Cô gái làm nghề dọn dẹp nhà cửa hậu những "cái chết cô độc" ở Nhật: Trên cả công việc làm công ăn lương là vô vàn nỗi niềm dành cho người đã khuất
Hiện tượng chết trong cô độc kodokushi đã và đang trở nên vô cùng phổ biến ở Nhật Bản khi dân số nơi đây ngày càng già đi, nhiều người lớn tuổi phải sống đơn chiếc và thiếu đi sự kết nối với thế giới bên ngoài. Miyu là nhân viên nữ duy nhất và trẻ nhất tại công ty chỉ có vỏn vẹn 10 nhân sự.
- 04-11-2020Dấn thân vào kinh doanh sớm, tôi học được vô số bài học quý khi tự trải đời: Càng tập trung vào túi tiền cá nhân, bạn càng có ít cơ hội để ăn mừng thành công dài hạn
- 04-11-2020ĐỘNG LỰC giúp bạn bắt đầu nhưng THÓI QUEN mới là điều giúp bạn tiếp tục: 7 bài học cuộc sống của Jim Rohn - người từng khánh kiệt lúc 25 tuổi và trở thành tỷ phú khi vừa 31 tuổi
- 04-11-20207 đặc điểm của người luôn "thu hút" thành công, tài lộc cũng theo đó mà tự tìm đến: Bạn có điều nào không?
Tại một gara để xe nằm trên con đường bận rộn ở quận Itabashi, phía Bắc Tokyo, Nhật Bản, Miyu Kojima vừa kết thúc một ngày làm việc. Đó là một đêm tháng 2 trời lạnh. Các dụng cụ dọn dẹp được đặt gọn gàng ở một góc gara, đồ đạc còn sót lại của người đã khuất được cho vào hộp giấy chất vào chiếc xe đẩy màu xanh lá phía trên có dòng chữ "ToDo-Company". Đó là những vật dụng thuộc về chủ nhân của căn nhà mà Miyu và đồng nghiệp vừa dọn dẹp. Chúng sẽ được tái chế hoặc đem đi bán.
Miyu, cô gái 24 tuổi vào thời điểm trò chuyện với chúng tôi, làm việc cho công ty ToDo, nơi cung cấp dịch vụ dọn dẹp nhà cửa cho người đã khuất và thường là người chết trong cô độc, thường được gọi là kodokushi.
"Tôi thường đảm nhận nhiệm vụ dọn dẹp các căn nhà cho thuê, căn hộ, nhà nơi người ta chết trong cô độc và giúp sắp xếp những món đồ mà người đã khuất để lại" - Miyu chia sẻ. Thông thường, những người mà Miyu giúp dọn dẹp nhà cửa qua đời 1-2 tháng trước khi được phát hiện nhưng lâu nhất là 8 tháng. Thỉnh thoảng, họ lau dọn nhà cửa cho người mất ở bệnh viện, hoặc chết vì bị giết, tự tử.
Sau khi thi thể được đưa đi, Miyu và đồng nghiệp bắt đầu công tác quét dọn nhà cửa và sắp xếp những món đồ còn lại của người đã khuất. Miyu là một cô gái hay cười và dưới chân là đôi giày thể thao còn dính thuốc tẩy. Cô bắt đầu công việc này sau khi bố cô đột ngột qua đời. Trước đó, 2 bố con Miyu có một mối quan hệ khá là căng thẳng.
"Tôi nghĩ tôi hiểu được những gì mà người ở lại cảm nhận. Tôi muốn giúp đỡ họ một tay" - Miyu chia sẻ.
Thế là sau đó, Miyu bắt đầu tìm các công ty chuyên cung cấp dịch vụ dọn nhà cho người chết. Sau một thời gian, Miyu nhìn thấy quảng cáo tuyển dụng của công ty ToDo. Hirotsugu Masuda, thuộc độ tuổi 40, là người sáng lập ra ToDo và ông cho rằng đây là công việc mà "một ai đó phải làm".
"Xin hãy yên nghỉ"
Miyu cho biết một ngày làm việc bình thường của cô bắt đầu bằng một cuộc họp vào buổi sáng, phân công công việc rõ ràng để mọi người có thể thực hiện nhiệm vụ của mình một cách nhanh chóng. Tiếp đến, họ di chuyển đến ngôi nhà cần dọn dẹp với một nhóm khoảng 6 người và hoàn thành công việc vào lúc 3h chiều. Giá cho dịch vụ này rơi vào khoảng 3.000-5.000 USD (70-115 triệu đồng).
"Tôi làm mọi việc từ đầu đến cuối. Tôi lái xe tải, dọn dẹp và nói chuyện với gia đình của người chết" - Miyu nói.
Trước khi bước vào căn nhà, Miyu sẽ cầu nguyện: "Xin hãy yên nghỉ". Ban đầu, Miyu cảm thấy công việc này thật khó khăn và đôi khi khung cảnh nhà cửa của người chết có phần đáng sợ. Dù thi thể đã được đưa đi nhưng không tránh khỏi trường hợp lông tóc hay dung dịch rỉ ra từ thi thể còn sót lại. Công việc này cũng đòi hỏi một sức khỏe dẻo dai nhưng điều khó khăn nhất với Miyu là nói chuyện với gia đình của người đã khuất. "Tôi không biết mình nên nói đến đâu và hỏi han thế nào".
Khi một người chết trong cô độc thì khung cảnh bên trong nhà vẫn vương lại không khí của một cuộc sống đơn độc. Thật khó để dọn dẹp một căn nhà nơi một người bị giết hoặc tự kết liễu đời mình bởi vì mỗi lần như vậy, Miyu thấy mọi thứ rất nặng nề. Miyu thường bận rộn hơn trong mùa hè, bởi vì lúc này, thi thể thường dễ bốc mùi hôi thối nếu không được phát hiện kịp thời.
Trong buổi trò chuyện, Miyu còn đưa cho mọi người xem một vài hình ảnh mà cô chụp được trong những lần dọn dẹp nhà người chết. Đó là một đường viền màu nâu nơi người đã khuất nằm lại trong giây phút cuối đời của họ, đó là bộ xương của con mèo, đó là bồn rửa vẫn còn vương dấu thức ăn và chiếc đũa đã qua sử dụng nằm bên trong. Tại nhà mà Miyu vừa mới dọn dẹp, một người đã chết ngay trước bồn cầu vệ sinh. Miyu đã đặt một bông hoa trên nắp bồn cầu để thể hiện sự tôn kính.
"Trong lúc dọn dẹp, tôi thường nghĩ về người đã từng sống tại đó, họ đã có cuộc đời thế nào, họ đã làm công việc gì và họ là thế nào trong mắt người nhà" - Miyu chia sẻ.
Miyu đã nhìn thấy không ít người có thói quen sưu tập mọi thứ từ tem, đồng xu, phiếu mua hàng, túi xách...
"Tôi tìm kiếm đồ đạc giúp gia đình của người đã khuất, những món đồ quan trọng với họ, như các bức ảnh hoặc thứ gì đó đặc biệt".
Sau khi kết thúc công việc dọn dẹp, Miyu và đồng nghiệp sẽ thực hiện một nghi thức cuối cùng là dâng hoa, thắp nhang và cầu nguyện. Miyu cho biết đó là lời từ biệt cuối cùng dành cho người đã khuất.
Miyu sẽ gửi lại đồ đạc của người đã khuất cho gia đình họ. Nếu gia đình từ chối nhận, công ty ToDo sẽ gửi chúng vào chùa để thực hiện một nghi lễ trước khi đem chúng đi thiêu.
Miyu cho rằng nhu cầu dịch vụ mà công ty cô cung cấp đang ngày càng tăng lên. Hideto Kone, phó chủ tịch của Hiệp hội các vật phẩm lưu niệm, ước tính vào tháng 2/2017 rằng có khoảng 4.000 công ty cung cấp dịch vụ kiểu này trên khắp Nhật Bản.
"Mỗi năm, tôi thấy càng nhiều người cắt đứt liên lạc với người khác và tôi nghĩ đây là nguyên nhân dẫn đến những cái chết cô độc" - Miyu nói.
Cửa sổ dành cho mối quan hệ giữa người với người
Ban đầu, mẹ Miyu phản đối công việc của con gái. Bạn trai cô cũng bày tỏ nhiều ngờ vực.
"Lúc đó, anh ấy nói với tôi rằng: 'Sao em lại làm việc này? Em có thể bị chửi rủa hoặc bị ám ảnh đấy'. Nhưng tôi đáp lại: 'Em không làm gì xấu xa hay sai trái thì sao em lại bị ám?'. Và giờ đây thì anh ấy cũng hiểu cho tôi" - Miyu kể.
Miyu chưa từng gặp một người phụ nữ nào làm công việc này và chính vì vậy nên hầu hết mọi người đều bất ngờ khi nhìn thấy sự hiện diện của cô tại nhà của người đã khuất. Miyu xem công việc của mình là đem đến một tấm cửa sổ cho mối quan hệ giữa người với người.
Miyu cho rằng hiện tượng kudokushi không chỉ xảy ra ở người già mà có thể xảy ra với bất kỳ ai. Miyu từng tiếp nhận trường hợp một cô gái ở độ tuổi 20 chết trong căn hộ cùng với con thú cưng của mình.
"Chú chó đã chết trước cửa căn hộ với miệng mở và nhìn lên trời. Rõ ràng là nó đã kêu cứu" - Miyu còn biết được rằng trước khi chết, con vật đã "sủa như điên".
Nhưng cuộc trò chuyện sau đó với cha của cô gái đã khuất mới thật sự ảnh hưởng đến Miyu.
"Ông ấy nói với tôi rằng: 'Tôi đã đối xử với con gái quá khó khăn. Tôi là một ông bố hà khắc và tôi rất hối hận về điều đó'... Tôi không thể giúp ông ấy, tôi chẳng thể làm được gì cho ông ấy và tôi cảm thấy bất lực thật sự" - Miyu nói.
Miyu cho biết trong nhiều trường hợp, những cái chết cô độc thường xảy ra với những người có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với gia đình và họ chẳng thể gọi cho ai mỗi khi cần sự giúp đỡ. Miyu tin rằng một bộ phận không nhỏ người trong xã hội cũng kỳ thị những người chết một mình bởi ý nghĩ người chết không có một ai bên cạnh cũng phản ánh phần nào con người của họ.
Đối với Miyu, những cái chết này tiết lộ mối quan hệ gia đình thì đúng hơn.
"Nếu một người ra đi mãi mãi, bạn chẳng thể làm gì được nữa và đó cũng là lúc bạn nhận ra tầm quan trọng của người đó. Nếu vẫn còn thời gian, xin hãy tận dụng cơ hội để trò chuyện, kết nối với gia đình và những người xung quanh, đừng để mọi thứ tan vào hư không rồi mới hối hận thì đã muộn màng" - Miyu nói.
(Nguồn: Aljazeera)
Pháp luật và bạn đọc