MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có mục tiêu kỳ vọng GDP Việt Nam tăng tới 8% năm nay

Có mục tiêu kỳ vọng GDP Việt Nam tăng tới 8% năm nay

Một cấu phần kỳ vọng gắn với chương trình phục hồi, song chương trình này lại chậm hơn dự kiến.

Theo chương trình kỳ họp đang diễn ra của Quốc hội, phiên chất vấn đầu tiên đến chiều 7/6 mới diễn ra, còn phiên toàn thể thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách và kéo dài Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ bắt đầu từ sáng mai (01/6) và diễn ra trong hai ngày.

Phục vụ hoạt động được truyền hình trực tiếp và rất được cử tri quan tâm này, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi đến các đại biểu Quốc hội tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại 19 tổ thảo luận với 205 lượt ý kiến về những nội dung trên.

5 chỉ tiêu không đạt đều là chỉ tiêu quan trọng

Ở kỳ họp này, Quốc hội không chỉ đánh giá tình hình kinh tế, xã hội của những tháng đầu năm mà còn đánh giá bổ sung kết quả năm 2021 (nhiều số liệu mới chỉ ước tính khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm trước).

Phần này, Tổng thư ký Quốc hội phản ánh, nhiều ý kiến cho rằng, năm 2021, có 5/12 chỉ tiêu chưa đạt; đây đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế cần phải được quan tâm chỉ đạo để có sự đột phá hơn.

Đó là: (i) tốc độ tăng trưởng GDP 2,58%, là mức thấp hơn so với các nước trong khu vực; (ii) chỉ tiêu GDP bình quân đầu người không đạt, chưa đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững như mong đợi và cho thấy việc đạt mục tiêu 5 năm với mức 4.700 - 5.000 USD là rất khó khăn; (iii) chỉ tiêu tỷ trọng đóng góp năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng (TFP) chỉ đạt 37%, thấp hơn mục tiêu 45 - 47% và thấp hơn so với giai đoạn trước 45,72%; tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,71%, thấp hơn mục tiêu 4,8% và thấp hơn giai đoạn 2016-2021 là 5,89%.

Điều đó cho thấy tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu tư, trong khi giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao. Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ nguyên nhân chỉ số về tốc độ tăng năng suất lao động không đạt qua nhiều năm.

Còn về tình hình những tháng đầu năm nay, đại biểu ở nhiều tổ cho rằng Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả chính sách của Nhà nước. Theo đó, có ý kiến đại biểu đề nghị chỉ rõ các khâu, các ngành để xảy ra chậm trễ và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra để có giải pháp phù hợp, báo cáo Quốc hội trong thời hạn sớm nhất.

Có ý kiến 6 đại biểu cho rằng việc Quốc hội ban hành theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 với các cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ, qua đó, khẳng định tính kịp thời, đúng đắn, phù hợp, tuy nhiên quá trình triển khai Nghị quyết còn chậm, nhất là chính sách đầu tư phát triển cho kết cấu hạ tầng, làm giảm ý nghĩa cấp bách của gói kích thích kinh tế này.

Kỳ vọng tăng trưởng 8% là thách thức rất lớn

Về những tháng còn lại của năm, đại biểu cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8% là thách thức rất lớn. Mục tiêu 8% này được xác định bao gồm mức 6-6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, và thêm khoảng 2% theo kỳ vọng của gói kích thích kinh tế.

Tuy nhiên, như trên, gói kích thích kinh tế được đánh giá là triển khai còn chậm và ảnh hưởng đến mục tiêu kỳ vọng. Theo đó, đại biểu đề nghị cần nhận diện, tháo gỡ, hỗ trợ và tập trung triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội nhanh hơn, đồng bộ hơn. Quốc hội cần xem xét trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan liên quan... trong việc chậm triển khai Chương trình.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu và điều chỉnh các chính sách không phù hợp, đồng thời có thể xem xét để kéo dài thời hạn thực hiện chính sách; cải cách, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho những đối tượng thụ hưởng trong việc tiếp cận các chính sách; có biện pháp kiểm soát để gói hỗ trợ phục hồi kinh tế được tập trung đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng được đầu tư vào thị trường chứng khoán và bất động sản.

Bên cạnh ý kiến đề nghị cần thắt chặt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, ý kiến khác cho rằng cần rà soát thực hiện chính sách tiền tệ hợp lý nhằm "nắn" dòng vốn, bảo đảm lành mạnh hóa thị trường và hạn chế rủi ro, không nên siết chặt, làm nghẽn thị trường.

Tổng thư ký Quốc hội cũng báo cáo, tại các tổ thảo luận, có 6 vị đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá, dự báo sát tình hình thực tế và có những giải pháp căn cơ để quản lý, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm phát triển lành mạnh đối với thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm nâng cao chất lượng công tác tham mưu ban hành các văn bản quản lý liên quan đến các loại thị trường (01 ý kiến).

Chính phủ còn nhận được đề nghị sớm sửa đổi Nghị định 153 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế để khắc phục những bất cập, sơ hở, làm minh bạch, an toàn thị trường.

Có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để chống gian lận, nội gián trong thị trường chứng khoán, xử lý nghiêm đối với các hành vi này nhằm tạo lập thị trường chứng khoán minh bạch, hiệu quả; cung cấp thông tin kịp thời cho các nhà đầu tư nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, để thị trường chứng khoán thực sự là một kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, báo cáo nêu rõ.

Theo Khánh Phương

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên