Cô giáo Hà Nội gây tranh cãi vì nêu ý kiến "một kiểu học sinh không nên vào trường chuyên", nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm
Quan điểm của cô giáo ở Hà Nội nhận về nhiều tranh luận.
- 02-12-2023Cô giáo mầm non khoe suất cơm của học trò xịn như ăn buffet, netizen cảm thán: Ước gì sinh ra muộn hơn!
- 02-12-2023Cô giáo gửi ảnh học sinh, mẹ xem xong thấy hối hận: Trẻ đi học mầm non thực sự không nên mặc 3 loại quần áo này
- 01-12-2023Cậu bé tiểu học làm bài toán tính giá tiền, viết 1 câu mà cô giáo cười nắc nẻ: Lớp có 10 em như này khéo bỏ nghề!
Nhắc đến chuyện trường chuyên lớp chọn, từ trước đến nay luôn tồn tại song song 2 quan điểm trái chiều. Một số phụ huynh cho rằng, đối với học sinh trường chuyên cả việc học và luyện thi đều quá áp lực, học như "gà công nghiệp", học lệch, tạo ra "gà chọi" đi thi.
Tuy nhiên ý kiến khác lại nhận định: Hạt giống tốt nhưng nếu không được gieo vào mảnh đất tốt thì cũng chưa chắc phát triển. Nhiều phụ huynh vẫn bằng mọi giá muốn con thi đỗ với hy vọng con được học thầy cô giỏi, bạn giỏi. Từ đó, đường tương lai cũng rộng mở hơn nhiều.
Nói về vấn đề này, một cô giáo ở Hà Nội mới đây cho rằng: Đỗ vào trường chuyên là kết quả của 2 yếu tố: Tố chất + nỗ lực. Tố chất là bẩm sinh, nên các gia đình đầu tư vào phần nỗ lực. Bố mẹ nỗ lực tìm thầy cô giỏi, đưa đón. Con nỗ lực làm bài tập, luyện đề.
Nếu con đỗ được vào chuyên, con cũng cần hòa tan được vào mọi hoạt động cũng như kiến thức của lớp cũng như tốc độ giảng bài của thầy cô. Mà những bạn có tố chất tốt rồi thì không khó để học theo được cách giảng dạy này. Chú trọng kiến thức sâu rộng và nâng cao, hầu hết những kiến thức cơ bản hoặc trên cơ bản một chút sẽ phải tự học.
Còn một học sinh có tố chất trung bình, do cày cuốc ôn thi luyện kỹ lưỡng mà đỗ trường chuyên, khi phải học cùng với các bạn thông minh học 1 hiểu 10, giáo viên dạy nhanh, yêu cầu cao thì chắc chắn chuỗi ngày cố gắng của con sẽ hơn những bạn khác. Con vẫn tiếp tục phải học thêm, dành nhiều thời gian để giải quyết hết bài tập.
Ai cũng nghĩ vào chuyên, con sẽ được học thầy cô giáo giỏi, sẽ có phong trào, sẽ học tập được từ bạn giỏi. Nhưng liệu con có hiểu hết nổi kiến thức được truyền thụ nếu thầy cô dạy một cách chóng vánh như đã nói ở trên?
Và liệu con có thể ngẩng cao đầu với bạn khi bạn mất 10 phút giải được bài khó mà con mất tận 1 tiếng? Trong 1 môi trường các con ganh đua nhau quyết liệt, khi bạn giỏi luôn đứng đầu, con phải cố gắng gấp đôi bạn mà vẫn đứng cuối, thì tuổi thơ của con sẽ là 1 chuỗi ngày chỉ có học và học, ám ảnh bài tập, mặc cảm yếu kém. Và tất nhiên, sẽ không còn thời gian để rèn luyện các kỹ năng cần thiết khác cho cuộc sống.
Nếu con phải học 1 ngày 8, 9 tiếng, không còn thời gian tập thể thao hay giải trí, thì có nghĩa là con không thích hợp với trường chuyên lớp chọn. Thay vào đó, hãy cho con rèn luyện những gì con mạnh nhất. Con học chưa giỏi, không có nghĩa là con sẽ kém. Đường dài mới biết ngựa hay, các trường chuyên chỉ là 1 trong số rất nhiều con đường dẫn đến thành công.
Những ý kiến trái chiều
Quan điểm của cô giáo nói trên nhận về nhiều ý kiến tranh luận, trong đó, hầu hết là sự đồng tình. Nhiều phụ huynh cho rằng, bản thân họ cũng từng có thời gian áp lực với mục tiêu bắt con vào bằng được trường chuyên, trường chất lượng cao (CLC).
Nhưng sau cùng họ nhận ra là không hẳn cứ phải nhất nhất đỗ bằng mọi giá. Con cần được hạnh phúc, hứng thú với những gì con đang đi trên đường đời này bởi mỗi đứa trẻ đều có khả năng tiềm ẩn với năng lực riêng. Những người mẹ cần nhìn thấu được những điều đó thì chúng ta cũng mới được trọn vẹn hạnh phúc trên hành trình nuôi dạy con. Hơn hết, nếu đã giỏi và nỗ lực thì dù không học trường chuyên hay CLC con vẫn có thể tỏa sáng. Hiện có nhiều con đường để con thực hiện ước mơ của mình.
"Trường nào chẳng có gifted pupils (học sinh giỏi/tài năng/ có tố chất đặc biệt), bây giờ những gương mặt tài năng không còn là độc quyền của các trường chuyên nữa rồi. Hơn nữa, cùng với việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, thì trường chuyên - dù là trường chuyên danh tiếng nhất - cũng đã có "đối thủ" khét lẹt, là các học sinh thuộc diện "giftef pupils" nhưng không có ý định theo chuyên chọn hay CLC, mà chọn hẳn IB hay A-level, hoặc combo SAT & IELTS, hoặc du học với học bổng từ cấp 3, v.v...
Với những bằng cấp chứng chỉ quốc tế ấy, các cháu mở con đường vào thẳng đại học top mà không cần qua cánh cửa chuyên chọn hay CLC nữa. Kể cả đại học bây giờ cũng mới chỉ là bước đầu tiên chứ chưa phải là chặng cuối, vì các con vẫn phải tiếp tục học lên cao nữa, thạc sĩ hoặc Tiến sĩ. Thật sự, đó là 1 đường đua marathon, rất khác với lộ trình và kết quả đúc rút từ thế hệ 7x 8x. Việc "mài ngọc" của các con có thành công hay không, sẽ phụ thuộc vào chính các con chứ không phải tên tuổi ngôi trường con theo học.
Trước kia, trẻ chỉ có thể kết bạn với tệp bạn bè chung trường chung lớp. Nhưng ngày nay, tệp bạn bè của trẻ được mở rộng gần như không giới hạn. Do vậy, mình tin là trong những năm tới, sẽ ngày càng có nhiều phụ huynh hoàn toàn thoải mái với việc không đặt mục tiêu chuyên chọn hay CLC, vì đã có lộ trình riêng cho con. Như vậy cũng rất tốt cho sự phát triển của trẻ và cũng giảm áp lực thi thố cạnh tranh" , một phụ huynh nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, ý kiến ngược lại thì cho rằng, nhìn chung đã đỗ trường chuyên thì nỗ lực hay tố chất thì con đều sẽ học được tại môi trường đó.
Từng là học sinh trường chuyên, đồng thời có con gái năm nay vừa thi đỗ 3 trường CLC (THCS Ngoại ngữ, THCS Cầu Giấy, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành), chị Hoài Anh (Hà Nội) cho rằng: Áp lực hay không áp lực của việc học ở trường chuyên đều từ chính bản thân của mỗi người chứ không phải đến từ môi trường phần lớn là elite (học sinh ưu tú) trong học hành như trường chuyên.
"Tầng lớp elite" - thành phần mà giải bài 10 phút là xong ấy thường chúng chẳng nhớ ra và cũng chẳng có thời gian để nghĩ ngợi hay cảm thấy mình thật sự bỏ xa đứa bạn giải bài 1 tiếng mới xong. Bởi vì chúng nó quá bận khám phá thế giới xung quanh hay "thực hành" trí thông minh trời ban theo những cách rất riêng rồi.
Vậy nên việc cảm thấy mình thua kém hay áp lực phải vươn lên bằng "tầng lớp" này hoàn toàn đến từ bản thân học sinh và cha mẹ học sinh thôi. Mà cái gì đến từ chính mình về cơ bản đều có thể điều chỉnh để tự mình thấy vui vẻ với cuộc đời. Thêm nữa trường chuyên, bạn có thể giỏi thể thao, hát, chơi nhạc cụ, thuyết trình, vẽ... tóm lại bạn giỏi cái gì cũng đều được ghi nhận chứ không hẳn là phải 9.0 10.0 Toán Lý Hoá Sinh Anh thì mới được xem là giỏi.
Bạn bè và thầy cô ở trường chuyên thì là một điều may mắn nếu ai có được - kiểu như người giỏi và những người từng dạy dỗ người giỏi ấy, họ luôn có những suy nghĩ tiến bộ, tư duy vấn đề mạch lạc, ý kiến đóng góp tích cực, giải quyết vấn đề nhanh gọn, hiểu mình, hiểu chuyện và hiểu đời. Cái này càng trưởng thành, càng về già mới càng thấy đáng quý vô cùng vì xung quanh mình đều là những con người dễ chịu, đáng mến.
Vậy nên, đỗ trường chuyên bằng tố chất trời ban hay chút tố chất + vô vàn nỗ lực thì hãy để con được trải nghiệm trường chuyên, được "gặp gỡ" những điều mà trường không chuyên không có. Tất nhiên, kết luận này của mình hoàn toàn là trải nghiệm cá nhân và nó không đúng tuyệt đối với toàn bộ học sinh chuyên" , chị Hoài Anh nói.
Một phụ huynh khác cũng cho rằng, nếu con đỗ trường chuyên bằng phần ít tố chất hơn và phần nhiều nỗ lực hơn cũng không sao. Hãy cho con trải nghiệm điều đó bằng sự nỗ lực nhiều hơn nữa.
Không nhất thiết phải ganh đua top đầu, nếu con khẳng định giá trị bản thân không phải bằng xếp hạng về kiến thức mà bằng 1 năng lực vượt trội nào đó (có thể là 1 môn học phụ, 1 môn nghệ thuật hay đơn giản con được đánh giá tốt bụng, hòa nhã chan hòa với bạn bè) cũng tốt. Tất cả những đứa trẻ có kiến thức và sự ngoan ngoan rồi đều sẽ là những đứa trẻ hạnh phúc và thành công.
Một điểm nữa là: Môi trường học tập, thầy cô và bạn bè là cái vô cùng giá trị, là tài sản vô hình cho tương lai của các con.
"Thà làm con cá nhỏ trong biển lớn, còn hơn làm con cá lớn trong cái bể nhỏ"
Nói về vấn đề này, nhà văn Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả của cuốn sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" chia sẻ:
Kinh nghiệm cho thấy, khi các con được gia đình định hướng thi chuyên sẽ tập trung ôn luyện từ rất sớm. Cá biệt như tôi biết, nhiều con học lớp 7 đã cày xong toàn bộ chương trình Toán lớp 9 dạng cơ bản để chuyển sang đề nâng cao. Việc các con đỗ chuyên có nhiều yếu tố, có con ba môn điều kiện không cao, bù lại môn chuyên cao nên đỗ. Ngược lại có con điểm 3 môn điều kiện gánh giúp môn chuyên nên trúng tuyển.
Tuy nhiên khi vào lớp chuyên, lực học sẽ có sự phân hoá, con học nhàn, con học vất vả. Thực tế đã chứng minh, nếu con vượt qua học kì 1 của năm lớp 10, những kì học tiếp theo sẽ bớt áp lực hơn rất nhiều. Khi con đã học trường chuyên, môi trường này sẽ giúp con rất nhiều và mở ra một chân trời mới.
Tỉ lệ học sinh đuối so với hơn ba mươi bạn còn lại trong lớp không nhiều. Thậm chí các con chỉ yếu về một môn nào đó nên học tăng cường là điều dễ hiểu. Nếu nói do học kém phải cày cuốc ngày đêm không chính xác, nhiều con học giỏi nhưng cường độ học thêm còn nhiều hơn. Tất cả phải là sự quyết định và lựa chọn của con.
"Việc khuyên con từ bỏ học trường chuyên quá sớm, sau này còn nhiều khó khăn hơn chẳng nhẽ buông xuôi. Tôi xin được trích dẫn câu nói của một cựu học sinh trường chuyên đã khuyên em gái mình "thà làm con cá nhỏ trong biển lớn, còn hơn làm con cá lớn trong cái bể nhỏ" , nhà văn Ngọc Phúc chia sẻ.
Phụ nữ mới