MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có “giải mã” vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy?

28-10-2017 - 16:30 PM | Tài chính quốc tế

Việc công bố hàng ngàn tài liệu tuyệt mật về vụ ám sát của Tổng thống John F. Kennedy năm 1963 giúp trả lời những câu hỏi bí ẩn, chấm dứt những thuyết âm mưu vô căn cứ và có thể đưa ra những giả thiết thuyết phục khác. Tuy nhiên, vẫn còn hàng ngàn tài liệu tuyệt mật khác bị Tổng thống Donald Trump quyết định “vẫn để ở trong kho”.

Chính phủ Tổng thống Donald Trump ngày 26-10 (giờ Mỹ) quyết định công bố hơn 2.800 tài liệu mật về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy, để người dân hiểu rõ từng ngóc ngách những sự kiện xung quanh một trong những vụ ám sát gây chấn động nhất trong lịch sử thế giới.

Đây là những tài liệu từng thuộc loại tuyệt mật hoặc những ghi chép đã được soạn thảo trước đây liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Đa số các ghi chép liên quan (khoảng 88%) đã được công bố từ cuối những năm 1990 và kể từ đó đến nay có thêm khoảng 11% tài liệu nữa được công bố. Việc công bố những tài liệu lớn đợt cuối cùng này diễn ra theo một điều luật năm 1992 của Mỹ yêu cầu chính phủ phải công khai tất cả những tài liệu còn lại liên quan thảm kịch năm 1963.

Dù vậy, trước áp lực của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI), viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia, Tổng thống Trump cũng đã phải quyết định giữ lại hàng ngàn tài liệu khác để chờ thêm 6 tháng đánh giá nữa của các cơ quan hữu trách trước khi có quyết định tiếp theo về việc công bố tiếp hay không. Sau khi đánh giá thêm lần chót đó, những tài liệu được chứng minh không cần phải giữ bí mật sẽ được công bố tiếp vào ngày 26-4-2018.

Mặc dù chưa thực sự trọn vẹn, nhưng các tài liệu được công bố cũng đã là một kho thông tin khổng lồ và quan trọng dành cho các nhà điều tra, các sử gia và cả những người theo thuyết âm mưu vốn đã dành hơn 50 năm qua để truy lùng các bằng chứng, cứ liệu về những điều đã thực sự xảy ra trong ngày định mệnh năm 1963 tại thành phố Dallas.


Tay súng Lee Harvey Oswald (giữa), bị buộc tội ám sát Tổng thống Kennedy, bị chủ một câu lạc bộ đêm bắn chết tại trụ sở cảnh sát Dallas 2 ngày sau đó. Ảnh: AP

Tay súng Lee Harvey Oswald (giữa), bị buộc tội ám sát Tổng thống Kennedy, bị chủ một câu lạc bộ đêm bắn chết tại trụ sở cảnh sát Dallas 2 ngày sau đó. Ảnh: AP

Khoảnh khắc định mệnh

Vào trưa ngày 22-11-1963, khi đang ngồi trên ô-tô cùng vợ đi quanh thành phố Dallas, Tổng thống Kennedy đã bị sát hại. Ông bị bắn vào lưng và đầu. Đoạn băng ghi hình cho thấy, cảnh đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy hốt hoảng bò ra phía sau xe khi thấy chồng bị bắn. Thống đốc bang Texas John Connally ngồi trước tổng thống chỉ bị thương và sĩ quan cảnh sát JD Tippit cũng đã bị bắn chết sau đó.

Kẻ tấn công được xác định là cựu lính thủy đánh bộ Lee Harvey Oswald. Y đã nã súng vào đầu ông Kennedy. Tuy nhiên, các tài liệu mật về vụ ám sát Tổng thống Kennedy thu hút nhiều tin đồn rằng, tay súng Oswald không phải là người duy nhất liên quan đến vụ tấn công. Nhà chức trách kết luận Oswald hành động đơn độc, nhưng trước khi chính quyền có thể thẩm vấn đầy đủ, tên này đã bị Jack Ruby, chủ một câu lạc bộ địa phương bắn chết tại trụ sở cảnh sát Dallas 2 ngày sau đó.

Trong hồ sơ mật của cả CIA và FBI, tờ USA Today cho biết, 25 phút trước khi vụ ám sát xảy một tờ báo ở Anh nhận được thông tin về “sự kiện lớn”. Theo đó, tờ báo Cambridge News của nước này đã nhận được cuộc điện thoại bí ẩn chỉ 25 phút trước khi xảy ra vụ ám sát. Nhà báo giấu tên nhận điện thoại cho biết, người gọi đã hối thúc “hãy gọi điện cho Đại sứ quán Mỹ ở London vì sắp có sự kiện lớn xảy ra”. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, “sự kiện lớn” này không phải là vụ ám sát ông Kennedy mà là vụ việc của bác sĩ Ward, vốn được đánh giá là bê bối chính trị lớn thời bấy giờ.

Cuộc điện thoại đe dọa đáng ngờ

Theo các tài liệu mới được công bố, FBI có nhận được một cuộc gọi đe dọa giết Oswald một ngày trước khi y bị bắn chết.

Một tài liệu ghi ngày 24-11-1963, cho thấy, Giám đốc FBI J. Edgar Hoover nói về cái chết của Oswald trong tay của Jack Ruby. Hoover cho biết, văn phòng FBI tại Dallas đã nhận được cú điện thoại “từ một người đàn ông nói chuyện với giọng bình thản”, rằng y là thành viên của một ủy ban có nhiệm vụ giết Oswald. Ông Hoover cho biết, sau khi nhận được đe dọa, cảnh sát được tăng cường để bảo vệ Oswald, nhưng Ruby vẫn có thể giết được y. “Ruby nói rằng không ai có liên hệ với anh ta và phủ nhận việc đã gọi điện thoại đến văn phòng FBI tại Dallas đêm qua”, Hoover cho biết.

Ông Hoover còn cho biết, FBI có bằng chứng về tội lỗi của Oswald. Trong tài liệu, Ông Hoover cho biết, Tổng thống Lyndon Johnson sẽ chỉ định một ủy ban để điều tra vụ ám sát. Một điện tín gửi tới FBI năm 1967 dẫn lời một người đàn ông cho biết, Oswald là một tay súng cừ. Trong tài liệu này, cựu nhân viên tình báo Cuba cho biết: “Ồ, anh ta khá giỏi”. Khi được hỏi tại sao nói thế, người này nói: “Tôi biết anh ta”.

Quá nhiều thuyết âm mưu

Hơn 50 năm qua, đã có rất nhiều giả thuyết xung quanh vụ ám sát này khi sự thật về vụ việc này dường như vẫn bị một màn sương mờ bao phủ. Nhưng chỉ có 5 thuyết âm mưu được nói đến nhiều nhất để có thể trả lời câu hỏi, ai là hung thủ thực sự?

Đã có những nghi ngờ rằng, chính phủ Mỹ đang che giấu những điều họ biết về vụ ám sát. Các thuyết âm mưu bắt đầu lưu truyền về việc CIA có tham gia vụ ám sát này. Nhiều người tin rằng, một mình Oswald không thể thể hạ sát Tổng thống Kennedy mà không có tổ chức đứng sau. Những người nói về giả thuyết này cho rằng, cái chết của Tổng thống Kennedy liên quan đến những quyết định của ông trong sự kiện Vịnh Con Lợn – vụ khủng hoảng giữa Mỹ với Cuba và Liên Xô. Năm 1961, chính quyền Tổng thống Kennedy đồng ý kế hoạch của CIA cũng như giúp đỡ những người Cuba sống lưu vong trong việc lật đổ Chủ tịch Fidel Castro. Tuy nhiên, đến phút cuối, ông Kennedy lại rút lực lượng yểm trợ về và từ chối giúp đỡ khiến nhiệm vụ của CIA ở Cuba thất bại.

Tuy nhiên, giả thuyết được nhiều người nói đến nhất là có tay súng thứ hai trong vụ này. Dù Ủy ban Điều tra Warren đã kết luận, thủ phạm vụ ám sát là Lee Harvey Oswald và y chỉ hành động một mình. Các nhà lý luận về âm mưu này cho rằng, có một tay súng khác ngồi trong góc nào đó ngắm bắn ra khu vực quảng trường - với tần số bắn và góc nhìn nhắm vào ông Kennedy và Thống đốc Texas John Connally. Và còn có giả thiết khác được nói đến là chiếc dù có phi tiêu tẩm độc. Theo kế hoạch này, một người đàn ông đã bắn một phi tiêu có độc từ một chiếc dù màu đen nhằm vào ông Kennedy trước khi Oswald bắn một phát súng định mệnh. Tuy nhiên, nhiều người bác bỏ giả thiết này.

Nhưng còn có một thuyết âm mưu nổi tiếng khác lý giải cái chết bí ẩn của Tổng thống Kennedy là vai trò liên quan của Phó Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson. Ông Johnson trở thành tổng thống kế nhiệm sau khi Tổng thống Kennedy qua đời. Những người tin vào thuyết âm mưu này cho rằng, ông Johnson lên kế hoạch ám sát Tổng thống Kennedy để lên nắm quyền vì lo sợ bị cách chức. Giả thiết này càng được củng cố khi trong một cuốn hồi ký, thư ký riêng của Tổng thống Kennedy, Evelyn Lincoln tiết lộ ông chủ Nhà Trắng được lòng dân này từng đề cập đến việc thay thế vị trí Phó Tổng thống Mỹ của ông Johnson.

Và thuyết âm mưu cuối cùng được nhắc đến nhiều nhất là bàn tay của mafia. Tổ chức tội phạm này có nhiều động cơ để ám sát ông Kennedy sau khi chúng bị tấn công mạnh mẽ trong chiến dịch càn quét mafia của anh trai Tổng thống Kennedy là Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Robert Kennedy. Ông Robert Kennedy sau đó cũng bị ám sát vào năm 1968. Thuyết âm mưu này cho rằng, mafia ám sát ông Kennedy và cả ông Robert Kennedy để trả thù dòng họ nổi tiếng này.

“Tôi không có sự lựa chọn nào khác vì phải tính đến những nguy hại cho an ninh quốc gia. Để giải quyết những quan ngại trên, tôi cũng ra lệnh cho các cơ quan có liên quan xem xét lại từng bản ghi chép trong vòng 180 ngày tới” ,Tổng thống Donald Trump nói về quyết định chưa công bố hàng ngàn tài liệu mật khác về vụ ám sát ông Kennedy.

Theo Khả Anh - An Bình

Công an Đà Nẵng

Trở lên trên