MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có hiện tượng hàng tàu 'găm' container để thổi giá cước phí?

Có hiện tượng hàng tàu 'găm' container để thổi giá cước phí?

Việc tăng giá cước “phi mã” là bất hợp lý bởi giá dầu đã thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đây. Ngoài ra, các hàng tàu đã có thời gian dài từ quý 4/2020 để bổ sung tàu và container thiếu hụt, song giờ doanh nghiệp (DN) nào trả cước cao hơn, hãng tàu sẽ cấp container. Thậm chí DN đặt trước vẫn có thể bị hàng tàu hủy chuyển cho DN khác nếu được trả giá cao hơn.

Theo phản ánh từ các DN xuất khẩu thủy sản, trong thời gian qua, các hãng tàu đã thông báo tăng giá cước từ 2-10 lần (tuỳ chặng, tuỳ hãng) trong khi vẫn rất khó hoặc không thể đặt được container/chặng tàu gây tình trạng ùn ứ và khiến chi phí của DN đội lên rất cao.

Từ cuối tháng 11/2020, phí thuê container đi từ Việt Nam (cho cả cont hàng khô và hàng lạnh) đã tăng đột biến. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi tháng sau so với tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020.

Giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/cont (khoảng 36,8 triệu đồng) đến tháng 12/2020 là 5.000 USD/cont (115 triệu đồng) đến tháng 5/2021 là 9.100 USD/cont (khoảng 210 triệu đồng).

Giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 là 1.800 USD/cont (khoảng 41 triệu đồng) đến tháng 12/2020 là 4.000 USD/cont (92 triệu đồng) đến tháng 5/2021 là 8.000 USD/cont (khoảng 184 triệu đồng).

Giá vận chuyển container hàng khô từ Việt Nam đi Israel tháng 10/2020 mới chỉ là 2.300 USD/cont 20 feet (ft) (khoảng 53 triệu đồng); đến tháng 3/2021 đã lên 6.300 USD/cont 20ft (khoảng 145 triệu đồng) thậm chí có hãng tàu còn báo cước phí lên đến 11.000 USD/cont 20ft (250 triệu đồng).

Bên cạnh đó, vào cuối tháng 10/2020, nhiều hãng tàu vận đã đồng loạt gửi thông báo đến các khách hàng yêu cầu tăng phụ phí đối với hàng container xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường châu Á. Mức tăng từ 50 – 200 USD/cont (1,2 triệu đồng - 4,6 triệu đồng) và bắt đầu áp dụng luôn từ 01/11/2020, tức là chỉ vài ngày sau ngày gửi thông báo tới các khách hàng.

Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù giá thuê cao nhưng DN vẫn rất khó đặt được container. Trong tháng 12/2020, DN muốn thuê container phải đặt trước một tháng mà nhiều trường hợp vẫn không thuê được. Các DN gần như đang phải tranh nhau chỗ để đặt thuê container.

Trên thị trường container rỗng hiện nay, DN nào trả cước cao hơn hãng tàu sẽ cấp container. Thậm chí các DN đã booking container (đăng ký container) nhưng hãng tàu sẵn sàng hủy booking đó để chuyển cho DN khác nếu được trả cước cao hơn.

"Phải chăng đã có tình trạng "găm" container và chỗ trên tàu từ phía các hãng tàu để đẩy giá thuê container lên cao? Bởi việc tăng giá cước là phi lý bởi giá dầu (chi phí lớn nhất của các hãng tàu) đã thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đây. Ngoài ra, các hàng tàu đã có thời gian dài từ quý 4/2020 để bổ sung số lượng tàu và container còn thiếu hụt", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nêu sự bất thường.

Đại diện VASEP cho rằng, nếu không có các biện pháp kiểm soát, tình hình này sẽ kéo dài với chi phí vận tải biển và tình trạng container thiếu hụt tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản nói riêng và các ngành hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung. Nhiều đơn hàng của DN thời gian qua đã bị hủy do nguyên nhân này.

Trước tình hình trên, VASEP đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và có các chỉ đạo giải quyết tháo gỡ vấn đề thiếu container đi các tuyến và giảm giá cước vận chuyển tàu biển trở lại như trước tháng 11/2020.

Theo Dương Hưng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên