Cô giáo Ngữ Văn TP.HCM với những tiết học đặc biệt: Học sinh được mặc cổ phục, làm bánh trôi nước, nói "không" với trả bài
Cô Lê Hoàng Phi Yến không chỉ là "người lái đò" tâm huyết mà còn là một nhà văn tài năng.
- 27-02-2024Học sinh khóc vì làm hỏng bảng đen, cô giáo kiểm tra thì phát hiện sự thật "3 phần cười, 7 phần ngượng"
- 26-02-2024Cô giáo hỏi "bố em làm nghề gì", bé gái hồn nhiên đáp 1 câu mà cô hốt hoảng, vội gọi phụ huynh truy vấn!
- 23-02-2024Viết 1 câu về chuyện "phong bì", cô giáo ở TP.HCM nhận về bão tranh luận: Đi dạy cứ để ý chuyện "bồi dưỡng" làm gì?
Thấy cô giáo đi dạy thường hay mặc áo dài, nhiều học sinh tò mò hỏi han, tuy nhiên, rất nhiều em nhầm lần giữa áo Nhật Bình và áo Giao Lĩnh là trang phục của Trung Quốc. Đó là lý do cô Lê Hoàng Phi Yến (sinh năm 1987) giáo viên trường THCS Kiến Thiết, quận 3, TP.HCM tổ chức một tiết học ngoại khóa về cổ phục Việt mang tên "Ngàn năm gấm lụa".
"Học Văn không chỉ đọc văn bản không mà nó còn bao gồm rất nhiều thể loại. Cho nên, mình muốn làm dự án này để khơi gợi tinh thần dân tộc và lòng yêu nước, tự hào về văn hóa truyền thống của nước mình. Từ đó, các bạn biết trang phục của mình có tiến trình hình thành như vậy, có rất nhiều hoa văn, màu sắc rất đẹp" , cô Yến chia sẻ.
"Học Văn không chỉ đọc văn bản" cũng chính là quan niệm xuyên suốt mà cô giáo trẻ này luôn tâm niệm trong 13 năm làm giáo viên. Không đóng khung trong những giờ học khô khan cô nói, trò nghe, trả bài, kiểm tra và lấy điểm, mỗi tiết học của cô Phi Yến là một buổi khám phá tác phẩm văn học thực sự thông qua các hoạt động "học gì làm nấy".
Học sinh được thực hành, "sờ", "nếm" bài học theo đúng nghĩa đen để thẩm thấu bài tác phẩm một cách trực quan, sinh động. Khi sự tò mò được giải đáp, các em vỡ ra nhiều điều và ghi nhớ bài học rất lâu.
Cô Lê Hoàng Phi Yến không chỉ là "người lái đò" tâm huyết mà còn là một nhà văn tài năng với những tác phẩm "Chúng ta có hẹn với bình yên", "Đến cuối cùng ai cũng cần một người thương"... Cô còn là diễn viên lồng tiếng, thường xuyên đảm nhận vai trò MC cho nhiều sự kiện.
Nguồn năng lượng tích cực, tươi trẻ cùng kỹ năng chuyên môn vững vàng, nhiều sáng tạo của cô giáo 8x được ghi nhận bằng hàng loạt giải thưởng lớn như: Giáo viên (GV) giỏi cấp Thành phố; Thiết kế giáo án dạy học theo định hướng stem cấp TP (2 năm liền); GV hướng dẫn học sinh đạt giải nghiên cứu Khoa học kĩ thuật cấp TP (2 năm liền); GV hướng dẫn HS đạt giải I cấp TP cuộc thi Lớn lên cùng sách; GV hướng dẫn HS đạt giải cấp Quận – cấp TP Hội thi Văn hay chữ tốt; GV tài năng quận 3; GV trẻ tiêu biểu quận 3...
Từng áp dụng "kỷ luật sắt" khiến học sinh chán học
Trước khi thu được nhiều "quả ngọt" như hiện tại, cô Phi Yến cho biết, mình cũng từng vấp phải hướng tiếp cận học sinh sai lầm. Thời gian đầu mới chập chững vào nghề, cô giáo từng cho rằng mục tiêu lớn nhất là đạt được thật nhiều giải thưởng, củng cố tên tuổi của mình.
Để đạt được mục tiêu này, cô Yến đã áp dụng "kỷ luật sắt" với học sinh, cho làm bài nhiều, bắt học Văn theo ý mình để thi điểm cao, luôn "đóng" bộ mặt khó chịu để các em sợ mà học chăm chỉ. Cô cũng luôn cho là mình đúng, học sinh còn nhỏ nên cái gì cũng đầy sai sót...
"Mình đã đạt được nhiều danh hiệu trong giai đoạn này nhưng không vui vẻ, học sinh vẫn nói sau lưng cô giáo là chán học văn, không thích cô ... Điều này khiến khoảng cách của cô và trò ngày càng lớn. Mình dần mất hứng thú với việc giảng dạy, không còn thích sáng tạo hay nhận ra niềm vui trong công việc", cô Yến nói.
Thế nhưng cũng chính những học sinh đã thay đổi cô giáo mình.
Cô Yến nhận định, những đứa trẻ hơn người lớn chúng ta ở chỗ tình yêu của chúng rất giản đơn và vô cùng to lớn. Bạn chỉ cười với chúng một cái, khen một câu, xoa đầu trìu mến là chúng đã ghi nhớ và yêu quý bạn, sẵn sàng bao bọc bạn.
Dù cô giáo khó chịu như vậy nhưng không ít bạn nhỏ đã dần thuyết phục cô thay đổi, bằng những bức thư ngắn hỏi thăm khi cô ốm, dặn cô "đừng nhăn nhó, mau già lắm cô ơi"; là bánh kẹo, sữa, nước ngọt để trên bàn cho cô ăn; là tiếng gọi "Má" thay vì "cô"; là những cái ôm mà ban đầu cô cố khước từ vì... sợ mất uy, sau đó thì ngày càng trân trọng.
"Có một cô bé từng được mình luyện thi học sinh giỏi và đạt giải. Thực sự mình ra sức bồi dưỡng là cho chính mình, nhưng cô bé lại biết ơn vô cùng, năm nào cũng về thăm, cảm ơn, trước khi đi du học cũng hỏi ý cô, chào cô và không ngừng cảm ơn. Điều đó khiến mình thấy hổ thẹn. Và nghĩ mình phải thay đổi để xứng đáng với những tình yêu to lớn đó", cô giáo chia sẻ.
Khi học cách lắng nghe và chia sẻ cảm xúc với học sinh, cô Yến càng thấy công việc của mình ý nghĩa hơn, vui hơn, hạnh phúc hơn nhiều. Cô coi học sinh cũng là thầy của mình.
Những hoạt động nào "ngoài giáo án" giúp học sinh thêm yêu môn Văn
Quan niệm về dạy Văn thay đổi, cô Yến cũng bắt đầu đổi mới cách tiếp cận môn học này. Đó là phải làm sao để trẻ cảm nhận được "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Các em học và hiểu bài tại lớp, làm bài tập tại lớp, không giao bài tập về nhà, kết hợp vừa học vừa chơi, chủ yếu học tập qua hình thức trải nghiệm.
Một lần, khi học bài "Bánh trôi nước", học sinh của cô Yến được tự tay làm bánh trôi trong tiết học, từ nhồi bột, nặn bánh, luộc bánh, bày biện và ăn tại chỗ. Hiểu được quy trình, các em cũng hiểu được câu thơ đó như thế nào và học thuộc bài luôn tại lớp.
Ngoài các văn bản trong sách giáo khoa, cô Yến dành nhiều thời gian sưu tầm các mẩu chuyện hay bên ngoài cho học sinh đọc, phát biểu cảm nhận, rèn luyện kĩ năng nhận biết, thuyết trình, đánh giá của các em. Cô không trả bài vào đầu mỗi buổi học. Việc kiểm tra bài có thể qua một trò chơi, hoặc trong quá trình dạy bài mới, cô sẽ liên hệ bài cũ để kiểm tra kiến thức của học sinh.
Nhiều phương pháp đa dạng đã được cô giáo kết hợp trong các tiết dạy: Hoạt động trải nghiệm: Làm bánh trôi nước; làm hướng dẫn viên du lịch thuyết minh về danh lam thắng cảnh, văn hoá lịch sử nước nhà; tái chế sản phẩm nhựa, nilon; làm gạch sinh thái; thực hành văn thuyết minh bằng cách trình diễn thời trang áo dài... Trưng bày phòng tranh; Mở rộng không gian lớp học: học sinh học dưới sân trường, học sinh đi cùng cô thăm các cụ già neo đơn vào cuối tuần rồi về viết cảm nhận...
Với phương pháp dạy học như hiện tại, học sinh không còn quá bó buộc trong việc học văn mẫu. Giáo viên cũng đã cho các con thoả sức sáng tạo trong ngòi bút của mình, chỉ làm người định hướng. Điều quan trọng là người thầy người cô khai thông được cho học sinh đam mê, sở thích với môn Văn, khiến các con nhận ra tầm quan trọng thiết thực của môn học này, từ đó các con sẽ tự tìm tòi học hỏi, rèn luyện kĩ năng viết lách.
Cô Yến cho biết, mình không lo lắng việc ảnh hưởng đến điểm số, chỉ sợ các con sẽ chán học, học đối phó, vì vậy mỗi ngày đều cố gắng thay đổi giáo án, cách dạy để "dụ dỗ" học sinh đến với môn học này.
Những năm gần đây, việc học Văn của các em đã có sự chuyển biến đáng mừng
Cô Yến cho biết, trước đây học sinh rất ngại học Văn, học cho có, học vẹt nhưng những năm gần đây, các em đã dần có sự thay đổi. Các em chịu lắng nghe, chịu nói lên suy nghĩ, cảm nhận cá nhân của mình, tuy vẫn còn ngô nghê nhưng đó đã là tín hiệu đáng mừng. Nó cho thấy thế hệ sau sẽ tiếp cận môn Văn một cách chủ động, sáng tạo hơn anh chị đi trước.
Tuy nhiên cô giáo cũng nhận định, với công nghệ ngày càng phát triển, phần lớn các em rất ít đọc sách, điều này dẫn đến vốn từ của các em hạn hẹp, diễn đạt không trôi chảy. Số lượng sách xuất bản quá nhiều và đa dạng thể loại trong một năm cũng gây khó khăn trong việc chọn sách cho học sinh đọc. Vì vậy rất cần giáo viên định hướng, giúp các em rèn luyện việc đọc sách, từ đó giỏi Văn, yêu Văn hơn.
Theo cô Yến, muốn học tốt môn Văn, có 2 cách cơ bản nhất phải thực hiện, đó là đọc nhiều và viết nhiều. Đọc để nuôi dưỡng vốn từ vựng phong phú, biết cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích, đúng ngữ pháp, học cái hay cái đẹp trong sách. Viết để rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện, trình bày suy nghĩ cá nhân. Việc đọc và viết cần làm trong thời gian dài, cặm cụi như kiến tha mồi về tổ, không thể nóng vội. Từ từ "mưa dầm thấm lâu", kĩ năng viết sẽ được nâng cao.
Ngoài việc tiếp tục trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, được biết, dự định sắp tới của cô Phi Yến vẫn là viết lách những câu chuyện đời thường, tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hoá để viết lại những câu chuyện sử theo một huớng mới, dễ tiếp cận hơn đối với các bạn trẻ. Tình yêu Sử này cô giáo được tiếp nhận từ thầy Đạt Phi – người tạo nên kênh Hùng ca sử Việt. Cô hy vọng có thể cùng thầy đem sử Việt đến gần hơn với các bạn trẻ.
Phụ nữ mới