MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phần hóa PV Power, BSR và PVOIL thu về thặng dư cho Nhà nước khoảng 7.450 tỷ đồng

21-08-2018 - 07:28 AM | Doanh nghiệp

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV PVN cũng khẳng định, việc cổ phần hoá này cũng là cơ hội giúp tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng hoạt động và tổ chức gọn nhẹ hiệu quả hơn nhất là trong bối cảnh thị trường dầu khí ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Theo ghi nhận từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), chiều ngày 17/8/2018, PVN đã tổ chức lễ tổng kết công tác cổ phần hóa 3 đơn vị Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIl) và CTCP Lọc-Hóa dầu Bình Sơn tại Hà Nội.

Nói về quá trình cổ phần hóa ba ông lớn dầu khí, PVN cho biết tổng giá trị tài sản của PVOIL (OIL) là 19.309 tỷ đồng, PVPower (POW) 60.623 tỷ đồng và Lọc-Hóa dầu Bình Sơn (BSR) 72.880 tỷ đồng. Theo Tập đoàn, giá trị doanh nghiệp xác định lại của 3 đơn vị đều tăng so với giá trị sổ sách, là cơ sở để xác định giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Cụ thể, giá khởi điểm của PVOIl là 13.400 đồng/cp, PVPower là 14.400 đồng/cp, BSR là 14.600 đồng/cp.

Kết quả thu về, BSR đã bán đấu giá thành công 241 triệu cổ phần (tương đương 7,79% vốn điều lệ), thu về số tiền hơn 5.414 tỷ đồng với giá đấu thành công bình quân 23.043 đồng/cp. Đóng góp mức thặng dư khoảng 3.150 tỷ đồng.

PVPower đã bán đấu giá thành công 468 triệu cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ), thu về số tiền 6.987 tỷ đồng với giá đấu thành công bình quân 14.938 đồng/cp, tương ứng mức thặng dư khoảng 2.300 tỷ đồng.

Cuối cùng, PVOIl đã bán đấu giá thành công 200 triệu cổ phần (tương đương 20% vốn), thu về số tiền gần 4.040 tỷ đồng với giá đấu thành công bình quân 20.155 đồng/cp. Thặng dư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tổng lại, việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng 3 đơn vị trên thu về thặng dư khoảng 7.450 tỷ đồng cho Nhà nước.

Mặt khác, liên quan đến việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, đại diện PVN cho biết căn cứ tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn đã chỉ đạo thực hiện các thủ tục có liên quan để sớm hoàn tất. Ghi nhận, cả 3 đơn vị đã nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư chiến lược; riêng PVOIl số lượng nhà đầu tư đủ điều kiện mua cổ phần là 4 tổ chức gồm SK Energy, Idemitsu, Sovico và HD Bank, với tổng khối lượng cổ phần đăng ký dự kiến gấp 2,86 lần khối lượng chào bán.

Tuy nhiên, do đã hết thời hạn chào bán cho cổ đông chiến lược và thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại văn bản số 5030/VPCP-ĐMDN ngày 30/5/2018, Ban chỉ đạo cổ phần hóa đã chỉ đạo PV Power, PVOIL, BSR tổ chức ĐHĐCĐ lần đầu và chuyển sang hoạt động dưới hình thức CTCP (BSR tổ chức ĐHĐCĐ lần đầu ngày 21/6/2018, PV Power 26/6/2018, hoạt động dưới hình thức CTCP từ 1/7/2018. PVOIL đã tổ chức ĐHĐCĐ lần đầu vào ngày 30/7/2018, hoạt động dưới hình thức CTCP từ 1/8/2018).

Phát biểu, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, thành công lớn nhất là chuyển đổi sang CTCP – giúp các Tổng Công ty, Công ty có thêm động lực mới, nguồn lực mới cho sự phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, Chủ tịch Thanh cũng khẳng định, việc cổ phần hoá này cũng là cơ hội giúp tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng hoạt động và tổ chức gọn nhẹ hiệu quả hơn nhất là trong bối cảnh thị trường dầu khí ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Nguyên Phong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên