Cổ phiếu bank nổi sóng, nhiều mã tăng 10 – 20% sau vài phiên
Nhiều mã ngân hàng bật tăng mạnh trong những phiên gần đây khi đợt bán tháo vừa qua đã đưa định giá ngành này về mức rất hấp dẫn.
Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh phiên 28/6 và là nhóm dẫn đầu kéo thị trường chung tăng điểm. Trong đó, VIB tăng trần với khối lượng dư mua gần 330.000 đơn vị, tiếp theo là BID (6%), KLB (5,1%), STB (4,9%),…. Tính chung 5 phiên giao dịch vừa qua, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã có tỷ suất sinh lời trên 10%, riêng VIB lên tới gần 23%.
Cổ phiếu ngân hàng trải qua những phiên hồi phục mạnh mẽ sau khi liên tục giảm sâu kể từ đầu tháng 4. Giới phân tích cho rằng, đợt bán tháo vừa qua đã đưa định giá của các ngân hàng về mức rất hấp dẫn.
Tại báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, VnDirect kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc trở lại trong giai đoạn 2022-2023 nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ; và ngành ngân hàng là lựa chọn tiêu biểu trong bối cảnh nói trên. Mặc dù biên lãi thuần khó có thể cải thiện do lãi suất huy động tăng, các ngân hàng vẫn sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao 29% và tỷ suất sinh lời ROE 22% trong 2022 dựa trên tăng trưởng tín dụng cao, thu nhập từ phí ổn định và chi phí tín dụng được kiểm soát tốt.
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng quý II/2022, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cũng nhận định rằng ngành ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn so với mức tăng trưởng lợi nhuận, cùng nhiều yếu tố hỗ trợ có thể diễn ra sẽ giúp các cổ phiếu ngành ngân hàng tăng trưởng vượt trội hơn so với mặt bằng chung của VN-Index.
Bên cạnh định giá hấp dẫn, đà tăng của cổ phiếu ngân hàng còn được hỗ trợ bởi kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý II khi mùa công bố báo cáo tài chính đang đến gần.
Trước đó, kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý II/2022 được Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, 73,1 - 80,8% TCTD kỳ vọng kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2022.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) gần đây cũng đưa ra nhận định tích cực đối với một loạt ngân hàng như VIB, Vietcombank, HDBank. Theo đó, VCSC dự báo lợi nhuận những nhà băng này sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đi cùng upside tăng giá lớn của cổ phiếu.
Tại báo cáo công bố mới nhất về VIB, VCSC ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2022 của VIB sẽ tăng hơn 31%. Theo VCSC, tăng trưởng tín dụng của VIB năm nay có thể đạt mức trên 20% và tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tăng thêm 0,12 điểm % lên 4,5%. Điều này dẫn đến thu nhập lãi thuần năm 2022 dự báo tăng trưởng 26,3% so với năm 2021.
Năm 2022, ngân hàng nhận được khoản vay hợp vốn 3 năm trị giá 260 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một số tổ chức tài chính quốc tế. ''Chi phí huy động giá rẻ từ các nguồn quốc tế sẽ là chất xúc tác để giảm áp lực giảm NIM trong vài năm tới khi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trên toàn hệ thống từ nay đến cuối năm có thể tăng thêm khoảng 0,5 điểm %'', VCSC nhận định.
Bên cạnh đó, nhóm phân tích cũng kỳ vọng thu nhập từ phí thuần sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm với động lực chính đến từ dịch vụ thanh toán thẻ.
Dẫn thông tin từ cuộc họp với giới phân tích của VIB, VCSC cho biết ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế quý II có thể đạt 2.700 tỷ đồng (tăng 26%). Kỳ vọng này đang đi đúng hướng với dự báo lợi nhuận năm 2022 của VCSC và kế hoạch lợi nhuận cả năm của ngân hàng là 10.500 tỷ đồng.
Cùng với VIB, VCSC cũng đưa ra ước tính tăng trưởng lợi nhuận cả năm 2022 của Vietcombank là 40,6%. Theo đó, các chuyên gia phân tích nâng dự báo LNST sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 thêm 2,7% so với báo cáo trước đó do (1) thu nhập lãi thuần tăng 0,2%, thu nhập phí tăng 6,2% (bao gồm kinh doanh ngoại hối) và (2) chi phí dự phòng giảm 0,8%.
Tại HDBank, VCSC điều chỉnh tăng ước tính LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 thêm 6,6% lên 7,4 nghìn tỷ đồng so với dự báo trước đó do (1) giả định thu nhập từ lãi (NII) tăng 1,3% và thu nhập ngoài lãi (NOII) tăng 5,7%, cao hơn mức tăng 3,1% trong giả định phí dự phòng.