MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có một "thế hệ khó bảo" tại nơi làm việc: Sếp thích sao cũng kệ, tỉ lệ nhảy việc cao ngất ngưởng nhưng sống lại rất thực dụng

11-12-2021 - 14:07 PM | Sống

Có một "thế hệ khó bảo" tại nơi làm việc: Sếp thích sao cũng kệ, tỉ lệ nhảy việc cao ngất ngưởng nhưng sống lại rất thực dụng

Người trẻ bây giờ khác với thế hệ trước ở chỗ họ đối mặt với thế giới rộng lớn hơn và có nhiều lựa chọn hơn trong tay.

Trên thế giới này, điều duy nhất người ta không thể trốn tránh chính là dòng chảy của thời gian và sự biến chuyển của thời đại. So với các Gen đi trước như Gen X, Gen Y, không nghi ngờ gì Gen Z chắc chắn là thế hệ bắt kịp thời đại tốt hơn. Và thứ mà họ đang đối diện là một thời đại cởi mở hơn, rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, chính sự khác biệt này lại tạo ra những định kiến mới. Trong số đó, đông đảo thế hệ đi trước đều cho rằng Gen Z thực tế phải là "thế hệ khó bảo" mới đúng. Sự "khó bảo" của người trẻ hiện đại thể hiện rõ ràng nhất tại chính nơi làm việc, đến độ nhiều công ty nhân sự đã phải lên tiếng than trời, thậm chí kêu gọi sự giúp đỡ.

01

Thích là nghỉ, thích là nhảy việc không ngừng

Các nhân viên Gen Z nổi tiếng là khó bảo, không thích tuân thủ kỷ luật và lý do nghỉ việc của họ thậm chí còn kỳ lạ hơn. Có người nghỉ vì địa chỉ công ty không tiện nhận đồ ship, có người nghỉ vì lương thấp, làm mãi không thấy tăng, một số khác thẳng thắn cho biết mình nghỉ vì nhìn mặt sếp... thấy ghét. Nói tóm lại, từ những gì bạn có thể tưởng tượng được đến những gì bạn thậm chí không thể tưởng tượng được, đều có thể là lý do khiến Gen Z quyết định nghỉ việc.

Hiện tượng nhảy việc lặp đi lặp lại như vậy hẳn là vì ở Gen Z có những đặc điểm khác xa so với Gen X, Gen Y. Đây chính là những gì chúng ta hay gọi là "siêu nhận thức" (hypercognitive). Khác với các Gen anh chị, Gen Z thoải mái với việc thu thập và và tham khảo cùng lúc nhiều nguồn thông tin, tích hợp cả những trải nghiệm ảo và thực tế, cách họ diễn giải thông tin cũng sáng tạo, đa chiều hơn.

Có một thế hệ khó bảo tại nơi làm việc: Sếp thích sao cũng kệ, tỉ lệ nhảy việc cao ngất ngưởng nhưng sống lại rất thực dụng - Ảnh 1.

Trong mắt của những thế hệ trước, công việc là thứ quan trọng nhất để nuôi sống gia đình và là chiếc vé bảo đảm giúp họ tiếp tục sinh tồn tại một nơi nào đó họ đã chọn. Và sếp đương nhiên là nhân vật không thể đắc tội.

Thế nhưng, người trẻ bây giờ thì khác. Họ đối mặt với thế giới rộng lớn hơn và có nhiều lựa chọn hơn trong tay. Đối với họ, công việc họ đang làm chỉ là một trong số những lựa chọn mang tính khả năng đó. Và sếp, về cơ bản chỉ là người cấp vốn cho họ chứ không phải bố mẹ họ, là người cung cấp cơ hội và nền tảng tại nơi làm việc chứ không có quyền điều khiển họ.

Từ quan điểm này, chúng ta đã có thể thấy sự khác biệt rõ ràng giữa Gen Z và các Gen anh chị trong việc xử lý công việc.

Ngoài những lý do chủ quan, một vài vấn đề khách quan liên quan đến công ty cũng là nguyên nhân quan trọng khiến Gen Z vô tư nhảy việc miễn là họ thích. Một là do các giá trị không tương thích, bên nhân sự của công ty đã không kiểm tra chặt chẽ khi tuyển dụng người mới và tuyển về những người trẻ không phù hợp với giá trị công ty đặt ra.

Ví dụ, một công ty mới thành lập, không có tên tuổi và không có tiền, toàn bộ công ty vận hành theo tôn chỉ "làm vì đam mê" là chính nhưng HR lại tuyển về nhân sự đặt mục tiêu lương bổng lên hàng đầu. Điều này dễ dàng gây ra các tình huống khó xử trong tương lai. Trong khi sếp chăm chăm nói chuyện tình cảm, lý tưởng thì người mới ngồi dưới siết chặt ngón tay, nghĩ về thời điểm mình sẽ được tăng lương. Đối với những nhân sự trẻ như vậy, đi làm rồi nghỉ làm, nhảy việc chỉ là vấn đề thời gian sớm hay muộn.

Có một thế hệ khó bảo tại nơi làm việc: Sếp thích sao cũng kệ, tỉ lệ nhảy việc cao ngất ngưởng nhưng sống lại rất thực dụng - Ảnh 2.

Thứ hai là do môi trường công ty tiêu cực, hứa hẹn ngày làm 8 tiếng nhưng khi đi làm lại phải tăng ca triền miên, cuối tháng check tài khoản vẫn chẳng thấy tiền làm thêm ở đâu. Bạn đi hỏi sếp, sếp lại đưa đẩy văn ngược lại bạn bằng câu nói hậm hực: "Còn trẻ đừng quá nóng vội". Làm ở một công ty như thế thì việc rời đi cũng không khó hiểu.

02

Thế giới rộng lớn là thế, còn biết bao chuyện để làm

Bạn cho rằng Gen Z thực sự khó bảo, yếu đuối, không gánh vác được sức nặng giống như các Gen khác ư? Không hẳn đâu, lý do chủ yếu là vì tâm trí của họ không dành 100% cho công việc. Giống như khi bạn đàm đạo vấn đề âm nhạc với một họa sĩ vậy, anh ta có khi sẽ phớt lờ bạn, thậm chí tiện thể mắng bạn vài câu trong lòng. Nhưng nếu bạn thiết lập cho mình một sở thích tương tự và nói chuyện với anh ấy về màu vẽ, về sơn dầu, anh ấy thậm chí có thể nói chuyện với bạn 2 ngày 2 đêm không chán.

Gen Z đi làm cũng như vậy đó. Mỗi người đều có tham vọng và thế mạnh của riêng mình. Trong mắt người trẻ hiện tại, thế giới là như vậy, có quá nhiều lựa chọn, nếu một công ty nhỏ không thể dung nạp tôi thì cũng có sao đâu.

"Liệu bạn có thể đạt được mục tiêu vĩ đại mình đặt ra hay không" đã trở thành tiêu chí quan trọng để người trẻ đánh giá một công ty. Đây cũng là chủ nghĩa thực dụng của thế hệ trẻ bây giờ.

Nếu là ngày xưa, thứ bạn thiếu nhất chính là cơ hội để nghỉ việc. Ngay cả khi bạn đã tìm được nơi mới lý tưởng hơn, chỉ cần thu xếp một chút là có thể vào làm ngay, nhưng công ty ban đầu không chấp nhận thì bạn vẫn không thể đi làm ở công ty khác. Gen Z với thế giới rộng lớn với cơ hội ngập tràn của họ sẽ không gặp tình trạng như trên.

Có một thế hệ khó bảo tại nơi làm việc: Sếp thích sao cũng kệ, tỉ lệ nhảy việc cao ngất ngưởng nhưng sống lại rất thực dụng - Ảnh 3.

Thế giới bao la, không gì có thể trói buộc tôi. Vậy thì bốc đồng một lần, rời bỏ nơi làm việc nhàm chán, không mang lại sự phát triển cho bản thân thì có sao đâu? Công ty này không phù hợp với tôi thì ắt sẽ có công ty khác.

Đối với Gen Z, nơi làm việc chỉ là một nền tảng để họ học hỏi từ đó, nếu nền tảng này không thể mang lại cho họ bất cứ thứ gì có giá trị (bao gồm kiến thức, kinh nghiệm, thu nhập hay đơn giản là trải nghiệm vui vẻ), họ sẵn sàng rời đi.

Nói họ khó bảo cũng đúng nhưng chính xác hơn, đây chính là chủ nghĩa thực dụng của Gen Z. Họ làm việc chăm chỉ vì họ cam tâm tình nguyện, họ rời đi vì họ có những mục tiêu lớn hơn, họ có tham vọng riêng và đang nỗ lực hướng tới mục tiêu của mình.

Ảnh minh họa: Pinterest

Theo M416

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên