MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên tăng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng GDP?

11-06-2017 - 08:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Một đại biểu Quốc hội đề xuất tăng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng GDP, song có ý kiến khác cho rằng cần cân nhắc một cách thận trọng.

Trong khi Chính phủ quyết tâm giữ chỉ tiêu GDP tăng 6,7% cuả năm nay, nhiều vị đại biểu cho rằng khó có thể đạt được.

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 9/6, việc làm sao để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% được nhiều đại biểu quan tâm, đề xuất một loạt giải pháp.

Theo bà Lê Thu Hà (Lào Cai), Chính phủ cần tạo ra đột phá để trong 3 quý cuối năm đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/ quý, bảo đảm cả năm đạt 6,7%, đồng thời tạo đà cho năm 2018.

"Tôi đồng tình không chạy theo số lượng nhưng theo tôi, cần đặt cả 2 mục tiêu số lượng và chất lượng như nhau vì GDP là một trong 4 mục tiêu quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô đó là tăng GDP, ổn định giá cả, tăng việc làm, giảm thất nghiệp và tăng xuất khẩu. Nếu năm 2017 chúng ta vẫn không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì hai năm liền chúng ta không đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng và trong 3 năm còn lại sẽ khó khăn hơn", bà Hà nêu quan điểm.

Nhìn xa hơn thì nếu trong 20 năm từ 2016 đến 2035 mà nền kinh tế Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, để GDP đầu người tăng 6%/năm thì Việt Nam không còn cơ hội thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020 là rất quan trọng đối với lộ trình 20 năm tới.

Tuy nhiên, theo dự báo, nếu không có nhân tố mới thì GDP năm 2017 chỉ tăng 6,2%. Như vậy, so với mục tiêu tăng 6,7% thì sẽ thiếu hụt 0,5%. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần xác định các dư địa có khả năng khai thác để có giải pháp tăng thêm 0,5% này nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến các mục tiêu khác của kinh tế vĩ mô như áp lực lạm phát, tăng nợ công, tăng nợ xấu của ngân hàng thương mại.

Bà Hà đề xuất: "Trong điều kiện nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, bên cạnh 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề cập tới trong báo cáo, tôi xin không nhắc lại ở đây. Theo tôi, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng có tác dụng nhanh, đó là tăng tổng cầu của nền kinh tế. Cụ thể là tăng khối lượng tiền tệ so với kế hoạch đề ra, tương ứng với việc tăng thêm khoảng 2% tổng dư nợ tín dụng. Theo kế hoạch từ 18% - 20% bao gồm cả tín dụng đầu tư, tiêu dùng và những lĩnh vực, đối tượng có tốc độ giải ngân nhanh nhất trong năm 2017".

Vị đại biểu đoàn Lào Cai cho rằng với mức tăng tín dụng 2% sẽ không gây lạm phát tiền tệ bởi lạm phát cơ bản cho đến nay vẫn diễn biến thuận lợi. Quý I năm 2017, lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,66% so với bình quân năm 2016. Ngay cả tình huống năm 2017, CPI tăng bình quân cao hơn 4% so với năm 2016 nhưng dưới 5% cũng chỉ có tác động kích thích tăng trưởng không đáng lo ngại. Tuy nhiên, kèm theo giải pháp này phải không điều chỉnh tăng giá điện và giá cả các loại dịch vụ công khác như y tế, giáo dục từ nay đến cuối năm.

Cẩn trọng!

Tranh luận về đề xuất trên, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng giải pháp tăng trưởng mức tín dụng thêm 2%, hiện nay là 18%, tăng thêm mức tín dụng cho ngành kinh tế là 20%. Đây là giải pháp nên cân nhắc thận trọng.

Theo ông Tuấn, nên chăng ưu tiên nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tài khóa tiền tệ cho nền kinh tế hiệu quả hơn, sẽ tốt hơn. Từ năm 2013 tới nay thì Chính phủ đang thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, thông qua các chỉ số, như chỉ số đầu tư về ngân sách tăng, năm 2016 tăng 5,2% so với kế hoạch; Bội chi có xu hướng tăng, bình quân năm 2011- 2015 là 5,2%, năm 2016 là 5,64% cao hơn kế hoạch.

Thuế suất của các loại mặt bằng thuế suất thì có xu hướng điều chỉnh xuống, tức là đang cung tiền cho nền kinh tế rất mạnh. Chính sách tiền tệ thì độ sâu tài chính M2/GDP cũng tăng thông qua tín dụng tăng trưởng cho nền kinh tế thì từ năm 2013 trở lại đây thì tăng 18%. Tất cả những chính sách mở rộng này sẽ tăng lượng cung tiền cho nền kinh tế và mở rộng phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, một nghịch lý ở đây là việc huy động trái phiếu Chính phủ thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ từ năm 2016 thì 60.000 tỷ, năm 2017 khoảng 50.000 tỷ. Việc giải ngân về vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2016 thì giải ngân chưa hết, chuyển qua năm 2017 là 12,5 ngàn tỷ. Năm 2017 tới nay thì giải ngân chỉ được 10,4% kế hoạch.

Ông Tuấn diễn giải, chúng ta hút tiền ở nền kinh tế vào mà chúng ta lại giải ngân chậm tức là triệt tiêu chính sách tài khóa tiền tệ mở rộng của nền kinh tế, cho nên việc tác động tới tăng trưởng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đối với tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, chúng ta thấy rằng cùng với thâm hụt ngân sách và nợ công tăng lên, gần chạm mức 65% tức là hiện nay 63,7%.

"Gánh năng nợ công khiến áp lực trả nợ ngày càng tăng, chúng ta huy động nguồn lực của nền kinh tế vào, vừa để ngăn chặn, vừa phục vụ cho việc trả nợ công thì làm cho chính sách tài khóa tiền tệ mở rộng sẽ bị triệt tiêu, gây nên một nghịch lý trong điều hành chính sách tiền tệ chỗ này và hiệu quả việc thực thi chính sách tiền tệ bị hạn chế và tác động tới tăng trưởng kinh tế đó là lý do tôi nghĩ rằng một nguyên nhân rất quan trọng mà tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt được kế hoạch đề ra", ông Tuấn phân tích.

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, chỉ số chênh lệch tín dụng/GDP đã có xu hướng tăng liên tục từ quý IV/2015 cho đến nay và hiện đã ở mức 11% trong quý I/2017. Đây là mức cao thứ hai trong giai đoạn 2009-2017, chỉ đứng sau mức 13% của mức quý I/2011.

Chênh lệch tín dụng/GDP hàng năm là chênh lệch giữa tỷ lệ tín dụng/GDP thực tế của năm báo cáo và mức trung bình của những năm gần đây của Việt Nam. Đây là một trong những chỉ số cảnh báo sớm khủng hoảng ngân hàng được Ngân hàng thanh toán Quốc tế (BIS) khuyến nghị.

Mai Ngọc

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên