Cơ hội mới cho gạo Việt
Theo các doanh nghiệp (DN), việc Phillippines giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng gạo, tạo điều kiện cho gạo Việt Nam tiếp tục tăng cơ hội tại thị trường nhập khẩu gạo số 1 hiện nay. Tuy vậy, trong bối cảnh gạo Thái đang tìm cách tăng thị phần, các DN Việt cần tránh dìm hàng, giảm giá để cạnh tranh lẫn nhau, làm mất lợi thế như vừa xảy ra tại thị trường Indonesia.
- 26-06-2024Một ‘ông trùm’ đang bơm dầu giá rẻ đi khắp thế giới: Mỹ tăng nhập khẩu gấp 7 lần, Trung Quốc, Ấn Độ cũng mạnh tay chốt đơn
- 25-06-2024Gạo Việt "rộng cửa" vào Philippines
- 23-06-2024Thêm thuận lợi cho gạo Việt
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Philippines , Tổng thống Philippines vừa ban hành sắc lệnh cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Riêng với mặt hàng gạo, thuế nhập khẩu giảm từ mức 35% còn 15%. Thời điểm áp dụng mức thuế nhập khẩu gạo mới của Philippines dự kiến vào đầu tháng 8 và kéo dài tới năm 2028.
Đây được coi là động thái mới nhất của Chính phủ Philippines nhằm đối phó với tình trạng lạm phát, đặc biệt là giá mặt hàng gạo có xu hướng tăng cao liên tục kể từ đầu năm tới nay.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, thị trường Philippines hiện khá ưa chuộng các loại gạo ĐT8 và 5451 của Việt Nam. Gạo Việt Nam hầu như thống lĩnh tại khu vực Metro Manila và khu vực các tỉnh phía Nam do ngon cơm và giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Phillippines, đặc biệt là tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và thấp.
Theo ông Đôn, hai năm qua, gạo Việt luôn đứng đầu thế giới ở mức giá cao, cộng thuế nhập khẩu 35% nên các đối tác như Philippines gặp khó trong việc mua hàng. Họ không lấy hàng dồn dập như trước mà tìm cách liên kết với nhau để duy trì mặt bằng giá nhập khẩu thấp. Chẳng hạn, thương nhân nước này tránh đặt mua gạo vào thời điểm ngoài vụ thu hoạch của Việt Nam mà chủ yếu vào chính vụ với nguồn cung dồi dào để có thể mua được giá thấp hơn.
Với việc Chính phủ Phillippines giảm thuế nhập khẩu gạo xuống còn 15%, ông Đôn cho rằng, cả DN Việt Nam và đối tác, người mua gạo ở Phillipines sẽ có lợi. “Người dân Phillippines có thể mua gạo với giá rẻ hơn, từ đó kích thích DN nước này mạnh dạn nhập khẩu. Còn DN Việt có thể cải thiện được biên lợi nhuận, tăng giá bán và gia tăng đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này mà không phải cạnh tranh với gạo sản xuất trong nước”, ông Đôn cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành 4 đánh giá, việc Phillipines giảm thuế nhập khẩu gạo sẽ giúp thị trường gạo của nước này trở nên sôi động hơn trong những tháng cuối năm. Thời gian qua, cả bên bán lẫn bên mua đều “án binh bất động” chờ chính sách thuế mới của Philippines, nay việc đàm phán mua bán đã được nối lại khi quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất quyết định giảm thuế. Điều này giúp gạo Việt Nam hưởng lợi lớn nhất khi có ưu thế về sản phẩm tươi, chi phí thấp, giao nhận nhanh.
Tuy nhiên, theo ông Thành, không chỉ DN Việt Nam có cơ hội mà DN Thái Lan cũng hưởng lợi. Hiện các DN gạo nước này tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh rất gay gắt với gạo Việt Nam. Không ít thời điểm vừa qua khi giá gạo Việt Nam cao, các thương nhân Philippines tìm đến gạo Thái Lan và nguồn cung khác có giá cạnh tranh hơn.
Ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết, với thị trường Philippines, gạo là mặt hàng thiết yếu và mỗi năm nước này nhập khoảng 3,5-4 triệu tấn.
Trong những năm qua, Việt Nam luôn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất, luôn chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu vào thị trường Philippines. Do đó, DN Việt Nam phải tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm gạo xuất khẩu, qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, giữ được giá bán ổn định. Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia lúa gạo cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải sắp xếp lại, tổ chức lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo của Việt Nam để thực hiện hiệu quả mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Đây là đường dài bền vững để gạo của Việt Nam có thể đi xa.
Tiền Phong