Có nên áp dụng giá sàn cho các đường bay nội địa?
Khách hàng có thể sẽ hết cơ hội săn vé siêu rẻ cho các đường bay nội địa trong thời gian tới nếu dự thảo quy định về giá sàn của Cục Hàng không được thông qua.
- 06-03-2017Tăng giá dịch vụ hàng không, vé máy bay có tăng?
- 08-11-2016Tăng giá dịch vụ hàng không: Giá vé máy bay có tăng theo?
- 20-01-2016Giá dầu giảm sâu, các hãng hàng không Nhật đồng loạt hạ giá vé máy bay
Theo nguồn tin của Báo Lao Động, Cục Hàng không đang lấy ý kiến về dự thảo áp khung giá sàn cho dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa để thay thế quyết định 3282/QĐ-BTC ngày 19.12.2014. Theo đó, bên cạnh quy định sẵn có về khung giá trần, Cục Hàng không đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa và đã tổ chức một cuộc họp lấy ý kiến các hãng hàng không về vấn đề này.
Được biết, dự thảo này nhận được sự ủng hộ của một số hãng hàng không như Vietnam Airlines hay Jetstar nhưng vấp phải sự phản đối từ hãng hàng không giá rẻ Vietjet.
Trong văn bản góp ý với Bộ GTVT, Jetstar cho rằng cần thiết phải có giá sàn để xây dựng khung giá. Hãng này lập luận trong 3 năm qua sự phát triển nóng của ngành hàng không đã tác động mạnh và gây sức ép lên cơ sở hạ tầng nhà ga cũng như giao thông khu vực quanh các sân bay lớn. Bên cạnh đó, mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không buộc phải liên tục giảm giá vé (có khi bán thấp hơn giá thành) và sẽ tiếp tục giảm để hút khách. Điều này được cho là làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và sự phát triển bền vững của ngành hàng không.
Hãng này cũng cho rằng giá vé máy bay thấp hơn giá vé đường sắt đường bộ có thể tạo ra sự phát triển mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác đồng thời nêu ví dụ về việc Indonesia cũng áp giá sàn để phòng ngừa cạnh tranh giá quá thấp so với giá thành. Jetstar đề xuất xác định mức giá sàn bằng cách lấy chi phí trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây quy định giá sàn. Theo đó, giá chi phí trực tiếp gồm có chi phí thuê, quỹ đại tu, thuê kho vật tư khí tài, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí phục vụ chuyến bay, chi phí bảo hiểm… và dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay dao động từ 29% đến 34% giá trần.
Về phần mình, Vietjet tán thành chủ trương nâng mức giá trần hoặc bỏ quy định giá trần nhưng kiến nghị không quy định giá sàn. Lý giải về điều này, Vietjet cho rằng việc áp giá sàn dù dưới hình thức nào cũng đi ngược quy định của Luật cạnh tranh năm 2014 và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo hãng này, hiện không còn nước nào quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hàng không và số lượng khách nội địa mới vào khoảng 10 triệu lượt/năm.
Điều này cho thấy 90% dân số chưa tiếp cận với dịch vụ hàng không mà nguyên nhân chủ yếu là do giá cao hơn mức thu nhập. Do đó, việc áp giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ cũng như hạn chế cơ hội tiếp cận phương tiện vận chuyển hàng không của 80 triệu dân đồng thời làm méo mó thị trường hàng không Việt Nam. Ngoài ra, hãng này cho rằng quy định giá sàn cũng khó khả thi do việc tính toán tiêu chí xây dựng giá sàn còn chưa có sự thống nhất giữa các hãng hàng không.
Hiện Cục Hàng không chưa bình luận gì về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu Cục áp quy định giá sàn, thị trường hàng không sẽ có những thay đổi lớn và cơ hội mua vé giá rẻ của người tiêu dùng sẽ giảm đi rất nhiều.
Lao động