, vì thế nên rất nhanh hai mẹ con lại làm lành. Quan điểm của gia đình Thương là nói không với “chiến tranh lạnh”, có gì không vừa ý thì ngồi lại và thẳng thắn nói hết ra với nhau. Và chuyện đã giải quyết xong là xong chứ không bao giờ để trong lòng. Do đó 6 năm về làm dâu, Thương và mẹ chồng chưa bao giờ giận nhau quá một tiếng đồng hồ.
Người ta hay có câu: “Phụ nữ lấy chồng không chỉ chọn chồng và còn chọn cả bố mẹ chồng nữa”, Thương hoàn toàn đồng ý với câu nói này.
“Mình nghĩ một gia đình tốt, có trách nhiệm sẽ nuôi dạy được những đứa con có trách nhiệm. Hôn nhân không giống với giai đoạn yêu đương vì khi yêu chỉ là chuyện của hai người. Còn khi đã kết hôn thì đó lại là chuyện của cả hai gia đình. Những mối quan hệ trong gia đình lớn có ảnh hưởng trực tiếp tới hạnh phúc của gia đình nhỏ.
Nếu quan hệ giữa bố mẹ chồng và nàng dâu không tốt thì gia đình nhỏ của mình cũng rất khó có thể hạnh phúc viên mãn. Nếu quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu luôn hòa thuận ấm êm thì mọi chuyện trong gia đình đều sẽ trở lên đồng lòng và nhẹ nhàng hơn rất nhiều”, Thương bày tỏ thêm.
Ảnh: NVCC
Đời sống & pháp luật