MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có gì trong gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD "giải cứu nước Mỹ" ông Biden vừa công bố?

15-01-2021 - 08:48 AM | Tài chính quốc tế

Có gì trong gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD "giải cứu nước Mỹ" ông Biden vừa công bố?

Kế hoạch mang tên “Giải cứu nước Mỹ” sẽ hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD/người cho phần lớn dân Mỹ...

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden ngày 14/1 công bố một gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nước này vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 gây ra.

Mang tên "American Rescue Plan" (tạm dịch: "Kế hoạch giải cứu nước Mỹ"), gói kích cầu của ông Biden sẽ hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD/người cho phần lớn dân Mỹ, sau khi mỗi người đã được phát 600 USD trong gói kích cầu gần 900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tháng 12 vừa qua.

Người thất nghiệp sẽ được hỗ trợ 400 USD/tuần cho tới hết tháng 9 năm nay và tiền lương tối thiểu sẽ được nâng lên 15 USD/giờ. Hỗ trợ người vay thế chấp nhà được giãn nợ cho tới cuối tháng 9.

Số tiền 350 tỷ USD trong gói kích cầu trên sẽ được cấp cho các chính quyền tiểu bang và địa phương; 170 tỷ USD sẽ dùng để hỗ trợ các trường học và cơ sở giáo dục; 50 tỷ USD được chi để tăng cường công tác xét nghiệm Covid-19; 20 tỷ USD dành cho chương trình tiêm chủng Covid-19 trên toàn quốc…

Các trợ lý của ông Biden tiết lộ rằng kế hoạch này chỉ là một trong 2 sáng kiến chi tiêu lớn mà ông Biden dự định thúc đẩy trong những tháng đầu cầm quyền. Một gói kích cầu nữa, dự kiến công bố vào tháng 2, sẽ nhằm vào mục tiêu dài hạn về tạo việc làm, cải thiện cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu, và thúc đẩy bình đẳng sắc tộc. Ngoài ra, ông Biden cũng ủng hộ việc xóa nợ vay học tập lên tới 10.000 USD cho mỗi sinh viên Mỹ.

Kế hoạch của ông Biden ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo cùng Đảng Dân chủ.

"Gói giải cứu kinh tế mà Tổng thống đắc cử công bố ngày hôm nay cho thấy ông ấy đang hành động nhanh chóng để hỗ trợ nhân dân Mỹ", Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói trong một tuyên bố chung.

Tuy nhiên, quy mô lên tới gần 2 nghìn tỷ USD của gói kích cầu có thể sẽ vấp phải sự phản đối và hoài nghi của các nghị sỹ Cộng hòa. Chẳng hạn, thượng nghị sỹ Cộng hòa Rand Paul đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc chi kích cầu thêm sau kế hoạch 900 tỷ USD hồi tháng 12.

Nhiều chuyên gia kinh tế, bao gồm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng kích cầu thêm là cần thiết để giữ cho nền kinh tế có thể bám trụ cho tới khi vaccine Covid-19 được tiêm cho phần lớn người dân nước này. Đến ngày 14/1, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 384.000 người ở Mỹ, theo dữ liệu của Đại học John Hopkins.

Nhiều số liệu gần đây cho thấy làn sóng Covi-19 mới đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế Mỹ. Báo cáo hàng tuần ngày 14/1 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua tăng lên mức 965.000, một con số vượt xa dự báo và cao nhất kể từ tháng 8. Tuần trước, báo cáo hàng tháng của Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này mất 140.000 công việc trong tháng 12.

"Tôi cho rằng gói kích cầu gần 900 tỷ USD hiện có sẽ giảm bớt ảnh hưởng của Covid, nhưng không đủ để đưa kinh tế Mỹ vượt khó cho tới khi vaccine đưa virus về tầm kiểm soát", Giám đốc đầu tư Brad McMillan của Commonwealth Financial Network phát biểu khi nói về tầm quan trọng của kế hoạch mà ông Biden vừa đưa ra.

Nhưng dù đảng Dân chủ sẽ nắm đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện trong khóa tới, việc thông qua kế hoạch trên vẫn cần đến sự ủng hộ của một số nhất định các nghị sỹ Cộng hòa. Tương quan giữa hai đảng trong Thượng viện sẽ là 50 ghế thuộc về Đảng Dân chủ và 50 ghế thuộc về Đảng Cộng hòa. Phe Dân chủ chỉ chiếm đa số nhờ lá phiếu của Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris, trong khi nhiều dự luật sẽ cần tới 60% số phiếu để có thể được Thượng viện thông qua.

Theo An Huy

VnEconomy

Trở lên trên