Cổ phần hóa - giải pháp 'cứu' rạp chiếu phim nhà nước?
Nhà nước cần có những chính sách cải cách, rót thêm vốn hoặc cho phép cổ phần hóa các rạp chiếu phim để phát triển nền điện ảnh trong nước.
- 27-02-2017Chiêu kiếm lời của các rạp chiếu phim
- 22-06-2016Mức lợi nhuận thấp một cách khó hiểu của CGV khi thống trị thị trường rạp chiếu phim Việt Nam
- 12-06-2016Quyền lực của rạp chiếu phim
Cơ hội nào cho các rạp phim?
Trong lúc các cụm rạp chiếu phim có vốn đầu tư nước ngoài cạnh tranh gay gắt thị trường tại Việt Nam, thì đáng buồn là các rạp phim nội doanh lại bất lực đứng ngoài cuộc đua, không đủ khả năng tham gia.
Cụm rạp CGV hiện đang thống lĩnh thị trường
Theo khảo sát, rạp Quốc gia, CGV, Lotte, Platinum, rạp Tháng Tám là 5 thương hiệu rạp chiếu phim được biết đến và đến xem nhiều nhất ở Hà Nội. Còn tại TP HCM, top 5 rạp là Galaxy, CGV, Lotte, BHD, Cinebox. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, các rạp có vốn đầu tư nước ngoài áp đảo rạp nội địa về số lượng.
Theo số liệu mới nhất của Cục Điện ảnh, tính đến hết năm 2016, cả nước có 138 rạp, cụm rạp chiếu phim. Trong đó, các doanh nghiệp nội địa (nhà nước và tư nhân, bao gồm cả hình thức góp vốn hợp tác với nước ngoài) là 92 cụm rạp, còn cụm rạp doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là 46.
Giá vé xem phim tại rạp Quốc Gia
Tại Việt Nam hiện nay có hơn 480 phòng chiếu phim, trong đó CGV là đơn vị nắm giữ thị phần áp đảo, với 176 phòng chiếu (chiếm 36,4%), Lotte là 111 phòng (chiếm 23%), rạp Quốc gia 98 phòng chiếu (chiếm 20,4%), Platinum Cineplex 37 phòng chiếu (chiếm 7,7%), BHD star Cineplex 36 phòng chiếu (chiếm 7,5%). Các đơn vị khác khác chia nhau phần 5% còn lại.
Có một điều là giá vé tại rạp nhà nước có giá thành rẻ hơn nhiều (40 - 80 nghìn đồng tại rạp Quốc gia) so với rạp có vốn đầu tư nước ngoài (80 – 125 nghìn đồng tại CGV), nhưng người xem vẫn lựa chọn đến xem tại các rạp ngoại doanh.
Giá vé xem phim tại rạp CGV
Cũng theo khảo sát, 87.5% khán giả Việt quan tâm đến chất lượng cơ sở vật chất khi chọn rạp xem phim, 80.4% quan tâm tần xuất chiếu phim mới và 66.1% quan tâm đến giá vé.
Có thể thấy cơ sở vật chất là yếu tố quyết định thu hút người xem, đây là điều mà các rạp phim nước nhà chưa khắc phục được. Cơ sở vật chất kém, không đầu tư thiết bị, cập nhật phim chậm, thái độ phục vụ chưa tốt,...là nhận xét của nhiều khá nhiều người xem Việt.
Rạp Lý Nam Đế (Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm) đã sửa chữa và mở thêm dịch vụ vào năm 2003, tuy nhiên đến nay đã đóng cửa
Vũ Nguyễn Linh Chi (Hàng Gai) chia sẻ rằng “Vì gần nhà nên hồi nhỏ mình hay được bố mẹ cho đi xem phim ở rạp Tháng Tám, nhưng lớn rồi thì mình chỉ thích xem ở CGV hoặc Lotte”, khi được hỏi thì lí do cũng không nằm ngoài những điều kể trên.
Rạp Tháng Tám nhận được rất nhiều lời phản hồi không tốt từ khán giả
Ngoài chất lượng cơ sở vật chất, tốc độ cập nhật phim cũng là yếu tố quan trọng thu hút khán giả, nếu ở CGV số lượng phim chiếu hàng ngày lên tới 12 phim, Lotte và Platinum 11 phim thì tại những rạp như Kim Đồng, số lượng phim chiếu là 3 phim.
Thực tế, để chiếm thị phần gần như tuyệt đối tại thị trường Việt Nam, CJ CGV Việt Nam và Lotte Cinema đã "chơi lớn" ngay thời điểm gia nhập thị trường khi liên tục rót tiền để mở rộng quy mô số lượng cụm rạp.
Với cơ sở vật chất hiện đang, tiên tiến, dù có mức giá cao hơn rạp khác nhưng người xem vẫn lựa chọn xem phim tại đây
Hiện nay để đáp ứng với ứng dụng công nghệ số hóa (digital), việc đầu tư vào xây dựng các hệ thống rạp theo chuẩn tốn nhiều công sức và tiền bạc. Mặc dù có nỗ lực nhưng các Trung tâm phát hành và chiếu phim của nhà nước cũng chỉ chiếm thị phần khá khiêm tốn (theo ước tính chỉ chiếm chưa đến 40%), trong khi đó các doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm hơn 60% thị phần còn lại, riêng hệ thống rạp của CGV đã chiếm khoảng 40% thị phần và hình thành “vị trí thống lĩnh thị trường”.
Cuộc đua thị phần
Theo Luật Điện ảnh, chúng ta bắt đầu cho tư nhân vào đầu tư tại Việt Nam từ sản xuất phim cho đến chiếu phim. Trong khi doanh nghiệp nhà nước là cơ quan sự nghiệp nên không có quyền nhập phim.
Thêm vào đó, tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp cũng là điều đáng nói đến. Phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác tỉ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%), còn với các phim Việt Nam do các doanh nghiệp Việt Nam phát hành tại hệ thống CGV là 45/55 (nghĩa là nhà phát hành đó chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần).
Các nhà phát hành trong nước không còn cách nào khác đã phải chịu sự áp đặt của do số lượng rạp của CGV quá lớn, nếu không đồng ý tỷ lệ này thì phim sẽ không được chiếu tại hệ thống rạp CGV, đồng nghĩa với việc phim không được chiếu trên 40% tổng số rạp.
Hiện nay, những cái tên "nội" trong cuộc chạy đua thị phần ngành công nghiệp điện ảnh là rạp Quốc Gia, BHD Star Cineplex và Galaxy Cinema là những rạp vẫn thu hút được lượng người xem nhất định nhờ những thay đổi của mình.
Quốc gia là một trong những rạp chiếu phim đang chuyển mình để cạnh tranh với rạp có vốn đầu tư nước ngoài
Tháng 1/2017, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã tổ chức Lễ khai trương bốn phòng chiếu mới nâng tổng số phòng lên con số 13, với gần 2.500 chỗ ngồi, trở thành cụm rạp có số phòng chiếu và số ghế nhiều nhất cả nước. Các bom tấn điện ảnh từ phim Việt đến Hollywood sẽ trở nên vô cùng sống động bởi Trung tâm đầu tư công nghệ và các thiết bị chiếu phim tối tân nhất. Được biết, bốn phòng chiếu mới được trang bị màn chiếu hiện đại nhất thế giới cùng âm thanh Dolby 7.1, ghế ngồi co giãn tạo sự thoải mái tuyệt đối.
Thiết nghĩ, muốn thúc đẩy, ủng hộ rạp nước nhà, cần nhiều thay đổi mạnh dạn hơn nữa. Nhà nước cũng cần có những chính sách cải cách mới, rót thêm vốn đầu tư hoặc cho phép cổ phần hóa các rạp nhà nước, nhằm phát triển nền điện ảnh nước nhà./.
VOV