MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội việc làm không thiếu

Tình hình kinh tế nửa đầu năm ở TP HCM và khu vực Đông Nam Bộ có nhiều chuyển biến tích cực, qua đó nhu cầu tuyển dụng lao động ngày càng cao.

Theo Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, số lao động cả nước có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195.700 người so với cùng kỳ năm ngoái. Đến đầu tháng 7, khi đơn hàng có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các địa phương càng lớn, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Rầm rộ tuyển người

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI), 6 tháng cuối năm 2024, thành phố cần tuyển thêm 153.500 - 161.500 lao động. Các doanh nghiệp (DN) nhóm ngành thương mại - dịch vụ cần tuyển 102.000 - 108.000 người (chiếm gần 67% tổng nhu cầu nhân lực toàn thành phố). Khu vực công nghiệp - xây dựng cần 50.700 - 53.300 chỗ làm việc (chiếm hơn 33%).

Tại tỉnh Đồng Nai có hơn 2.000 DN đăng ký tuyển trên 70.000 lao động. Công ty CP TKG Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) tuyển 5.000 công nhân (CN), Công ty TNHH Vision International chuyên sản xuất gậy đánh golf tuyển dụng 1.000 CN, Công ty TNHH Fashion Garments 2 cần tuyển 500 CN… Ông Lê Duy Hoàng, Trưởng nhóm tuyển dụng Công ty CP TKG Taekwang Vina, cho biết hiện công ty hỗ trợ cho CN mới vào làm là 7,2 triệu đồng trong 2 năm và 6 tháng tiền nhà trọ (mỗi tháng 600.000 đồng) đối với 20 tỉnh, thành vùng xa.

Cơ hội việc làm không thiếu- Ảnh 1.

Người lao động tìm việc tại một ngày hội việc làm ở TP HCM. Ảnh: GIANG NAM

Trong khi đó, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai) giai đoạn 1 sẽ đưa vào khai thác vào năm 2026 phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa. Dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 14.000 lao động với trình độ học vấn và tay nghề khác nhau từ phổ thông đến đại học, trên đại học.

Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương, qua khảo sát tại một số hiệp hội, DN sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như chế biến gỗ, giày dép, dệt may… đang tuyển dụng với số lượng lớn lao động. Từ nay đến cuối năm, tỉnh Bình Dương cần khoảng 20.000 - 25.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông, có tay nghề sẽ chiếm khoảng 80%, còn lại là lao động có trình độ chuyên môn.

Số liệu của Adecco Việt Nam cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân sự tăng trong các lĩnh vực bán hàng và tiếp thị cho ngành công nghiệp, cũng như nhân sự là chuyên gia trong ngành sản xuất và cung ứng. Nhiều lĩnh vực như sản xuất và xuất khẩu có nhu cầu tuyển dụng tăng nhẹ ở mức 5% so với cùng kỳ. Theo chuyên trang tuyển dụng TopCV, tính đến ngày 8-7-2024, có 15.571 vị trí tuyển dụng yêu cầu lao động qua đào tạo tại TP HCM.

Thay đổi phương thức tuyển dụng

Để mở rộng sản xuất - kinh doanh, Công ty TNHH Đại Hoa (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cần tuyển 700 lao động. Từ đầu năm đến nay, DN đã tuyển được hơn 600 người, đây là con số mơ ước của nhiều DN tại Bình Dương.

Bà Nguyễn Phúc Hậu, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Đại Hoa, cho biết sự thay đổi trong cách tuyển dụng là yếu tố quan trọng giúp DN làm tốt công tác này. Nếu những năm trước, việc tuyển dụng chủ yếu theo hình thức truyền thống như dán thông báo trước cổng công ty hoặc kê bàn ghế ngoài đường để mời gọi lao động thì nay DN tuyển dụng qua các kênh như Facebook, TikTok, chạy quảng cáo trên Google… "Với việc chuyển đổi phương thức tuyển dụng từ kiểu truyền thống sang áp dụng công nghệ, nhất là thông qua mạng xã hội, đang mang lại hiệu quả rất tích cực" - bà Hậu nói.

Cơ hội việc làm không thiếu- Ảnh 2.

Nhu cầu tuyển dụng cả nước năm 2024 là khoảng 1,9 triệu lao động. Đồ họa: ANH THANH

Nhằm cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo phục vụ cho sân bay Long Thành, vừa qua, tại huyện Long Thành diễn ra lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) với Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2. Chủ tịch HĐQT SAGS Đặng Tuấn Tú cho biết các bên sẽ tập trung hợp tác chính vào 3 hạng mục chính, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực hàng không.

Trước đó, Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 đã ký kết hợp tác với Học viện Hàng không VietJet nhằm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không như nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay.

Ông Nông Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, cho biết nhằm kết nối cung - cầu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang liên kết với 18 trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh để trao đổi giải pháp hỗ trợ kết nối lao động trong khu vực với nhu cầu tuyển dụng của các DN. Bên cạnh đó, DN cần quan tâm các chế độ, chính sách phúc lợi lâu dài; bảo đảm lương ổn định để giữ chân người lao động (NLĐ).

Kết nối cung - cầu

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho rằng thành phố có lực lượng lao động trẻ, năng động và làm việc ở đa dạng ngành nghề. Với xu hướng yêu cầu trình độ, bằng cấp và kỹ năng ngày một cao của các DN, lực lượng lao động của thành phố có lợi thế hơn so với các địa phương khác về mức độ tiếp cận với giáo dục - đào tạo. Chất lượng lao động qua từng năm được cải thiện, tỉ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo (bao gồm có bằng cấp, chứng chỉ và lao động qua đào tạo nhưng không có bằng cấp) thuộc nhóm cao nhất cả nước.

Tuy nhiên, sự chênh lệch về kỹ năng lao động của NLĐ còn cao. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu trước sự thay đổi và phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ. "Thành phố không thiếu lực lượng lao động nhưng có tình trạng thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề trong định hướng phát triển, thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành trọng điểm" - ông Thinh nhìn nhận.

Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang tuyển dụng Việc Làm Tốt (TP HCM), đánh giá kết nối cung - cầu lao động đang là vấn đề cần quan tâm hiện nay. Nhiều NLĐ có nhu cầu tìm việc vẫn chưa tiếp cận được những kênh tuyển dụng chính thống, nơi có nhiều việc làm phù hợp đang chờ họ. Trong khi DN vẫn giao phó cho bộ phận nhân sự công ty đảm trách phần việc này nhưng cũng không có nhiều sự lựa chọn để tìm nhân công.

Một điều đáng quan tâm nữa là hiện tượng "việc làm ảo", nhiều trang tuyển dụng treo thông tin nhưng thực tế không nắm được DN đã tuyển được hay chưa, NLĐ thì cứ ứng tuyển mà không biết rõ vị trí đó có còn hay không. "Ở góc độ nền tảng tuyển dụng trực tuyến, chúng tôi nhận thấy xu hướng tuyển dụng qua các nền tảng trực tuyến ngày càng được NLĐ và DN lựa chọn nhiều hơn. Do đó, cần xây dựng những nền tảng trực tuyến chuyên nghiệp, kết nối tuyển dụng nhanh chóng, trở thành những địa chỉ tin cậy để người tìm việc và nhà tuyển dụng gặp nhau nhanh hơn" - bà Ngọc nói. 

Ứng phó linh hoạt

Bộ LĐ-TB-XH đang thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động bảo đảm hiện đại, linh hoạt, bền vững và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, kịp thời ứng phó với các thách thức của nền kinh tế trong và ngoài nước. Đồng thời tăng cường kết nối và điều tiết cung - cầu lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích NLĐ tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường.

Ngoài ra, bộ sẽ rà soát, nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các DN để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối NLĐ với người sử dụng lao động.

Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH cho biết trong năm 2024, cả nước có khoảng 116.000 DN cần tuyển khoảng 1,9 triệu lao động, trong đó nhu cầu lao động phổ thông chiếm 44% (khoảng 836.000 người). Trình độ đại học và trên đại học chiếm 19% (khoảng 361.000 người). Ngành công nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn về nhu cầu tuyển dụng (gần 52%), ngành dịch vụ chiếm trên 38% và nông - lâm - ngư nghiệp chiếm gần 10%. Điều này cho thấy làn sóng cắt giảm việc làm đã chấm dứt, đơn hàng quay trở lại, nhất là trong các ngành thâm dụng lao động.


Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên