MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có hay không những con số 'vốn FDI ảo'?

Gần đây, có sự ý kiến cho rằng con số vốn FDI đăng ký mà Cục Đầu tư nước ngoài công bố là không cần thiết. Bởi đó là con số ảo và làm chúng ta “ảo tưởng” về một thành tích không thực tế.

Tuy nhiên, theo như phân tích của TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thì việc duy trì số vốn FDI đăng ký là hết sức cần thiết.

Theo số liệu lũy kế tới tháng 7/2016, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã lên tới trên 293 tỷ USD.

Thực tế, lâu nay, Cục Đầu tư nước ngoài ( Bộ Kế hoạch và Đầu tư ) vẫn công bố 2 số liệu liên quan đến thu hút vốn FDI. Đó là vốn đăng ký và vốn thực hiện. Tuy nhiên, khoảng cách giữa 2 nguồn vốn này quá xa nhau.

Mới đây, TS. Phan Hữu Thắng có đặt câu hỏi: 100 tỷ USD vốn FDI chưa thực hiện đang nằm ở đâu?

Vậy là con số vốn FDI chưa được thực hiện đang chiếm quá 1/3 số vốn FDI đăng ký. Trả lời báo chí, GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về Hợp tác và đầu tư nhận định, vốn FDI đăng ký chỉ là những con số ảo và “con số ảo đó vẫn được đưa vào niên giám thống kê và báo cáo kinh tế hàng năm mà thực chất chẳng có giá trị thực tế”.

Theo phân tích của ông Mại thì, câu chuyện nằm ở chỗ, dự án chưa, thậm chí là khó có khả năng triển khai, song chưa bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, nên vẫn đang nằm trong số liệu tổng hợp về thu hút FDI của cả nước. Vì thế, không nên tiếp tục gây “ảo tưởng” với số liệu thống kê “vốn đăng ký” lũy kế, vì không phù hợp với tình hình thực tế.

Vậy, thực ra chúng ta có nên duy trì con số vốn FDI đăng ký để tiếp tục “ảo tưởng” như ông Mại chia sẻ? Và thực chất con số này là gì?

Trả lời cho những câu hỏi trên, ông Phan Hữu Thắng khẳng định: Chúng ta vẫn cần duy trì vốn FDI đăng kí, ngay cả với những dự án có số vốn rất nhỏ chỉ vài trăm nghìn USD. Trước tiên là vì như vậy mới phù hợp với thông lệ quốc tế.

Sau là vì khi hoàn thành việc xây dựng, mua sắm trang thiết bị liên quan để đưa công trình, nhà máy dự án vào hoạt động ổn định, nhà đầu tư còn phải quyết toán vốn thực hiện (vốn thực tế đã giải ngân), từ đó đem so sánh với số vốn đã đăng kí xem thực tế thấp hơn, bằng hay vượt vốn đã đăng kí bao nhiêu %?

Lúc đó chúng ta sẽ có số vốn được điều chỉnh, chính thức là số vốn của dự án, lúc đó dự án sẽ không còn số vốn đăng kí nữa, ông Thắng chia sẻ.

Ông Thắng nhận định: Đúng là chúng ta cần lưu ý tổng rà soát lại tình hình triển khai thực hiện của các dự án đã được cấp phép đến thời điểm hiện nay. Để biết rõ số vốn đăng kí chưa thực hiện đang nằm ở đâu? cụ thể là các dự án nào, ở mỗi địa phương là bao nhiêu?

Tuy nhiên, nếu nói không nên duy trì vốn FDI đăng ký thì có lẽ chúng ta đang hiểu nhầm về con số này.

Vốn FDI đăng kí là số vốn gối đầu cho các năm sau, không phải là số ảo. Từ trước đến nay thống kê các con số này là để biết xu thế FDI vào Việt Nam hàng năm và từng giai đoạn, chứ không sử dụng vào cân đối các nguồn vốn cho đầu tư phát triển hàng năm.

Và chúng ta cũng nên hiểu rằng ngoài một số dự án có qui mô nhỏ vài trăm triệu USD nêu trên, giải ngân nhanh cũng mất cả năm,còn các dự án có qui mô lớn hơn thì thời gian giải ngân cũng phải mất vài năm.

Như vậy việc duy trì vốn đăng ký lại càng trở nên cần thiết, để từ đó chúng ta giám sát, nắm bắt, đánh giá được tiến độ và tình hình thực hiện của các dự án này, ông Thắng khẳng định.

Vấn đề hiện nay quan trọng hơn cả là chúng ta cần tổng rà soát tất cả các dự án FDI đã được cấp phép, để từ đó phân loai, quản lý theo những phương án phù hợp với từng loại dự án.

Chúng ta có thể phân loại các dự án FDI như sau: Trước tiên là loại đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với loại này thì chúng ta cũng có thể phân ra loai hoạt động tốt, có hiệu quả và loại hoạt động còn khó khăn, chưa hiệu quả.

Tiếp theo là loại thứ 2, loại chưa triển khai, đang triển khai dở dang đã dừng, chưa hoàn thành việc xây dựng.

Loại thứ 3 là đang xây dựng và triển khai dự án.

Ông Thắng cho biết: Từ cách phân loại trên chúng ta sẽ có những giải pháp tương tự như sau. Ví dụ với những dự án, doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì tìm giải pháp giúp tháo gỡ tháo gỡ khó khăn cho họ.

Còn ta sẽ rút giấy phép của các dự án chưa triển khai, không có khả năng thực hiện; Đối với dự án đang xây dựng, triển khai thì có phương pháp tiếp tục hỗ trợ, giám sát quá trình triển khai theo đúng cam kết của nhà đầu tư.

Theo Nguyễn Thoan

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên