MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội nào cho giới đầu tư bất động sản?

16-03-2022 - 16:15 PM | Bất động sản

ảnh minh họa.

ảnh minh họa.

Thời gian qua, dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Trong đó, bất động sản là một trong những lĩnh vực chịu tác động khá mạnh. Khi cả nước hướng tới chung sống an toàn với dịch Covid-19 cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội cho bất động sản.

Thị trường bất động sản có nhiều cơ hội

Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần II diễn ra tại Hà Nội do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc Hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, khủng hoảng từ dịch Covid-19 đưa tới bất lợi cho thị trường bất động sản nhưng cũng để chúng ta nhận ra rằng, bất động sản càng phải phát triển lành mạnh và bền vững. Với các dự án quy mô lớn, của các doanh nghiệp có uy tín thì càng có nhiều cơ hội.

“Thị trường bất động sản năm 2022 có nhiều cơ hội, song không phải ai cũng nắm bắt được, điều đó chỉ phụ thuộc vào những doanh nghiệp chuyên nghiệp, nhà đầu tư chuyên nghiệp”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhìn nhận.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Dũng - Tổng Giám đốc enCity đã chỉ ra, thị trường bất động sản trong nước đang có 4 cơ hội lớn.

Thứ nhất, bất động sản công nghiệp vẫn đang nóng trên thị trường. Đây là xu hướng lâu dài do có sự chuyển dịch từ Trung Quốc và cơ sở hạ tầng Việt Nam đang ngày càng phát triển, lực lượng lao động dồi dào.

Thứ hai, đầu tư công về hạ tầng giao thông như Vành đai 4 sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản.

Cơ hội nào cho giới đầu tư bất động sản? - Ảnh 1.

Thứ ba, pháp lý mở cơ hội để tái thiết đô thị với 2.000 chung cư cũ cần được cải tạo ở Hà Nội và TP.HCM tương tương với 500ha quỹ đất. Như vậy, chúng ta đang có các quỹ đất ngay trong lòng thành phố lớn.

“Cuối cùng, đại dịch tạo nên nhu cầu sống xanh. 61% người có nhu cầu sống gần không gian xanh và có sân vườn, 45% muốn chuyển ra ngoại ô và các khu vực ít đông đúc hơn. Đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bất động sản đi theo xu hướng này", ông Dũng chia sẻ.

Mở cửa thể chế, thúc đẩy thị trường

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, một trong những xung lực quan trọng là nền kinh tế phục hồi khá nếu Việt Nam thực hiện tốt: Chương trình phòng chống dịch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023; Quy hoạch được quan tâm; đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược; đầu tư công được thúc đẩy; thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở 2021 - 2023 (ban hành tháng 12.2021).

Bên cạnh đó, các chính sách tài khóa như: Miễn giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; tăng chi đầu tư phát triển; hỗ trợ lãi suất các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… cũng tạo điều kiện và thúc đẩy thị trường bất động sản sôi động trở lại.

Trong khi đó nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản cần được khai thông nhiều hơn nữa những vướng mắc về chính sách, thủ tục hành chính.

TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, hệ thống pháp luật về đất đai và bất động sản đang là điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam, trong khi việc khai thác các nguồn lực đất đai và thúc đẩy quá trình đô thị hoá là nguồn lực, cũng là động lực quan trọng nhất của quá trình công nghiệp hoá.

Cơ hội nào cho giới đầu tư bất động sản? - Ảnh 2.

"Vừa qua chúng ra có sửa 8 luật liên quan đến đầu tư xây dựng… nhưng thực tế cũng chỉ như “muối bỏ biển” chưa giải quyết được gì nhiều cho các điểm nghẽn liên quan đến thị trường bất động sản như hiện nay.

Sự hồi phục và phát triển của thị trường bất động sản là một trong những chỉ dẫn quan trọng của quá trình phục hồi chung của nền kinh tế. Chúng ta đang trong giai đoạn có nhiều bất lợi.

Để giải quyết được vấn đề, không chỉ cần mở cửa thị trường mà nên mở cửa trong thể chế, phá bỏ mọi rào cản để phát huy được tinh thần doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình kinh doanh. Đây là yêu cầu quan trọng nhất ngay trong bối cảnh hiện nay”, ông Lộc nói.

Còn theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, cần tạo hành lang pháp lý về chuyển đổi số để đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng, và triển khai đồng bộ, toàn diện.

https://cafef.vn/co-hoi-nao-cho-gioi-dau-tu-bat-dong-san-2022031614103017.chn

Thanh Phong

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên