MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cô gái Việt rời Pháp, từ bỏ mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng để về Việt Nam khởi nghiệp: Hiện là nhà đồng sáng lập tổ chức du học Pháp ngữ uy tín

18-07-2023 - 11:10 AM | Lifestyle

Cô gái Việt rời Pháp, từ bỏ mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng để về Việt Nam khởi nghiệp: Hiện là nhà đồng sáng lập tổ chức du học Pháp ngữ uy tín

“Đối với tôi, hạnh phúc và thành công không đến từ nhiều bạc nhiều tiền mà đơn giản chỉ là bản thân được làm công việc mình yêu thích và có giá trị cho xã hội. Tôi cũng thật sự cảm ơn chồng bởi anh là chỗ dựa vững chắc, tạo điều kiện để tôi được sống và làm việc với đúng bản tính con người mình, không toan tính thiệt hơn.  Thêm nữa, hạnh phúc là khi những người thân yêu xung quanh tôi khoẻ mạnh, bình an”, Quỳnh Trang trải lòng.

Chị Đỗ Quỳnh Trang (SN 1988) hiện đang là Co-founder tổ chức du học Pháp ngữ Savoir Francophone (SAF) – đơn vị tư vấn, hỗ trợ hồ sơ du học – học bổng – visa Pháp. Đặc biệt hơn, chị từng có chuyện tình yêu “đẹp hơn chuyện cổ tích” với người chồng hiện là giảng viên Đại học Việt Pháp.

Thành tích nổi bật của Đỗ Quỳnh Trang

- Đồng sáng lập, Trưởng phòng Tư vấn - Hồ sơ Du học Pháp ngữ SAF (Savoir Francophone).

- 6 năm kinh nghiệm tư vấn & xây dựng hồ sơ du học Pháp cho hơn 600 học viên thuộc mọi chương trình học & học bổng tại Cộng hòa Pháp.

- Cựu Giảng viên Khoa Dầu khí, trường Đại học Dầu khí Việt Nam.

- Trợ lý quản lý QSE (Chất lượng - An toàn - Môi trường) cho đơn vị Cegelec Sud-Ouest về Năng lượng tái tạo thuộc Tập đoàn VINCI, Pháp.

- Thạc sĩ về Quản lý dự án – Đại học tổng hợp Toulouse 2 Jean Jaures.

- Bằng Kỹ sư, trình độ thạc sĩ, chuyên ngành Quản lý Chất lượng – Công nghệ Môi trường tại Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia (INSA) Toulouse.

2 lần nghe theo tiếng gọi trái tim, may mắn không phải… hối hận!

Chị Quỳnh Trang lớn lên ở Vũng Tàu, sau khi tốt nghiệp bậc THPT, Quỳnh Trang vinh dự nhận học bổng của Tập đoàn Dầu khí rồi đi du học ở nước Pháp. Chị học hệ đào tạo Kỹ sư thuộc Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia (INSA), một trong các hệ thống đào tạo kỹ sư công lập đầu tiên tại Pháp. Sau 5 năm hoàn thành chương trình, chị tiếp tục học thêm 1 năm để lấy tấm bằng Thạc sĩ về Quản lý dự án.

Sau khi kết thúc thời gian thực tập 6 tháng cho chương trình hệ Kỹ sư, chị đã được đơn vị Cegelec Sud-Ouest thuộc Tập đoàn VINCI, Pháp nhận vào làm việc chính thức với vai trò Trợ lý quản lý QSE (Chất lượng - An toàn - Môi trường) trong lĩnh vực về Năng lượng tái tạo với mức lương khởi điểm là 70 triệu đồng/tháng. Công việc bàn giấy ổn định, nhẹ nhàng với chỉ 7h/ngày làm việc. Cuối tuần, Quỳnh Trang được thảnh thơi đi du lịch nhưng chị vẫn cảm thấy chưa hài lòng với cuộc sống.

Sau gần một năm làm việc, cảm thấy công việc quản lý chất lượng không thật sự phù hợp với tính cách và mong muốn được thử thách nhiều hơn, chị quyết định chuyển hướng sang làm Quản lý nhà hàng. Đây là công việc mà chị có ít nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ trong thời gian làm thêm lúc sinh viên. Thời điểm đó, bạn trai và cũng là chồng hiện tại của chị có phân tích những điều được – mất nếu thay đổi, nhưng cuối cùng, anh vẫn ủng hộ và tôn trọng lựa chọn của chị.

Chuyển sang làm nhà hàng, công việc của Quỳnh Trang bận rộn hơn rất nhiều. Chị là quản lý, nhưng những lúc đông khách vẫn xắn tay áo hỗ trợ thu ngân, phục vụ thực khách, quản lý kho, thậm chí phụ bếp. Công việc áp lực, cực nhọc và mất nhiều thời gian hơn nhưng chị thấy hạnh phúc vì được hoạt động liên tục, được giao tiếp với khách hàng, quan sát và lắng nghe họ chia sẻ về cuộc sống, gia đình,... Điều này khiến chị cảm thấy yêu công việc và hiểu rõ hơn điều gì quan trọng với bản thân. Mức lương cho vị trí Quản lý nhà hàng cũng không hề thấp, có những tháng chị thu nhập lên tới hơn 100 triệu đồng/tháng.

Cô gái Việt rời Pháp, từ bỏ mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng để về Việt Nam khởi nghiệp: Hiện là nhà đồng sáng lập tổ chức du học Pháp ngữ uy tín - Ảnh 1.

Học tập và làm việc ở Pháp gần 10 năm, có một công việc với thu nhập ổn định như vậy nhưng Quỳnh Trang vẫn quyết định về Việt Nam. Chị bật cười chia sẻ lý do lớn nhất khiến chị hồi hương bởi không muốn xa bạn trai (chồng chị hiện tại). Chồng chị học Thạc sĩ ở Hà Lan, sau đó sang Pháp học Tiến sĩ. Tại đây, 2 vợ chồng chị nên duyên, gắn bó với nhau. Và với sự nghiệp đã vững vàng ở Việt Nam, 3 năm học Tiến sĩ ở Pháp là quãng thời gian để anh trải nghiệm, nâng cao chuyên môn cũng như hồi phục năng lượng sau thời gian chinh chiến các dự án lớn ở Việt Nam.

Nếu chị ở lại Pháp định cư, anh vẫn đồng tình, ủng hộ chị nhưng trong thâm tâm, anh vẫn muốn về nước. Ngoài lý do đi theo tiếng gọi tình yêu, Quỳnh Trang hồi hương còn vì bố mẹ. Bố mẹ chị rất thương và nhớ con gái đi học, đi làm xa. Quỳnh Trang kể: “Khi làm ở nhà hàng, vào cuối tuần hay những dịp lễ Tết, tôi chứng kiến các gia đình người Pháp đưa nhau đi chơi, đi ăn uống. Họ tổ chức tiệc sinh nhật cho người thân, đốt nến rồi hát chúc mừng. Tự nhiên, tôi thấy rất thèm không khí sum vầy đầm ấm bên gia đình”.

Đặc biệt mỗi lần tới Tết Âm lịch, chị vừa làm việc vừa ngóng nhìn đồng hồ đếm thời khắc giao thừa, cảm thấy rất cô đơn. Năm nào thu xếp công việc được, chị háo hức từng giờ, từng ngày để được về Việt Nam quây quần bên gia đình. Không ít lần, Quỳnh Trang tự hỏi: “Nếu mỗi năm về Việt Nam 1 lần thì tôi còn được gặp bố mẹ bao nhiêu lần nữa? Càng nghĩ tôi càng tủi thân, chạnh lòng và quyết định cùng chồng bỏ hết tất cả lại quay về Việt Nam”.

Ngay sau khi về nước, với tấm bằng Kỹ sư – Thạc sĩ từ Pháp, Quỳnh Trang được nhận vào làm giảng viên khoa Dầu khí ở Đại học Dầu khí Việt Nam với thu nhập ổn định cùng nhiều chế độ đãi ngộ tốt. Tuy nhiên, sau 3 năm gắn bó, một lần nữa chị thay đổi công việc, quyết định ra Hà Nội để được hội ngộ cùng chồng khi anh về nước và nhận vị trí công tác là giảng viên tại Đại học Việt Pháp (USTH).

Cơ duyên đến với công việc tư vấn làm hồ sơ đi du học Pháp

Trước đây, khi còn là giảng viên tại Đại học Dầu khí, Quỳnh Trang đã làm thêm công việc dạy tiếng Pháp và hỗ trợ xây dựng hồ sơ đi du học. Vì thế, sau khi theo chồng ra Hà Nội, nhận thấy tiếng Pháp được sử dụng và du học Pháp được quan tâm nhiều, chị nhen nhóm ý định bắt đầu công việc này. Thế nhưng phải sau 4 năm, chị mới cùng 3 cộng sự thành lập SAF.

Từng là cựu du học sinh Pháp, Quỳnh Trang hiểu rất rõ môi trường học tập, học phí, giá trị bằng cấp, cuộc sống sinh hoạt và cơ hội việc làm sau khi ra trường tại đất nước lục lăng này. Chị chia sẻ, khẩu hiệu quốc gia của Cộng hòa Pháp “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” “Học tập là cơ hội và quyền lợi của mọi công dân”.

Cô gái Việt rời Pháp, từ bỏ mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng để về Việt Nam khởi nghiệp: Hiện là nhà đồng sáng lập tổ chức du học Pháp ngữ uy tín - Ảnh 2.

Chính vì thế mỗi sinh viên nước ngoài khi đến Pháp sống và học tập đều nhận được hỗ trợ phúc lợi xã hội bình đẳng từ chính phủ Pháp dành cho sinh viên như: Miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền thuê nhà, tham gia hệ thống an sinh xã hội miễn phí, bảo hiểm y tế cộng đồng hỗ trợ chi trả chi phí khám chữa bệnh tới 70%, được giảm giá các dịch vụ đi lại công cộng và vui chơi giải trí,… Thế nhưng, nhiều phụ huynh và học sinh lại suy nghĩ chi phí du học Pháp chắc hẳn rất cao.

Cụ thể, từ năm 2019, sinh viên ngoài khối Châu Âu nhập học vào các trường đại học tổng hợp công lập Pháp vẫn được miễn giảm toàn bộ học phí cho chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp. Sinh viên chỉ phải đóng phí ghi danh đối với bậc cử nhân là 2770 euros/năm, tức khoảng hơn 70 triệu đồng/năm và bậc Thạc sĩ là 3770 euros/năm, tức gần 100 triệu đồng/năm. So với giá trị học phí thực tế mà một sinh viên phải trả thì mức phí ghi danh phải đóng trên vẫn khá rẻ, trong khi sinh viên được học tập trong một môi trường quốc tế, tính đa văn hóa cao; được đi làm thực tập trong thời gian học và được quyền đi làm thêm tới 964 giờ/năm với mức lương khoảng 230.000 VNĐ/giờ và thu nhập lên tới 40 triệu đồng/tháng nếu làm hè toàn thời gian; cơ hội trao đổi tại nhiều quốc gia trên thế giới để nhận bằng kép, giá trị bằng đại học tại Pháp được công nhận trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội xin việc toàn cầu.

Ngoài ra, chi phí sinh hoạt cơ bản tại Pháp cũng không cao và có rất nhiều cách để tiết kiệm, chỉ khoảng 10 – 12 triệu/tháng. Ngoài ra, chính sách nhập cư và xin quốc tịch ở Pháp cũng tạo điều kiện tối đa cho du học sinh hoàn thành chương trình từ trình độ Kỹ sư/Thạc sĩ tại đây. Trong khi đó, Pháp là một quốc gia phát triển, là trung tâm văn hóa – thời trang – nghệ thuật - ẩm thực – du lịch không chỉ của châu Âu mà trên toàn thế giới. Đặc biệt với visa du học Pháp, sinh viên có thể đi du lịch 26 nước thuộc Châu Âu.

Tuy nhiên, nhiều người chưa có nhiều thông tin về du học Pháp. Khó khăn lớn nhất của họ là có nhiều luồng thông tin từ trên mạng, qua người thân hay quen biết mà không phân biệt được đâu là chính thống, chính xác hay sai lệch. Họ cũng có thể tìm tới các cơ sở tư vấn nhưng độ uy tín không cao. Nhiều tư vấn viên chưa từng đi học hay làm việc ở Pháp để hiểu cặn kẽ hệ thống đào tạo, thủ tục hành chính, quyền lợi xã hội, luật lao động,...

Chính vì thế, Quỳnh Trang mong muốn đồng hành và hỗ trợ các bạn trẻ xác định đam mê, ngành học phù hợp, từ đó hiện thực hóa kế hoạch du học Pháp một cách nghiêm túc và hiệu quả nhất. Với chị, một tư vấn viên có tâm có thể giúp các bạn trẻ xác định rõ hơn mục tiêu để thay đổi cuộc đời.

Áp lực với việc “làm dâu trăm họ” nhưng vẫn cố gắng làm việc bằng cái tâm

Trong quá trình làm việc, Quỳnh Trang gặp không ít khó khăn, thậm chí điều tiếng nhưng chị luôn nỗ lực hết sức để xây dựng hồ sơ, hỗ trợ học viên đạt mục tiêu du học. Bằng sự nhiệt tâm và thẳng thắn, chị được không ít học viên tin tưởng gọi là “chiến thần hồ sơ”.

Với chị, khó khăn nhất là bước tư vấn cho học sinh và phụ huynh do họ không hề có thông tin hoặc chưa hiểu rõ thông tin. Vì lo lắng nên họ đi nhiều trung tâm để tìm hiểu thông tin. Rắc rối thường gặp là sau đó, họ không biết cách chọn lọc cũng như xác minh thông tin hoặc có thể sẽ được định hướng vào một chương trình học/cơ sở đào tạo không phù hợp.

Chính vì vậy, tư vấn thông tin – định hình kế hoạch du học Pháp toàn diện là giai đoạn mất nhiều thời gian nhất. Không ít lần cảm thấy áp lực và mệt mỏi trong công việc.

Cô gái Việt rời Pháp, từ bỏ mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng để về Việt Nam khởi nghiệp: Hiện là nhà đồng sáng lập tổ chức du học Pháp ngữ uy tín - Ảnh 3.

Quỳnh Trang trải lòng: “Có những ngày, tôi làm việc từ 6h sáng đến 1-2h đêm. Nhiều khi, tôi thấy có lỗi với chồng con, cũng may được chồng hiểu và tạo điều kiện vì mỗi hồ sơ du học như một thử thách hoàn toàn mới. Giúp các học viên xin được chương trình học tốt, cầm được visa trên tay, tôi cảm thấy tự hào về chính mình, điều này dần trở thành đam mê không dứt ra được”.

Đến nay, Quỳnh Trang đã hỗ trợ hoàn thành cho hơn 600 hồ sơ du học Pháp từ chương trình đào tạo ngôn ngữ Pháp cho tới cao đẳng, cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, chưa kể các loại học bổng Chính phủ Pháp như học bổng Eiffel, học bổng xuất sắc Đại sứ quán Pháp hay các học bổng xuất sắc của các trường đại học nổi tiếng như Paris Saclay, Centrale Nantes, INSA...

Chị tâm sự: “Với tôi dù là người mới quen hay người đã quen lâu cũng như nhau, tôi không hề phân biệt. Hiểu biết điều gì, tôi sẽ chia sẻ tất cả, không e dè học viên đó phải ký hợp đồng mới tư vấn chi tiết. Mới gặp, cũng có một số phụ huynh và học sinh không thích tính cách của tôi bởi tôi thẳng tính quá, không thích vòng vo. Tuy nhiên, khi bắt tay vào việc, tôi nghĩ mọi người đều hiểu được sự tận tâm, sự kỹ càng cùng công sức, thời gian tôi đặt vào đó”.

Gắn bó với công việc trong nhiều năm, Quỳnh Trang có không ít kỷ niệm đáng nhớ. Chị chia sẻ về một bộ hồ sơ của bạn học sinh trường chuyên có tiếng tại Hà Nội, học song ngữ tiếng Pháp 12 năm. Bạn học viên và gia đình mong muốn ứng tuyển vào chương trình cử nhân ngành Kinh tế - Quản lý tại một trường đại học công lập lớn tại Pháp.

Trong quá trình thực hiện hồ sơ và luyện phỏng vấn, chị đã nhận xét thẳng thắn tiếng Pháp của bạn còn khá yếu, dù được nhận vào cử nhân cũng khó theo học. Chị trao đổi vấn đề này và đề xuất phương án học viên nên ứng tuyển vào một chương trình học Dự bị tiếng để củng cố năng lực tiếng Pháp trước khi theo học Cử nhân. Nhưng ngược lại với sự lo lắng từ chị, phụ huynh và học viên phản ứng khá gay gắt vì cho rằng trình độ con mình bị đánh giá thấp.

Cô gái Việt rời Pháp, từ bỏ mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng để về Việt Nam khởi nghiệp: Hiện là nhà đồng sáng lập tổ chức du học Pháp ngữ uy tín - Ảnh 4.

Theo quyết định của phụ huynh, chị vẫn triển khai ứng tuyển cử nhân cho học viên. Học viên đó trúng tuyển, nhận được visa và bay sang Pháp. Nhưng hôm đi làm thủ tục nhập học bên Pháp, bạn bị nhà trường từ chối vì “Tiếng Pháp quá yếu, phải nhờ bạn trả lời cho mọi câu hỏi khi làm thủ tục nhập học”. Trường đề xuất cho bạn tham dự 1 năm học dự bị tiếng và bảo lưu kết quả nhập học. Đợt đó, Quỳnh Trang không ngại cùng chuyên viên hồ sơ hỗ trợ học viên đổi chương trình học và hoàn thiện các thủ tục nhập học bên Pháp. Nhờ đó, chị nhận được sự đồng cảm và thấu hiểu hơn từ phụ huynh và học viên.

Chị Trang chia sẻ dù từng có lúc trao đổi gay gắt với phụ huynh hay rất nghiêm khắc với học viên, đặc biệt trong những buổi luyện phỏng vấn kế hoạch du học nhưng chỉ vì một mục tiêu duy nhất là hồ sơ của học viên được trúng tuyển vào chương trình tốt và nhận được visa, chứ không vì sự hơn thua với bất kỳ ai. Và với chị: “Thà cố gắng hết sức, hết tâm một lần trọn vẹn để chẳng may kết quả cuối cùng không như mong đợi, tôi cũng không áy náy”.

Dù trong công việc gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Quỳnh Trang luôn thấy hạnh phúc khi được làm điều mình yêu thích. Với chị, mỗi bộ hồ sơ xin du học là một thách thức và khi hoàn thành nghĩa là đã vượt qua được giới hạn bản thân. Học viên xin được vào ngôi trường càng cao, càng danh tiếng thì chị lại càng thấy mình thành công, hạnh phúc.

“Đối với tôi, hạnh phúc và thành công không đến từ nhiều bạc nhiều tiền mà đơn giản chỉ là bản thân được làm công việc mình yêu thích và có giá trị cho xã hội. Tôi cũng thật sự cảm ơn chồng bởi anh là chỗ dựa vững chắc, tạo điều kiện để tôi được sống và làm việc với đúng bản tính con người mình, không toan tính thiệt hơn. Thêm nữa, hạnh phúc là khi những người thân yêu xung quanh tôi khoẻ mạnh, bình an”, Quỳnh Trang trải lòng.

Theo Ứng Hà Chi

Phụ nữ số

Trở lên trên