MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cố gắng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay”

24-07-2024 - 09:15 AM | Tài chính - ngân hàng

Đây là khẳng định của Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú khi nói về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

“Cố gắng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay”- Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 6%. Như vậy, chỉ tính riêng tháng 6, tín dụng đã có mức tăng thần tốc với 3,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng 5 tháng cộng lại.

Dù vậy, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho cả năm 2024, con số đạt được trong nửa đầu năm 2024 vẫn còn khá khiêm tốn. Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, NHNN định hướng thế nào để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 15% cho năm 2024 theo kế hoạch đề ra?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Với tất cả những biện pháp chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và những chương trình hành động của ngành Ngân hàng từ đầu năm đến nay thì mặc dù 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm nhưng bắt đầu từ tháng 3, đặc biệt là tháng 4, tháng 5, tháng 6 thì tốc độ tăng trưởng tín dụng đã khá tích cực.

Với đà như vậy, cũng như cùng các biện pháp và chương trình hành động hiện nay của ngành Ngân hàng thì từ nay đến cuối năm, tín dụng sẽ tiếp tục có những mức tăng trưởng rất tích cực và chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu để đạt được chỉ tiêu 15% đã đặt ra từ đầu năm.

Tất nhiên là để tăng trưởng tín dụng thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm cầu đầu tư, cầu tiêu dùng, cầu tín dụng và những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các dự án để làm sao tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp hoạt động.

Dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng cùng với sự nỗ lực của ngành Ngân hàng, chúng tôi cũng hy vọng rằng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được theo mức đề ra.

Ngành ngân hàng đã có nhiều chương trình tín dụng dành cho doanh nghiệp và người dân. Nếu như gói 30.000 tỷ dành cho thủy sản đã được giải ngân rất thuận lợi và nhanh chóng thì gói 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội lại không được như kỳ vọng. Vậy NHNN có những biện pháp gì giúp tháo gỡ cho gói này, thưa Phó thống đốc?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Gói 30.000 tỷ đồng dành cho thủy sản, lâm sản xuất khẩu, chế biến xuất khẩu giải ngân rất tích cực. Sau khi hoàn thành 15.000 tỷ giải ngân thì chúng tôi cũng đã tiếp tục tăng thêm 15.000 tỷ nữa thành 30.000 tỷ và đến nay thì vẫn đang tiếp tục tích cực giải ngân. Đây là một tín hiệu rất tích cực cho lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trong nuôi, trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng chế biến, lâm sản xuất khẩu.

Đối với gói 120.000 tỷ thì đúng là hiện nay đang có những khó khăn. Những khó khăn này cũng đã được phân tích mổ xẻ tại rất nhiều hội nghị và cũng đã được Bộ Xây dựng đánh giá một cách rất đầy đủ về những cái dự án còn vướng mắc, còn nhiều yếu tố pháp lý, có nhà đầu tư được phép xây dựng nhưng lại chưa có nhu cầu vốn v.v.

Chúng tôi cũng đang tiến hành đánh giá về gói 120.000 tỷ này làm thế nào để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giải ngân một cách tốt nhất. Chúng tôi cũng đã có đề xuất Chính phủ, sau khi được Chính phủ chấp thuận, chúng tôi sẽ tăng cường thêm nhiều ưu đãi cho gói này tăng thêm lãi suất ưu đãi từ 2% lên 3%, và thời hạn kéo dài là 5 năm. Mức lãi suất cho 5 năm tiếp theo có thể sẽ giảm 1-2% để tạo điều kiện cũng như yên tâm cho khách hàng yên tâm vay tiền mua nhà.

Cụ thể chương trình sẽ được triển khai như thế nào khi mà gói 120.000 tỷ tiếp tục kéo dài và quy mô có thể tăng thêm bởi vì đã có nhiều ngân hàng thương mại đăng ký tham gia gói này, thưa Phó Thống đốc?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước, hiện đã có thêm 4 thương mại đăng ký tham gia gói này với mức đăng ký thêm 20.000 tỷ đồng, nâng quy mô của gói này lên 140.000 tỷ. Ngoài gói 140.000 tỷ này thì chúng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ, tạo điều kiện và khuyến khích các ngân hàng thương mại bằng nguồn lực của mình tham gia vào chương trình phát triển nhà ở xã hội cho vay người mua nhà, các nhà đầu tư xây dựng các khu dự án nhà ở xã hội.

Chúng tôi rất khuyến khích và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại với những cơ chế chính sách phù hợp để vừa đảm bảo hài hòa được tất cả các yếu tố đặt ra trong vấn đề cho vay ưu đãi, đồng thời, kiểm soát tăng trưởng tín dụng an toàn, hợp lý.

Xin cám ơn chia sẻ của ông!

Theo Trần Thúy

Thời đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên