Cơ hội 10 nghìn tỷ USD dành cho ai nắm bắt được thị trường này
Một nửa mức tăng chi tiêu của thế giới trong thập kỷ tới sẽ đến từ châu Á, nhưng các nhà kinh doanh đã thực sự hiểu biết về người tiêu dùng ở đây hay chưa?
Ở Châu Á, một khu vực đa dạng với 2.300 ngôn ngữ được sử dụng, người tiêu dùng có thể là một bà cụ ở Hàn Quốc - người vừa mới trò chuyện trên mạng xã hội; một người Nhật Bản trẻ tuổi sống một mình với lối sống chủ yếu là mạng xã hội, và thậm chí có thể có một người bạn trí tuệ nhân tạo (AI) đại diện cho một công ty; hoặc những Gen Zer (thế hệ Z – từ sau năm 1995) - chi tiêu cao và vay nợ cũng cao - của Trung Quốc; hoặc một người mua sắm có ý thức về môi trường ở Indonesia đã sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm và bao bì thân thiện với môi trường.
Đối tượng người tiêu dùng ở khu vực Châu Á rất đa dạng và đang phát triển nhanh nhất trên thế giới - mang đến cơ hội trị giá 10 nghìn tỷ USD từ nay đến năm 2030, theo nghiên cứu mới của Viện McKinsey Global. Trên toàn cầu, cứ hai hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập cao trở lên thì có một hộ gia đình ở châu Á, và cứ hai giao dịch trên thế giới thì có một trong đó được thực hiện bởi người tiêu dùng ở khu vực này.
Do đó, để kinh doanh thành công thì phải hiểu biết nhiều hơn về họ (những người tiêu dùng Châu Á), cách họ mua sắm và những sức mạnh nào đang làm thay đổi nhu cầu và sở thích của họ. Hãy lưu ý một số đối tượng người tiêu dùng như sau:
Nhóm ‘Insta-Granny’ - người cao tuổi sử dụng mạng xã hội
Những người trên 60 tuổi dự kiến sẽ đóng góp 1/3 tăng trưởng tiêu dùng trong giai đoạn đến năm 2030. Ở các nền kinh tế tiên tiến của châu Á, tỷ lệ đó là 2/3. Xu hướng già hóa đã rõ ràng ở châu Á trong một vài năm gần đây. Thị trường tiêu dùng của người cao tuổi đang thay đổi, đáng chú ý là do rất nhiều người thuộc nhóm tuổi lớn hơn hiện đang hoạt động trực tuyến.
Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, hơn 90% người cao tuổi dự kiến sẽ hoạt động trực tuyến vào năm 2030; tỷ lệ này ở Trung Quốc dự kiến cũng sẽ vượt 2/3. Do có quá nhiều người già ở trong nhà trong thời kỳ đại dịch nên xu hướng này đã tăng nhanh. Vào cuối năm 2020, những người trên 60 tuổi của Trung Quốc chiếm hơn 11% người dùng internet của cả nước, tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 9 tháng.
Chỉ riêng chi tiêu của người cao tuổi dành cho cho chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ tăng thêm tới 250 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2030, và một phần trong đó (có tỷ lệ ngày càng tăng) sẽ được chi tiêu qua mạng. Một số công ty đã bắt đầu tận dụng xu hướng này. Một số trong đó cung cấp bộ dụng cụ chăm sóc tại nhà - có trí tuệ nhân tạo (AI) – được điều khiển bằng điện thoại thông minh, bao gồm, bao gồm các chức năng như: đo oxy ở đầu ngón tay, điện tâm đồ, một quả bóng bóp thông minh…
Nhóm ‘Singleton’ - độc thân
Trong thời kỳ đai dịch, mọi người phải giãn cách xã hội, cách ly ở nhà. Không chỉ có thế, ở Nhật Bản, có một bộ phận người trẻ tuổi bị quá say mê máy tính nên mất đi những kỹ năng xã hội (gọi là Otaku), và xa lánh những hoạt động xã hội (gọi là hikikomori). Đây là những đặc điểm nổi bật trong cuộc sống hiện đại ở Nhật Bản, và đang nhanh chóng lan rộng khắp Châu Á.
Các hộ gia đình độc thân hiện chiếm 1/3 tổng số hộ gia đình ở các nền kinh tế phát triển thuộc Châu Á. Đó gọi là "nền kinh tế cô đơn". Hậu quả của lối sống này là số vật nuôi tăng vọt. Ở Hàn Quốc, tốc độ tăng vật nuôi trong 10 năm qua là 60%. Ngoài ra, những người bạn đồng hành robot có AI hỗ trợ cũng đã và đang xuất hiện. Một chatbot có AI hỗ trợ (phần mềm máy tính giúp tương tác / nói chuyện với từng khách hàng) đã ra mắt ở Trung Quốc và hiện có hàng trăm triệu người tiêu dùng trên toàn cầu sử dụng.
Các hộ gia đình độc thân đang thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực giải trí, dịch vụ giao hàng, trải nghiệm đơn lẻ (bao gồm cả ăn uống và đi lại), và thậm chí có thể dẫn đến việc định hình lại các thành phố khi nhu cầu về nhà ở đơn lẻ tăng lên.
Nhóm Chi tiêu cao — Vay nợ cao — Người bản địa kỹ thuật số
Thuật ngữ "người bản địa kỹ thuật số" (mô tả những người sinh ra và sống trong thời đại kỹ thuật số) là những người sinh từ năm 1980 đến năm 2012 và bao gồm các thành viên của Thế hệ Z và thế hệ thiên niên kỷ (nhóm người nằm giữa thế hệ X và thế hệ Z - từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990 – đầu thập niên 2000, (hoặc từ năm 1981 đến 1996 ) - đã chiếm hơn 1/3 mức tiêu thụ ở Châu Á.
Có 33% thế hệ Z dành hơn sáu giờ mỗi ngày cho điện thoại di động, ngấu nghiến nội dung video. Họ có khả năng mua những thương hiệu nổi bật hơn gấp đôi so với các thành viên của Thế hệ X (sinh từ 1965 đến 1979). Những người Châu Á sống trong thế hệ kỹ thuật số có xu hướng sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội ngoài Châu Á, nhưng chủ yếu theo dõi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội địa phương và thích các nền tảng thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số tại địa phương.
Các thành viên của thế hệ này nhìn chung lạc quan về tương lai tài chính của họ và có xu hướng sẵn sàng đi vay để tiêu dùng hơn. Ở Trung Quốc, một nửa số người tiêu dùng mắc nợ là dưới 30 tuổi và ngày càng có xu hướng tăng bổ sung vào danh mục tiêu dùng trực tuyến các danh mục như quần áo và hàng tiêu dùng. Đáng chú ý là gần 30% nợ mới của những người này chỉ để dùng trả cho nợ cũ.
Nhóm mua sắm sinh thái
Châu Á đang ở tuyến đầu của những rủi ro về khí hậu, chiếm tới 2/3 nguy cơ gián đoạn kinh tế toàn cầu do những thay đổi của thế giới tự nhiên. Do đó, có một tỷ lệ không nhỏ người tiêu dùng Châu Á đang ngày càng quan tâm tới môi trường.
Trong một cuộc thăm dò gần đây của Ipsos, 88% người tiêu dùng Ấn Độ nói rằng họ đã thay đổi các sản phẩm và dịch vụ mà họ mua vì lo ngại về biến đổi khí hậu, tỷ lệ này cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào. Trong một cuộc khảo sát về các Giá trị Thế giới gần đây, tỷ lệ người Malaysia và Thái Lan cho rằng nên ưu tiên cho môi trường hơn là tăng trưởng kinh tế đã tăng lần lượt 12 và 8 điểm phần trăm so với 10 năm trước [so sánh với Châu Âu thì tỷ lệ tăng (trung bình ở năm nền kinh tế lớn nhất châu Âu) chỉ là 6 điểm phần trăm].
Không có gì ngạc nhiên khi một số người tiêu dùng châu Á đang thể hiện ý thức sinh thái ngày càng cao trong sở thích mua sắm của họ. Theo khảo sát của McKinsey, mức độ sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm bền vững hơn đang tăng lên, ở một số quốc gia, tỷ lệ này ngang bằng, thậm chí cao hơn mức độ sẵn sàng giữa các đối tác của họ ở Châu Âu và Mỹ. Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng chi trả cho bao bì bền vững. Mặc dù các lựa chọn thay thế bền vững đắt hơn - vượt quá 30% ở một số chủng loại - có khả năng hạn chế sự tăng trưởng của các sản phẩm xanh, do thu nhập ở châu Á mặc dù không ngừng tăng nhưng vẫn còn trở ngại.
Những câu chuyện trên cho thấy tầm quan trọng của Châu Á đến mức nào. Nhưng những con số đó không phải là toàn bộ bí quyết thành công cho bạn. Người tiêu dùng ở khu vực Châu Á rất đa dạng và thay đổi rất nhanh chóng, đôi khi đến mức đáng kinh ngạc, đặc biệt là khi những thay đổi về công nghệ ngày càng tăng nhanh. Mặc dù vậy, xu hướng đưa cửa hàng đến với người tiêu dùng – nền tảng kỹ thuật số - là điều đang và sẽ tiếp tục diễn ra ở Châu lục này.
Tham khảo: Bloomberg