Cơ hội đón "đại bàng" FDI
Việt Nam đang là điểm đến của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao, thân thiện môi trường quy mô từ hàng trăm triệu cho đến tỷ USD.
- 28-07-2022Du lịch thiệt hại nghiêm trọng sau khi Đức không chấp nhận hộ chiếu mẫu mới
- 28-07-2022Thủ tướng: Ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ trọng tâm số 1 hiện nay
Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc vào cuối năm 2021 mới đây đã tiếp tục được cụ thể hóa bằng Quyết định 687 của Chính phủ về phát triển kinh tế tuần hoàn, mở ra cơ hội cho Việt Nam đón làn sóng đầu tư nước ngoài mới theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ) vốn luôn là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam. 35 năm qua, vốn FDI đã tăng 22 lần. Hiện khu vực này đóng góp đến hơn 20% GDP nước ta, chiếm hơn 70% giá trị xuất khẩu.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Ban đầu, làn sóng FDI vào Việt Nam nhờ vào lợi thế nguồn lao động giá rẻ. Sau đó làn sóng tăng trưởng thứ 2 đến từ hiệu quả của chính sách hội nhập kinh tế sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết qua đó nâng tính cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, giới chuyên gia cho rằng Việt Nam đang trong giai đoạn đón “làn sóng” FDI thứ 3 - tập trung cho các dự án công nghệ cao, phát triển kinh tế xanh nhờ vào chủ trương và cam kết mạnh mẽ từ Đảng và Chính phủ.
Chuyển biến trong thu hút FDI chất lượng cao
Việc đáp ứng các tiêu chuẩn về trách nhiệm và môi trường là quy định bắt buộc với các công ty của Na Uy cũng như đối tác trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước này.
"Việc lựa chọn đối tác trong chuỗi cung ứng của chúng tôi cũng dựa trên yếu tố xanh và bền vững, chứ không chỉ liên quan đến lợi nhuận. Các cam kết của Chính phủ Việt Nam về trung hòa carbon hay sự quan tâm của các doanh nghiệp về tiêu chí ESG đang tạo ra môi trường tốt cho các nhà đầu tư châu Âu. Vai trò của các quy định môi trường và điều hành từ phía cơ quan quản lý có ý nghĩa lớn trong kế hoạch của các nhà đầu tư nước ngoài", ông Sivert Skarn, Tổng Giám đốc Vard Vũng Tàu, cho biết.
"Đây là thời điểm tốt để chuyển đổi một mô hình phù hợp có tính thích ứng cao và ít thâm dụng tài nguyên. Việc hợp tác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi ở tầm quốc tế sẽ tạo cơ hội để chúng ta có được lựa chọn giải pháp và chiến lược tối ưu với các mục tiêu cụ thể của nền kinh tế Việt Nam", ông David Liden, Trưởng Đại diện Hội đồng Tham tán Thương mại và Đầu tư Thụy Điển, đánh giá.
Theo Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Việt Nam vẫn là đích đến hấp dẫn với các doanh nghiệp nước này, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất thiết bị và vật liệu linh kiện.
"Dòng vốn FDI từ Nhật vào Việt Nam có sự tăng trưởng rất tích cực bất chấp những thách thức do tác động của dịch COVID-19. Khi chúng tôi tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư tại Tokyo, cái tên Việt Nam luôn thu hút rất đông sự quan tâm của công ty Nhật. Thế mạnh nguồn vốn Nhật Bản đó là nguồn vốn công nghệ cao và sạch", ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI giải ngân đã tăng hơn 10,2% so với năm 2021, đạt hơn 11,5 tỷ USD, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút đầu tư, với tổng số vốn đạt trên 10 tỷ USD.
Thách thức để đón dòng vốn FDI chất lượng cao
Để thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, việc đầu tiên cần chuẩn bị đó là lượng hạ tầng, khu công nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu của những dự án như vậy.
Các doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư không chỉ nhìn vào hạ tầng, giá đất, mà còn chú trọng đến những yếu tố như chất lượng nguồn nhân lực.
Sau cam kết trung hòa carbon của Chính phủ, đến nay riêng tại Bình Dương đã ghi nhận 3 tập đoàn lớn từ châu Âu và Nhật đến tìm hiểu, xúc tiến đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh. Đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết quan tâm hàng đầu của các tập đoàn là vấn đề nguồn nhân lực.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI giải ngân đã tăng hơn 10,2% so với năm 2021, đạt hơn 11,5 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Thực tế theo khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ 5% các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ hiện đại phục vụ phát triển bền vững. Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng để nâng được tỷ lệ này, việc thực thi các chính sách tại từng địa phương có ý nghĩa quyết định.
Giới chuyên gia góp ý, để tăng hiệu quả thu hút dòng vốn FDI xanh cần sớm hiện thực hóa việc quy hoạch mô hình khu công nghiệp sinh thái, nghĩa là khu công nghiệp mà ở đó chất thải sản xuất của doanh nghiệp này có thể làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất của các doanh nghiệp khác. Mô hình đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu thí điểm từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa đi vào thực tế.
Chuyên gia cho rằng, giải pháp cải thiện những điểm yếu cố hữu của Việt Nam như cơ sở hạ tầng còn yếu, chi phí logistics cao cũng ảnh hưởng lớn đến lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có dự thảo lấy kiến về một bộ tiêu chí cụ thể chọn lọc FDI lần đầu tiên của Việt Nam. Trước những yêu cầu mới về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kỳ vọng bộ tiêu chí này sẽ sớm ban hành và đi vào thực tế. Khi có một thước đo rõ ràng, việc chọn lọc dự án và thực thi chính sách cũng sẽ hiệu quả hơn.
VTV