Cơ hội thị trường rất nhiều, điều quan trọng là biết cách nắm lấy
Đó là tâm sự của bà Cao Thị Thu Hiền, nữ doanh nhân tuổi 40 đã và đang chèo lái Công ty Cổ phần Nam Tiến Lào Cai, một công ty có doanh số lên tới 1.200 tỷ đồng trong năm 2016.
Bén duyên kinh doanh
Sinh năm 1977, bà Cao Thị Thu Hiền khởi nghiệp cũng giản dị như nhiều sinh viên mới ra trường khác. Tuy nhiên, việc bén duyên với người chồng tương lai là con trai của một doanh nhân đang lên ở Lào Cai đã làm thay đổi hành trang cuộc đời của người phụ nữ này. Từ Hà Nội, bà trở lại Lào Cai, xắn tay cùng gia đình chồng lo liệu chuyện kinh doanh.
Hơn một thập kỷ qua là giai đoạn phát triển khá đặc biệt của Công ty Cổ phần Nam Tiến Lào Cai. Chỉ với vốn điều lệ 700 triệu đồng năm 1999, Nam Tiến Lào Cai đã từng bước phát triển và trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại tỉnh này. Cho đến năm 2007, khi chính thức chuyển đổi sang mô hình Công ty Cổ phần, Nam Tiến đã là một trong những đơn vị luôn dẫn đầu trong sự phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh trong tỉnh, có uy tín và ảnh hưởng tích cực trong khối doanh nghiệp tỉnh Lào Cai.
Với phương châm: “Lòng tin là lợi nhuận hàng đầu trong mọi giao dịch” ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty đã được tín nhiệm, được tỉnh giao cho một số công trình trọng điểm, trúng thầu nhiều dự án, tham gia xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm trong và ngoài tỉnh như: Công trình đường đại lộ Trần Hưng Đạo, công trình kè sông Hồng, đường QL4D, QL4E… Tiếp đó, các dự án BĐS như: Dự án Tiểu khu đô thị số 1, Tiểu khu đô thị số 3, Tiểu khu đô thị số 5 thuộc KĐT mới Lào Cai - Cam Đường… cũng đã được triển khai thành công, mang đến cho thị trường BĐS Lào Cai hàng ngàn căn liền kề và biệt thự.
Không dừng lại ở đó, Công ty đã mở rộng đầu tư sang lĩnh vực Thủy điện. Cụm nhà máy thủy điện Ngòi Xan - Lào Cai gồm các Nhà máy: Vạn Hồ, Ngòi Xan I, Ngòi Xan II, Sùng Vui và nhà máy Trung Hồ với tổng công suất lắp máy 49,5MW đã đi vào khai thác; hiện đang tiếp tục đầu tư nhà máy thủy điện Minh Lương, tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai với công suất lắp máy là 30MW…
Năm 2014, Công ty đã đầu tư dự án nhà máy phốt pho vàng công suất 9.800 tấn/năm, hiện dự án đã đi vào hoạt động ổn định mang lại doanh thu hàng năm đạt trên 600 tỷ đồng. Hiện tại, Nam Tiến Lào Cai đang tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất Axit photphoric công suất 70.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai trên diện tích gần 25 ha…
Trong hành trình phát triển đó, Chủ tịch Nam Tiến Lào Cai - ông Hoàng Minh Tuấn đóng vai trò kiến trúc sư, thuyền trưởng của Công ty. Nhưng trong bối cảnh mở rộng sản xuất kinh doanh với doanh thu lên tới 1.200 tỷ đồng trong năm 2016, không thể không nhắc đến vai trò của đội ngũ lãnh đạo điều hành trực tiếp, trong đó bà Cao Thị Thu Hiền là Tổng Giám đốc điều hành.
Đến nay, sau 18 năm phát triển, Nam Tiến Lào Cai đã có gần 900 công nhân viên, có vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng và đang hoạt động theo mô hình đa ngành với 06 công ty thành viên. Nhưng Nam Tiến Lào Cai, cũng như Tổng Giám đốc Cao Thị Thu Hiền, chưa muốn dừng lại ở đó.
Nhân sự sẽ quyết định thành bại
Ở tuổi 40, bà Cao Thị Thu Hiền có lẽ là trường hợp khá hiếm ở miền Bắc khi đang điều hành một doanh nghiệp quy mô khá lớn lại hoạt động đa ngành như Nam Tiến Lào Cai. Vậy bí quyết thành công là gì?
Bà Hiền cho biết, làm lãnh đạo doanh nghiệp luôn là một thách thức lớn vì mọi sự thành bại phần lớn đều do nhà lãnh đạo cũng như những người giúp việc đắc lực ở những vị trí chủ chốt của doanh nghiệp điều hành và thực hiện. Do đó, người lãnh đạo cần phải biết đánh giá và sử dụng nhân tài, sắp xếp họ vào đúng vị trí để phù hợp với năng lực của từng người, đặc biệt là phải biết lắng nghe tiếp thu mọi ý kiến.
“Phương châm của chúng tôi là đoàn kết - yếu tố rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của Công ty.Chúng tôi thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn để nâng cao trình độ kiến thức cho cán bộ nhân viên, không ngừng tìm kiếm những người tài, đạo đức và tâm huyết”, bà nói.
Với đội ngũ lãnh đạo, bà Hiền cho rằng ngoài tầm nhìn, chiến lược kinh doanh, một nhà lãnh đạo giỏi còn phải là người biết sử dụng nhân tài. Nhân tài đã khó tìm, giữ chân họ, phát triển được họ còn khó hơn. “Những năm qua, Công ty luôn quan tâm đến lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đội ngũ trí thức trẻ. Bên cạnh đó, Công ty còn rất chú trọng đến công tác tổ chức, sắp xếp nhân lực nhằm phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân. Do đó hiện nay, hầu hết các cán bộ quản lý đều có trình độ đại học, trung cấp, đại bộ phận công nhân đã qua đào tạo, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo đều được luân phiên theo học các khóa học quản lý kinh tế”, bà Hiền cho biết thêm.
Hiện tại, Nam Tiến đã và đang dồn lực đầu tư cho các dự án mới với mục tiêu trở thành một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành hùng mạnh ở miền Bắc. Theo bà Hiền, đa ngành là để đa dạng hóa ngành nghề phát triển và giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, việc chuyển hướng sang đa dạng hóa ngành nghề cũng góp phần tạo ra sự chủ động trong sản xuất kinh doanh và sự khép kín trong quá trình đầu tư.“Chúng tôi tin rằng cơ hội trên thị trường rất nhiều, điều quan trọng là mình có biết nắm lấy hay không”, bà Hiền khẳng định.