Cơ hội hàng chục tỷ USD cho TP. HCM từ "siêu cảng" quốc tế Cần Giờ - Cái Mép
Năm 2021, dù tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp nhưng cảng trung chuyển quốc tế Singapore vẫn được chọn là cảng trung chuyển container bận rộn nhất thế giới.
- 19-04-2022Mức lương tối thiểu của Việt Nam cao hay thấp so với các nước trong khu vực?
- 19-04-2022Đồng Nai đưa ra hàng loạt dự án lớn quy hoạch thành phố Long Khánh
- 19-04-2022Đồng Nai có thêm dự án điện "khủng" vốn tỷ USD
Ngày 15/4, tại Hội thảo "Tạo đà phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam", Tập đoàn MSC đề xuất đầu tư "siêu cảng" quốc tế Cần Giờ - Cái Mép gần 6 tỷ USD. Theo bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), TP. HCM có cơ hội đón được một lượng hàng hóa lớn từng trung chuyển tại Singapore trước đây.
Hàng năm, cảng trung chuyển Singapore có hàng triệu container đi qua và tiếp nhận từ 500 triệu tấn hàng trở lên. Năm 2021, công suất container đi qua Singapore đã tăng kỷ lục lên 37,5 triệu TEU (1 TEU tương đương với 1 container có chiều dài 20 feet). Khoảng 80% container đến Singapore được chuyển tải qua tàu để đến các cảng khác.
Đỉnh điểm năm 2018, cảng Singapore đã xử lý số lượng hàng hóa lên đến 630 triệu tấn. Ngoài ra, dù trong năm 2021, thế giới chứng kiến tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu nhưng Singapore vẫn xử lý tổng cộng 599 triệu tấn hàng hóa, cao hơn so với năm 2020. Những con số này giúp cảng Singapore đứng thứ 2, chỉ sau Thượng Hải về số lượng hàng hóa xử lý.
Số lượng hàng hóa và container đi qua cảng trung chuyển quốc tế Singapore từ 2012 – 2021. Nguồn: Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore
Singapore đã tận dụng lợi thế vị trí địa lý của mình và mạnh tay đầu tư, hiện đại hóa hạ tầng cảng để có thể đạt được những con số ấn tượng như trên.
Với kế hoạch đầu tư vào Khu cảng tại cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ, khu vực sông Cái Mép để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, nhà đầu tư đã tận dụng lợi thế của khu vực Cần Giờ nằm tại vị trí tại đầu tuyến luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải, có độ sâu lớn, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện, sóng, gió. Ngoài ra, khu vực này còn nằm gần tuyến hàng hải quốc tế, có thể kết nối với cảng ở nhiều quốc gia.
Dự kiến, "siêu cảng" sẽ bao gồm 13 bến chính tiếp nhận tàu mẹ với trọng tải lên tới 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEUs) và tàu gom hàng (feeder) trọng tải 10.000 – 65.000 DWT, chiều dài khoảng 6,8 km. Công suất thiết kế khoảng 15 triệu TEU (trong đó khoảng 80% là hàng trung chuyển quốc tế, khoảng 20% là hàng XNK của Việt Nam).
Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 5,9 tỷ USD. Theo bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), giai đoạn 1 dự kiện sẽ hoàn thành vào năm 2025 với tổng mức đầu tư khoảng 660 triệu USD.
Cảng Cần Giờ cần thiết cho chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam, đặc biệt là sau năm 2030 khi Cái Mép - Thị Vải được dự đoán sẽ vượt công suất. Ở vị trí cửa biển thuận lợi, cảng sẽ có tiền phương tốt khi kết nối với các cảng lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông và trung tâm logistics ngay tại cảng cũng như các vùng lân cận cũng cần được chú trọng đầu tư để có thể cạnh tranh và thu hút các tàu lớn đi qua cảng.