MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cô giáo ở TPHCM nêu ra 3 quan điểm về chuyện dạy thêm học thêm, hội phụ huynh chia 2 “phe” tranh luận nảy lửa

25-11-2024 - 20:35 PM | Sống

Nhiều người đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến phản đối quan điểm này.

Chuyện dạy thêm, học thêm vẫn luôn là đề tài nhận nhiều sự quan tâm của các phụ huynh có con trong độ tuổi đi học. Nhiều người cho rằng, nếu việc học thêm dựa trên tinh thần tự nguyện, tức là phụ huynh muốn con em mình theo học để củng cố kiến thức, học sinh tìm đến thầy giáo giỏi để nâng cao năng lực chuẩn bị cho các kỳ thi cao hơn thì không có gì bàn cãi.

Tuy nhiên, thực tế là không ít đứa trẻ phải gồng mình đến lớp học thêm để cho bằng bạn bằng bè, để có cảm giác "an toàn". Bởi vẫn có tình trạng nhiều giáo viên chuyển một số nội dung đáng lẽ phải dạy trên lớp sang các giờ học thêm. Điều này dẫn đến việc những học sinh không tham gia học thêm sẽ không nắm được kiến thức đầy đủ, khi đó, lời kêu gọi học thêm dường như ngầm hiểu là không thể từ chối.

Cô giáo ở TPHCM nêu ra 3 quan điểm về chuyện dạy thêm học thêm, hội phụ huynh chia 2

Ảnh minh hoạ

Trước những tranh cãi, mới đây, một tài khoản được cho là giáo viên ở TP.HCM đã nêu ra 3 quan điểm về dạy thêm, học thêm.

Thứ nhất, theo cô, nhiều phụ huynh cho rằng con bị thầy cô trù dập nếu không đi học thêm. Tất nhiên trong ngành sẽ có một vài giáo viên như thế, nhưng không phải tất cả. Phụ huynh cần nhìn nhận khách quan và thấu đáo hơn xem con mình có thực sự học tốt chưa, rèn luyện tốt chưa. Nếu tốt rồi thì không giáo viên nào hạ thấp thành tích của con xuống. Không phải lời nói nào của con cũng đúng 100% sự thật, nên bố mẹ cũng cần tỉnh táo và tìm hiểu kĩ hơn khi nghe con trình bày.

"Nhiều phụ huynh cứ lấy kết quả của năm học trước để so sánh với năm học sau và cho rằng con bị cô "đì" là không khách quan. Càng học lên chương trình càng khó, tâm sinh lí của con thay đổi, cần xem xét nguyên nhân rồi hãy so sánh", cô giáo nói.

Thứ hai, nhiều người cho rằng thầy cô dạy "cầm chừng" trên lớp để dành cho lớp học thêm là "thực sự rất buồn cười". Nếu phụ huynh học cùng con sẽ thấy, chương trình học bây giờ khá nặng. Hơn nữa, khả năng của các con khác nhau. Cô giảng xong có bạn hiểu 100%, có bạn hiểu 80%, có bạn chỉ hiểu được khoảng 30%. Thời lượng tiết học thì chỉ có 40 phút, chỉ đủ để truyền tải hết kiến thức theo chương trình của Bộ đưa ra, chứ không có thời gian mà nói đi nói lại được nhiều lần cho những bạn còn chậm đến khi hiểu mới thôi.

Giáo viên cũng được kiểm tra đánh giá thường xuyên, dự giờ, kiểm tra vở, kiểm tra chất lượng học sinh. Trừ khi muốn mất việc, chứ không giáo viên nào dạy qua loa để kiếm cớ dạy thêm cả.

Thứ ba, có bố mẹ cho rằng, không cho con đi học thêm sợ bị cô thầy "ghim". Nhưng phụ huynh đã thực sự mở lòng nói chuyện, trao đổi với cô chưa; đã tìm hiểu về cô chưa; đã hỏi xem con mình cảm nhận thế nào về cô chưa, hay cứ tự mình ôm nỗi lo sợ và ấm ức. Nên có một cái nhìn khách quan hơn về nghề giáo, đừng vì một khía cạnh nhỏ và vì một số người không tốt mà đánh đồng là không thoả đáng.

Quan điểm của cô giáo nhận về nhiều ý kiến trái chiều.

Tranh cãi

Một số người đồng tình cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu không cho con học thêm thì đúng là không bao giờ theo kịp chương trình. Họ ủng hộ việc có giáo viên dạy kèm bởi vì không phải cha mẹ cũng có thể theo sát con, về cả thời gian và kiến thức. Đôi khi thầy cô không mở lớp dạy thêm, chính phụ huynh còn mong thầy cô hỗ trợ bởi lo con mình không nắm được bài học. Kiến thức thì như nhau nhưng rõ ràng trình độ của học sinh không phải giống nhau.

Họ cũng nhận định, việc thầy cô "đì" học sinh không đi học thêm, nếu có thì cũng chỉ là số ít. Nhiều người khẳng định con mình suốt nhiều năm không hề học thêm nhưng vẫn có thành tích tốt, được giáo viên yêu thương.

"Tôi có hai con, một đang học cấp II, một học cấp III. Mặc dù cả hai con tôi không học thêm cho đến lúc thi vào cấp 3, nhưng tôi không thấy lý do gì để cấm học thêm cả. Rất nhiều học sinh và phụ huynh có nhu cầu học thêm hoàn toàn chính đáng, và nhiều giáo viên dạy thêm thực sự chất lượng. Nếu cần cấm, chỉ nên cấm việc lợi dụng học thêm để trục lợi. Do đó, cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh mà họ trực tiếp đứng lớp là đủ", một phụ huynh nêu ý kiến.

Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến nhận định, một khi dạy thêm thì giáo viên không thể khách quan. Nếu nói 40 phút không thể truyền tải được hết chương trình Bộ Giáo dục & đào tạo đưa ra thì nên đưa ra vấn đề để Bộ xem xét điều chỉnh.

"Đã là đi học là truyền tải kiến thức. Mà 40 phút trong lớp không đủ thì 40 phút ở nhà thầy cô có đủ hay không? Vì sao dạy trong lớp thì có em hiểu 30, 40, 70, 80% còn về nhà thầy cô thì lại hiểu hết 100%?

Bản thân là giáo viên thì trách nhiệm là phải làm cho học sinh hiểu bài. Đừng lấy đó làm cớ để bắt học sinh học thêm. Nghề giáo vốn là một nghề cao quý, cao quý là ở chỗ người thầy dìu dắt học sinh mình đến với tri thức mà không phụ thuộc vào vật chất", một người chia sẻ.

Theo một số phụ huynh, nên cấm dạy thêm cá nhân, quy hoạch thành trung tâm gia sư như cách các nước khác làm là chuẩn nhất. Như vậy vừa bảo đảm tính khách quan, giáo viên có thêm thu nhập.

Để ngăn chặn việc dạy thêm biến tướng, chỉ cần cấm giáo viên dạy thêm học sinh mà họ đang trực tiếp đứng lớp. Nếu giáo viên dạy lớp A nhưng dạy thêm học sinh lớp B, chắc chắn sẽ không có chuyện trù dập hay thiên vị.

Theo Hiểu Đan

Thanh niên Việt

Trở lên trên