MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viết 1 câu về chuyện "phong bì", cô giáo ở TP.HCM nhận về bão tranh luận: Đi dạy cứ để ý chuyện "bồi dưỡng" làm gì?

23-02-2024 - 09:19 AM | Sống

Chia sẻ của cô giáo này khiến dư luận chia thành hai luồng tranh luận.

Khi có con đi học mầm non, không ít phụ huynh “bồi dưỡng” hàng tháng cho giáo viên hoặc thỉnh thoảng tặng "phong bì". Với nhiều người, mục đích đôi khi không phải muốn thầy cô giáo biệt đãi con, mà đơn giản là một cách thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã chăm sóc, dạy dỗ các con.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, văn hóa phong bì sẽ dẫn tới những sự phân biệt đối xử giữa trẻ có cha mẹ tặng hay không tặng. Nghề giáo, một khi đã nhuộm màu vật chất thì khó lòng cao quý. Đó cũng là lý do rất nhiều trường quy định "nói không" với quà tặng và phong bì. Đứng ở cương vị của giáo viên, quy định này cũng gây ra những tranh luận trái chiều.

Mới đây, một cô giáo ở TP.HCM thắc mắc về vấn đề này trong một hội nhóm dành cho giáo viên. Cô hỏi: "Các đồng nghiệp nghĩ sao về việc chủ trường cấm giáo viên nhận quà của phụ huynh".

Viết 1 câu về chuyện

Ảnh minh họa

Câu hỏi của giáo viên này nhận về hàng trăm câu trả lời với nhiều ý kiến khác nhau. Người ủng hộ thì cho rằng, với chủ trương văn minh như vậy, phụ huynh và học sinh không phải suy nghĩ và lo lắng đến việc tặng quà. Đồng thời, cũng sẽ bớt tạo ra sự đối xử công bằng với tất cả các em học sinh.

Nhiều phụ huynh cho biết, cách đây hơn chục năm, các món quà tặng thầy cô của lứa mình chỉ là một đóa hoa hồng, thêm một tấm thiệp vào đó. Họ vẫn thấy các thầy cô vẫn rất vui vẻ và rạng rỡ, đặc biệt chẳng có sự phân biệt gì trong lớp. "Nhiều người nói ai cũng phải sống, giáo viên cũng vậy, tiền để sống, gia đình để lo. Nhưng vài triệu đồng có làm họ giàu lên hay không? Chúng ta đang tri ân hay định lượng giá trị của giáo viên. Con giáo viên, đã chọn nghề này thì biết mức lương, cứ để ý chuyện "bồi dưỡng" làm gì?", một phụ huynh nêu ý kiến.

Những người này cho rằng, dạy 1 đứa trẻ như trang giấy trắng, các cô khắc lên những điều gì các bạn nhỏ ghi nhận những điều đó, đừng để đồng tiền làm thay đổi chính mình. Bởi lẽ vài trăm ngàn đồng hay 1 triệu đồng không là bao nhiêu so với tình cảm và kiến thức các cô đã dạy dỗ, chăm sóc cho các bé. Đấy là chưa nói đến việc rất nhiều phụ huynh coi quà cáp cho các cô là nghĩa vụ, là gánh nặng, tặng quà vì sợ con bị đì bị ghét... chứ không phải ai cũng "tỏ lòng kính trọng" hay "ghi nhận công sức".

Nếu nhà trường đã đề ra ý kiến không cho nhận bồi dưỡng mà không trả lương thỏa đáng mình có thể xin việc chỗ khác vì lương không đủ trang trải chi tiêu. Về nguyên tắc thì nhà trường phải có trách nhiệm trả mức lương đúng với năng lực và cống hiến của các cô. Đó cũng là phần vật chất các cô xứng đáng nhận được theo đánh giá của chủ trường.

"Khi có quy định không được nhận tiền thì các cô không có cơ hội để phân biệt đối xử với trẻ nhằm lấy lòng phụ huynh hoặc gây sức ép cho phụ huynh. Mình không nói tất cả các cô giáo đều xấu, nhưng chắc chắn là sẽ có hiện tượng này, nhất là khi đồng lương của giáo viên chưa bao giờ là cao trong xã hội cả. Do đó việc ngăn chặn "cơ hội" để làm việc này ngay từ đầu là tốt hơn cả", một người nói.

Về việc không nhận tiền bồi dưỡng từ phụ huynh, nhưng các cô vẫn được nhận tình cảm từ cha mẹ học sinh qua những phần trái cây, nước uống, quà từ quê nhà.... thì không sao.

Luồng ý kiến ngược lại nhận định, lương giáo viên mầm non còn thấp, phụ huynh có cho thêm tiền hàng tháng cũng là một cách thể hiện lòng biết ơn sự chăm sóc của các cô với con mình. Khi nào lương của giáo viên mầm non đủ để sống, lúc đó hãy nói đến chuyện từ chối nhận phong bì. Tiền thực chất là một món quà đơn giản, dễ lựa chọn (bao nhiêu thì tuỳ khả năng của từng nhà, không có chẳng sao) và dễ dùng. Phong bì không xấu, nó chỉ xấu khi phụ huynh phải đưa dù không muốn vì các lý do tiêu cực.

"Chủ trường nào tào lao quy định điều đó, pháp luật nào quy định. Vấn đề phụ huynh bồi dưỡng là tùy lòng hảo tâm, kể cả phụ huynh không cho cũng ko ai bắt phải có. Chẳng qua những phụ huynh bồi dưỡng cô là vì con họ biếng ăn, khó chịu, lười uống sữa, chậm tăng cân, gầy gò hơn các bạn, nên họ nhờ cô để ý nhiều hơn. Phụ huynh họ cũng tế nhị, cấm thì họ nhắn tin riêng chuyển khoản cho cô. Đáng lí chủ trường thấy phụ huynh quan tâm đến cô như thế thì nên mừng chứ không phải cấm", một người nêu ý kiến.

Bạn nghĩ sao về những quan điểm trái chiều này? Theo bạn, có nên cấm các cô nhận tiền "bồi dưỡng" từ phụ huynh không?

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ mới

Trở lên trên