Có “mỏ vàng ETC”, Tasco vẫn giảm lãi
Tasco - công ty mẹ của đơn vị thu phí không dừng VETC, lãi trước thuế hơn 10 tỷ trong quý II, giảm chục lần so với kỳ trước.
- 07-06-2022Tasco là nhà thầu thu phí trên 4 tuyến cao tốc trọng điểm do VEC đầu tư
- 30-05-2022Tasco Academy: Đầu tư cho con người là nền tảng kiến tạo tương lai đột phá
- 28-04-2022Tasco báo lãi ròng quý I gần 90 tỷ đồng nhờ tinh gọn các khoản đầu tư không trọng tâm
Công ty cổ phần Tasco (HUT) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022. Theo đó, Tasco ghi nhận doanh thu gần 220 tỉ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm so với cả hai quý liền trước.
Doanh thu từ hoạt động thu phí chiếm 88% doanh thu của Tasco quý II/2022.
Không còn doanh thu đột biến
Đóng góp cho kết quả trên, hoạt động thu phí chiếm chủ yếu với 193 tỉ đồng, chiếm 88%, phần còn lại đến từ bất động sản và các mảng kinh doanh khác. Nhờ kiểm soát tốt, giá vốn bán giảm hơn 21% còn hơn 110 tỉ đồng, Tasco quý này lãi gộp 106 tỉ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Tasco cho biết, lãi gộp từ hoạt động thu phí BOT và thu phí không dừng đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ lại tăng mạnh 102%, quý này Tasco báo lãi trước thuế chỉ hơn 10 tỉ đồng.
Mặc dù đây là quý lãi thứ ba của Tasco sau khi ngắt mạch thua lỗ từ quý III năm ngoái và sang tay chủ mới. Tuy nhiên, lợi nhuận kỳ này của Tasco giảm mạnh so với hai quý lãi đậm trước đó.
Trong quý II/2021, doanh nghiệp này lãi trước thuế 175 tỉ đồng và quý đầu năm nay lãi trước thuế gần 114 tỉ đồng nhờ nguồn thu tài chính tăng đột biến. Riêng quý I/2022, doanh thu tài chính của Tasco lên tới 126 tỉ đồng chủ yếu đến từ lãi thoái vốn, chuyển nhượng đầu tư hơn 117 tỉ đồng. Doanh thu từ chuyển nhượng cổ phần cũng là yếu tố giúp Tasco ngắt mạch thua lỗ 6 quý liên tiếp trước đó.
Đến quý này, “ông trùm” BOT chỉ ghi nhận doanh thu tài chính hơn 29 tỉ đồng, giảm hơn 4 lần so với quý trước đó, trong khi chi phí lãi vay tăng lên gần 79 tỉ đồng.
Luỹ kế nửa năm, doanh thu của Tasco đạt gần 460 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ đồng mỗi ngày, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp này đạt lợi nhuận trước thuế gần 125 tỷ đồng, nhờ khoản lãi hơn trăm tỷ trong quý đầu năm. Đến 30/6, tổng tài sản của Tasco đạt 11.280 tỷ đồng, tăng hơn 430 tỷ so với đầu năm. Đối ứng bên phía nguồn vốn là nợ phải trả gần 7.360 tỷ đồng.
Triển vọng từ ETC
Thực tế bức tranh của Tasco được dự báo có thêm khởi sắc khi doanh nghiệp này có thể hưởng lợi lớn nhờ việc các cao tốc cả nước chỉ thu phí không dừng (ETC) từ ngày 1/8. Hơn 1,9 triệu xe đang dán thẻ ETC của công ty TNHH thu phí không dừng VETC. Có thể thấy “ông trùm BOT” Tasco hiện đang vận hành và quản lý 79/114 trạm thu phí không dừng thông qua công ty con VETC.
“Ông trùm BOT” Tasco hiện đang vận hành và quản lý 79/114 trạm thu phí không dừng thông qua công ty con VETC.
Bên cạnh thu phí không dừng, đầu tư bất động sản, BOT và y tế là 4 trụ cột kinh doanh chính của Tasco. Riêng về VETC, dù lợi nhuận gia tăng theo từng năm, VETC vẫn báo lỗ. Trong 5 năm đầu triển khai, đã có thời điểm doanh nghiệp xin rút khỏi Hợp đồng dự án BOO1 và kiến nghị Bộ GTVT chuyển giao cho nhà đầu tư khác.
VETC cho biết lỗ lũy kế sau 5 năm vận hành là 300 tỷ đồng. Ngoài tình trạng tỷ lệ thu phí không dừng thấp, doanh nghiệp này lý giải việc các trạm thu phí không mặn mà hợp tác cũng là yếu tố khiến tốc độ triển khai dự án và doanh thu không đạt kỳ vọng. Mặt khác, các cổ đông của VETC vẫn phải duy trì thêm vốn để bù lỗ vận hành dù không nhận được bất kỳ cổ tức nào.
Đến năm 2021, doanh thu thu phí của VETC đạt 168 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến còn tăng cao trong năm nay sau khi Chính phủ yêu cầu triển khai làn ETC bắt buộc tại các trạm thu phí.
Tasco đặt mục tiêu VETC đạt 233 tỷ đồng doanh thu trong năm nay, tăng 50% so với năm 2021. Đồng thời, công ty mẹ dự định đầu tư thêm một công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam nhờ tệp dữ liệu khách hàng lớn từ VETC.
Diễn đàn doanh nghiệp