MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp Nguyễn Trung Dũng kể chuyện khởi nghiệp lần 2 trên đất Ba Lan: Mỳ gói về tới đâu sạch bách tới đó, kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn thấy mình… thất bại vì lý do này

13-07-2023 - 19:15 PM | Lifestyle

“Như vậy với lần thứ 2 khởi nghiệp, tuy kiếm được rất nhiều tiền nhưng tôi lại mất đi một số bạn bè, coi như thất bại. Vì tinh thần tôi chán nản, cơ thể mệt mỏi và đồng tiền không hề làm tôi vui lúc đó. Đúng như ‘ông vua cà phê’ Đặng Lê Nguyên Vũ từng nói ‘Nhiều tiền để làm gì?’”, sếp Nguyễn Trung Dũng ngậm ngùi chia sẻ.

Ôm khoản nợ lớn, trầy trật khởi nghiệp lần 2 với các khoản vay nóng lên tới 10%…

Cuối năm 1992, sau lần khởi nghiệp lần đầu với thất bại nặng nề, ông Trung Dũng (CEO Dh Foods hiện tại) ôm đống nợ quay về thành phố từng học đại học và khởi nghiệp lại lần nữa. Với chút tiền ít ỏi cùng số hàng có được, ông thuê 1 nhà kho nhỏ khoảng 80m2, lập công ty mới, đăng ký thương hiệu mới và bắt đầu lại từ đầu.

Cũng may mắn khi ở lần khởi nghiệp cũ, ông Dũng là người mang mì ăn liền Việt Nam đi chào các cửa hàng. Với chiếc xe ô tô con cóc - loại xe nhỏ của Ba Lan, giá trị xe cũ tầm 1000 USD, một chiếc ấm đun nước siêu tốc, bát ô, thìa, dĩa, ông Dũng linh động nấu thử mì ăn liền cho chủ các cửa hàng.

Ban đầu, ông Dũng bị khá nhiều khách hàng từ chối vì họ không biết mỳ ăn liền là gì. Thậm chí, có vị khách còn xua tay: “Bọn tôi không bán ‘giun sấy khô’”. Khách từ chối hoặc bận rất nhiều nhưng ông Dũng không nản lòng. Ông tiếp tục tới các cửa hàng khác rồi hôm sau quay lại chào hàng. Có cửa hàng từ chối ông 10 lần, sau thấy ông kiên trì nên cuối cùng đồng ý cho ký gửi. Sau này cửa hàng đó trở thành một trong những cửa hàng bán tốt nhất của ông.

Sếp Nguyễn Trung Dũng kể chuyện khởi nghiệp lần 2 trên đất Ba Lan: Mỳ gói về tới đâu sạch bách tới đó, kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn thấy mình… thất bại vì lý do này - Ảnh 1.

Tuy nhiên thời điểm đó, ông Dũng gặp khó khăn về nguồn vốn. Các nhà máy Việt Nam đều yêu cầu ông thanh toán ngay tiền mặt thì mới giao hàng. Ông Dũng tìm vay được từ một số đối tác, bạn bè ở Việt Nam với lãi suất 2%/tháng (1 năm là 24%). Nhưng hàng đến cảng Ba Lan, ông không có tiền trả phí vận tải cho hãng tàu, trả thuế,… Để có tiền nhập hàng về bán, ông phải vay nóng từ những người Việt sống ở Ba Lan với lãi suất 10%/tháng. Vì họ không tin ông làm được nhưng với lãi suất cao, họ vẫn mạo hiểm cho vay.

Vị sếp của Dh Foods tâm sự: “Cũng may là tôi bán tốt nên hàng sang đến là hầu như bán hết ngay và số tiền thu được tôi trả ngay khoản vay 10%/tháng. Dần dần thấy tôi nhập nhiều hàng hơn nên không ít người muốn cho vay và lãi suất về 2%/tháng. Để có tiền trả nợ, tôi quay vòng liên tục và tăng lượng containers lên chóng mặt. Sau đó, tôi đàm phán được với các công ty ở Việt Nam đồng ý cho nợ 30 ngày, sau đó tăng dần lên 45 ngày, rồi 60 ngày sau khi hàng xuống cảng”.

Tiếp tục sai lầm khi hợp tác với bạn đá banh, bạn nhậu…

Ông Trung Dũng tiếp tục trầm ngâm chia sẻ, khởi đầu của lần 2 còn vất vả hơn lần 1 nhưng ông luôn tin tưởng sẽ thành công. Thành phố ông Dũng ở cách cảng 500 km (nơi khởi nghiệp lần đầu) nên mỗi lần hàng đến, ông phải lên tận nơi làm thủ tục. Ông có thuê agency nhưng vẫn cần có mặt để trả thuế và ký giấy tờ. Trong 1 lần lên cảng ông Dũng gặp lại B – người bạn cũ ở lần khởi nghiệp đầu cùng ông và 2 người nối lại quan hệ. B rất tốt bụng, nói đến đây cứ về nhà B ngủ và sáng B sẽ đưa ra cảng, đừng ở khách sạn bởi tốn kém.

B hồi đó buôn bán lặt vặt nên có thời gian. B theo ông Dũng ra cảng, thấy ông nhập 1 lần 6 - 8 containers mì ăn liền nên ấn tượng. B hỏi cách phát triển thị trường và ông Dũng hồ hởi kể hết, không giấu gì. Một hôm B với ông Dũng ngồi uống rượu buổi tối, đột nhiên B nói: “Cho mình tham gia với vì mình chán cảnh đi buôn bán vặt rồi”.

Vì B là bạn thân, đang giúp đỡ ông nên ông Dũng không suy nghĩ nhiều và đồng ý luôn. Ông Dũng chỉ nói hãy cho ông thời gian suy nghĩ mô hình hợp tác. Mấy hôm sau, B cùng vợ tới, cùng thống nhất mở công ty phân phối tại vùng B sống.

Sếp Nguyễn Trung Dũng kể chuyện khởi nghiệp lần 2 trên đất Ba Lan: Mỳ gói về tới đâu sạch bách tới đó, kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn thấy mình… thất bại vì lý do này - Ảnh 2.

Ông Dũng giữ 75% cổ phần, B là 25 % và quản quý công ty phân phối đó. Mọi việc diễn ra thuận lợi, B rất chăm chỉ nên công ty phân phối phát triển nhanh và gây áp lực lên công ty cũ (của A). Sau đó, anh em bạn, bè nghe tin B làm phân phối với ông Dũng phát triển tốt nên nhiều người đề nghị hợp tác. Lúc này, ông Dũng chọn thêm 4 người bạn ở 4 thành phố lớn để mở thêm 4 công ty phân phối (có 1 anh học trên ông 3 năm, 1 anh học trên 2 năm, 1 anh học trên 1 năm và 1 bạn học cùng năm với ông Dũng… Tất cả đều là bạn nhậu, bạn đá banh).

Các công ty phân phối ban đầu thỏa thuận theo mô hình ông Dũng giữ 75% cổ phần và họ 25%. Sản phẩm ông cung cấp, cách làm ông chỉ dẫn, các khách hàng chuỗi tại khu vực đó chuyển giao cho họ. Các công ty đều phát triển rất nhanh. Các bạn lần lượt mua nhà, mua xe, riêng ông Dũng vẫn ở nhà thuê vì bao nhiêu tiền kiếm được đều đưa vào vốn lưu động.

Sếp Dh Foods nhớ lại: “Sau đó, tôi về Việt Nam đàm phán với các nhà cung cấp mới để gia tăng các sản phẩm, tận dụng hệ thống phân phối đang phát triển. Hồi đó, trong 1 năm, tôi về Việt Nam tầm 5 - 6 lần, mỗi lần từ vài tuần đến 1 tháng. Chính vì vậy, tôi ít xuống các công ty phân phối, có khi 2 - 3 tháng mới xuống 1 lần”.

Mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh…

Một số lời đồn thổi, lời ra tiếng vào bắt đầu xuất hiện. Không ít người "bóng gió” rằng ông Dũng không làm gì mà hưởng cổ phần 75%, trong khi đó các bạn phát triển thị trường, quản lý hàng ngày mà chỉ có 25%. Nghe về thông tin đó khiến ông rất buồn, nhưng vì ông sở hữu công ty nhập khẩu và 100% công ty phân phối tại thành phố ông sống (Công ty phân phối của ông có doanh số lớn nhất) nên tự ông Dũng đã đề xuất nâng cổ phần của các bạn lên 50%.

Vấn đề thực sự bắt đầu khi có một lần, 1 chị người quen nói với ông: “Dũng biết gì không? Chị thấy mấy đứa bạn em vừa gặp nhau ở nhà chị (Vì có mấy người chơi chung với chồng chị ấy, trong đó có 1 người rất thân. Chị cũng là 1 trong những người cho tôi vay hồi khó khăn) và muốn loại em để tự nhập hàng”. Trong đó, anh trên 3 năm là chủ mưu, cậu trên 1 năm và 1 cậu cùng năm thì ủng hộ hăng hái, còn cậu trên 2 năm thì phản đối, cậu B (tham gia khỏi nghiệp cùng lần đầu) thì im lặng.

Bằng các “biện pháp nghiệp vụ”, ông Dũng nhanh chóng xác minh được thông tin đó là đúng. Khi ông tung ra bằng chứng phản bội của các bạn, bạn trên 3 năm lật mặt, không trả tiền hàng và bay về Việt Nam gặp các nhà máy mì để đàm phán nhập khẩu và bị tất cả từ chối (sau này ông Dũng mới biết, các nhà máy mì Việt Nam muốn hợp tác với ông chứ không muốn mạo hiểm với kẻ phản bội).

Không mua được hàng từ Việt Nam, anh ta đi gặp A và đề nghị làm phân phối cho A (chuyện này đích thân vợ A gọi cho ông Dũng vì cũng không thích kẻ phản bội). Và sự hợp tác diễn ra được 6 tháng thì chấm dứt. Thế là việc tự nhập khẩu để thu lợi nhuận từ A đến Z của anh ta thất bại.

Sau này anh ta làm khá nhiều nghề, nhiều lần gọi cho ông Dũng hay thông qua trung gian, ông đều từ chối. Hơn 10 năm trước anh ta về Việt Nam, làm việc cho 1 người bạn học cũ, cũng tìm cách liên hệ nhiều lần và nhắn tin muốn ngồi cafe, muốn anh em hàn gắn, muốn làm nhà phân phối của Dh Foods ở Hải Phòng nhưng ông Dũng đều không trả lời. Sau này, sự nghiệp và cuộc đời của anh ta cũng không thuận lợi, suôn sẻ.

Sau đó, Dũng tặng 50% cổ phần cho những người còn lại. Đến lúc này, ông cảm thấy không còn hứng thú với công việc, hàng ngày không muốn đi làm. Ông thấy bản thân không đủ dũng khí để thay đổi quyết liệt… và nhiều vấn đề nữa. Năm 2002, khi tròn 40 tuổi, ông nhận được lời đề nghị mua lại công ty từ một vị đại gia ở Đông Âu. Sau một buổi đàm phán, ông Dũng chốt bán kèm điều kiện là các bạn của ông vẫn được duy trì hợp đồng phân phối với các điều kiện đã ký.

Sau khi biết tin ông bán công ty, anh bạn trên 1 năm viết thư “tống tiền”. Ông đã viết thư phản hồi và anh ta im luôn. Số phận 3 người còn lại thế nào, ông không còn quan tâm, nhưng chắc chắn không thuận lợi và phát triển tốt như giai đoạn hợp tác với ông.

“Như vậy lần thứ 2 khởi nghiệp, tuy kiếm được rất nhiều tiền nhưng tôi lại mất đi một số bạn bè, coi như thất bại. Vì tinh thần tôi chán nản, cơ thể mệt mỏi và đồng tiền không hề làm tôi vui lúc đó. Đúng như ‘ông vua cà phê’ Đặng Lê Nguyên Vũ từng nói ‘Nhiều tiền để làm gì?’”, sếp Nguyễn Trung Dũng ngậm ngùi.

Theo Ứng Hà Chi

Phụ nữ số

Trở lên trên