Có một “căn bệnh” mang tên Nhật Bản đang lây lan khắp thế giới!
Tất cả chúng ta hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để tiếp tục sống trong kỷ nguyên tăng trưởng thấp lạm phát thấp kiểu Nhật.
Tác giả bài viết là ông Thomas Mayer, giám đốc sáng lập viện nghiên cứu Flossbach von Storch tại Cologne, Đức. Bài viết được đăng trên báo Nikkei, Nhật.
Theo ông Thomas Mayer, gần đây, có nhiều người hỏi ông về việc liệu có phải thế giới mắc phải “bệnh Nhật bản”.
Ông cho biết thực ra từng có người hỏi ông câu hỏi tương tự trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 và ông trả lời không.
Ở thời điểm đó, ông kỳ vọng rằng chính phủ các nước trên thế giới sẽ phản ứng với khủng hoảng khác hoàn toàn với cách mà chính phủ Nhật đã làm để ứng phó với thời kỳ nền kinh tế bong bóng “xì hơi” đầu thập niên 1990.
Đến giờ, ông nhận ra mình đã kỳ vọng nhầm. Rõ ràng thế giới đang phải chịu đựng “bệnh Nhật bản” bởi phản ứng chính sách của các chính phủ đang giống nhau.
Theo ông, “bệnh Nhật bản” được hiểu là tăng trưởng kinh tế thấp và lạm phát thấp có nguyên nhân từ việc chính phủ các nước né tránh cải chính sách cải tổ mang tính cấu trúc sau khi nền kinh tế lâm vào khó khăn.
Các ngân hàng và doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính được hỗ trợ bởi các chính sách tiền tệ và tài khóa lỏng lẻo, người dân cũng được bảo vệ tối đa khỏi các hậu quả tồi tệ.
Chính vì vậy dù giá đất giảm sâu, và trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến năm 1993, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật giảm đến 55% mà kinh tế Nhật không suy thoái.
Cùng lúc đó, chính phủ các nước tránh thực hiện các chính sách cải tổ mạnh tay, nguồn lực được rót vào nhiều công ty và ngân hàng “ma”. Tăng trưởng năng suất lao động hàng năm giảm từ trung bình 3% vào thập niên 1980 xuống chưa đầy 1% vào thập niên 1990.
Cùng lúc đó, tăng trưởng mức lương giảm sâu bởi các doanh nghiệp và người lao động đều muốn tránh tình trạng thất nghiệp nên thay vì tăng trưởng và sa thải bớt lao động thì họ giữ nguyên bộ máy cồng kềnh đó.
Hậu quả, lạm phát giảm. Chính phủ ngại điều chỉnh chính sách, vì vậy năng suất lao động và mức lương cứ tiếp tục tăng trưởng thấp. Chính sách tiền tệ dễ dãi càng khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Sau cuộc Đại khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008, chính phủ các nước trên thế giới nhìn chung phản ứng đúng theo cách của chính phủ Nhật, chính vì vậy một môi trường chính sách tiền tệ và kinh tế giống Nhật được tạo ra trên khắp thế giới.
Ban đầu, khi hệ thống tài chính thế giới mới gặp rắc rối với sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers, các biện pháp bơm thanh khoản mạnh tay đã giúp ngăn hệ thống sụp đổ.
Thanh khoản bơm ồ ạt vào hệ thống, kinh tế thế giới tránh được Đại Khủng hoảng như thập niên 1930 mà chỉ suy thoái nhẹ. Thế nhưng sau đó khi các biện pháp thanh khoản mạnh tay tiếp tục được thực hiện với mục tiêu kích thích kinh tế tăng trưởng và đẩy lạm phát lên đạt mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương nhiều nước, tác động lại khác trước.
Thanh khoản quá dồi dào, người ta triển khai nhiều dự án khá viển vông, thừa thãi, nhiều nền kinh tế trên thế giới bị đẩy vào vòng xoáy tăng trưởng thấp và lạm phát thấp giống như Nhật.
Vậy giờ cần phải làm gì? Câu trả lời đã rõ ràng: Chấm dứt chính sách đã thất bại. Thế nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Tại châu Âu và Nhật, các doanh nghiệp quy mô lớn nhỏ đã quá phụ thuộc vào nguồn vốn với lãi suất siêu thấp.
Nếu điều kiện tín dụng bị thắt chặt hơn, nhiều khả năng người ta sẽ phải chứng kiến những vụ phá sản quy mô lớn. Chính vì vậy, việc duy trì bơm thanh khoản vô cùng cần thiết để giúp cho kinh tế châu Âu và Nhật tiếp tục vận hành trơn tru.
Chỉ duy nhất tại Mỹ, Ngân hàng Trung ương thực sự ráo riết muốn ngăn chặn bong bóng tín dụng bằng cách rút bớt đi các chính sách bơm thanh khoản. Nhờ vậy, kinh tế Mỹ trở nên đỡ phụ thuộc hơn vào tín dụng giá rẻ.
Nhưng thế giới không chỉ có nước Mỹ, chính vì vậy trong khi Mỹ cố gắng chấm dứt chính sách tiền tệ dễ dãi thì chính sách của châu Âu và Nhật lại khiến nỗ lực của phía Mỹ không phát huy được tác dụng. Dòng tiền từ châu Âu và châu Á khiến lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn ở mức thấp dù Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất điều hành.
Người ta tự hỏi, cuối cùng rồi mọi chuyện sẽ đi đến đâu? Niềm tin của thị trường đối với những Ngân hàng Trung ương theo đuổi chính sách nguy hiểm sẽ sụp đổ, tiếp đến, niềm tin vào hệ thống tài chính cũng suy yếu. Chưa thể chắc chắn người ta sẽ quay lại với các loại tài sản truyền thống như vàng hay ưa chuộng tài sản mới như bitcoin, thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất.
Còn ở hiện tại, hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để tiếp tục sống trong kỷ nguyên tăng trưởng thấp lạm phát thấp kiểu Nhật.
BizLIVE